Dòng sự kiện:

Giúp mẹ thông tuyến sữa sau sinh an toàn không đau

Theo Phununews
08:00 24/09/2017
Nhiều mẹ vì thiếu kinh nghiệm cho con bú và chăm sóc bầu sữa đã dẫn tới hiện tượng mẹ bị tắc tia sữa không biết nguyên nhân do đâu và cách làm thông tuyến sữa như thế nào.

Tắc tia sữa là tình trạng rất thường gặp ở những bà mẹ sau sinh khiến mẹ khốn khổ trong khi bé thì khóc quấy thèm khát sữa. Vậy phải làm sao để tránh bị tắc sữa sau sinh và phải làm gì để thông tia sữa khi đã bị tắc? Mẹ bầu hãy ghi sổ ngay những cách làm thông tuyến sữa dưới đây.

Vì sao mẹ bị tắc tia sữa?

Mẹ có biết, sữa được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Trên dòng chảy vì một lí do nào đó mà lòng ống dẫn bị hẹp bít lại (chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lí, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân sau đây gây tắc tia sữa sau khi sinh:

+ Không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh.

+ Không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết. Sữa đọng lại lâu ngày gây ôi, tắc và ung nhũ.

+ Cảm nhiễm hàn tà, làm cho sữa khó lưu thông.

+ Tinh thần không thư thái làm can khí uất, ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ, sữa ứ đọng hóa hỏa sinh nhũ ung.

+ Ăn uống thất thường gây tổn thương tỳ vị, vị nhiệt ủng trệ, nhiệt tích tại nhũ lạc, gây sưng đau vú.

+ Cơ thể sau sinh chính khí suy.

+ Sau khi cho trẻ bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch.

Cách làm thông tia sữa

- Day ép bằng tay: Dùng 1 bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết. “Day ép” chứ không phải là “xoa”, bởi vì chỉ có lực day ép mới có tác dụng đối với vị trí tắc nằm ở sâu trong bầu vú và mới có thể làm tan sữa đã đông kết. Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu đựng được, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 - 30 lần, rồi lại làm ngược lại. Thực hiện như trên nhiều lần.

- Chườm nóng: Sau khi day ép vẫn thấy ngực căng tức, bạn có thể chườm nóng, dưới tác dụng của nước nóng (không quá nóng dẫn đến bỏng) sữa đông kết tan dần, khai thông dòng chảy tạo điều kiện cho sữa mới chảy ra. Cùng với các động tác mát-xa hỗ trợ, tình hình sẽ dần được cải thiện.

- Dụng cụ hút sữa: Dùng áp lực âm để hút nên thường chỉ sử dụng trong giai đoạn sớm khi sữa mới vón kết và với vị trí tắc nằm gần núm vú. Đối với vị trí tắc ở sâu hoặc ở nang sữa thì rất khó bởi vì nếu để áp lực nhỏ thì không thể làm tan sữa đông kết, còn nếu để áp lực lớn thì sẽ làm tổn thương nặng thêm do mạch máu, ống dẫn bị căng giãn; nhất là khi hiện tượng tắc sữa có yếu tố nhiễm khuẩn. Ở giai đoạn muộn khi sự vón kết sữa đã hình thành những cục, mảng lớn thì dùng dụng cụ hút sữa gần như không có tác dụng. Vậy nên chỉ nên sử dụng dụng cụ hút sữa khi mới xuất hiện nhưng dấu hiệu sớm của bệnh.

Cách dân gian chữa tắc tia sữa

- Đắp hành tím: Lấy vài củ hành tím, bỏ vỏ, cắt lát mỏng rồi đắp lên hai bầu ngực (không đắp lên núm vú), dùng khăn/ giấy mềm bọc lại rồi dán băng dính cố định để hành không bị rơi ra ngoài. Dùng tay mát-xa nhẹ nhàng hai lần mỗi ngày cũng giúp sữa được thông nhanh chóng.

- Dùng quả đu đủ non: Tương tự như cách làm với hành tím, mẹ có thể lấy một quả đu đủ non rửa thật sạch, thái lát mỏng sau đó hơ lửa cho ấm. Dùng khăn/ giấy mỏng bọc lại rồi đắp lên ngực, mát-xa nhẹ nhàng để sữa mau thông. Cách trị tắc tia sữa này được rất nhiều mẹ áp dụng vì cực kì hiệu quả.

- Dùng tía tô và rau dừa nước: Đối với các mẹ ở nông thôn có thể dễ dàng tìm được rau dừa nước. Khi đó, hãy lấy một nắm rau này kết hợp với lá tía tô, rửa sạch rồi giã nát sau đó đắp lên ngực và băng lại. Làm trong một vài ngày có tác dụng thông sữa rất tốt.

- Đắp lá bắp cải: Tách riêng từng lá bắp cải, cắt bỏ phần sống lá rồi rửa sạch, lau khô. Hơ lá bắp cải trên lửa cho nóng rồi dùng khăn/ giấy mỏng bọc lại, đắp lên bầu ngực và mát-xa đến khi tia sữa được thông hoàn toàn, mẹ sẽ thấy ngực hết đau và sữa bắt đầu chảy ra.

- Uống nước lá đinh lăng: Các mẹ lấy một nắm lá đinh lăng, sau đó rửa sạch, sao vàng lên, hạ thổ rồi đun nước uống, sẽ có tác dụng nhanh chóng. Nước này ngon, rất dễ uống, ngoài ra còn làm cho sữa thơm, hấp dẫn em bé nữa.

- Nước lá bồ công anh: Lấy khoảng 100g lá bồ công anh tươi, sau đó các mẹ rửa thật sạch, thái nhỏ và xay nhuyễn. Cho khoảng 150ml nước vào đun sôi trong khoảng 15 phút. Lấy bã đắp lên ngực, nước bồ công anh uống trong ngày như trà, uống ấm hoặc nóng, uống liên tục trong 5 ngày.

Cách phòng tắc tia sữa mẹ nên nắm rõ

- Luôn vệ sinh ngực sạch sẽ và đúng cách. Mẹ nên dùng khăn mềm và sạch, nhúng nước ấm để lau đầu vú và các kẽ trên đầu vú ngay trước và sau khi bé bú.

- Nếu bé bú không hết, hãy vắt hết sữa thừa, tránh trường hợp sữa đọng lại dễ vón cục dẫn đến tắc tia sữa.

- Cho con bú thường xuyên, tránh để cữ bú quá lâu (6 giờ đồng hồ trở lên) khiến sữa dễ đọng và bít tắc.

- Cho bé bú đúng cách, đảm bảo con ngậm đúng khớp ngậm.

Nếu bạn bắt đầu bị tắc, hãy áp dụng ngay các biện pháp trên, nếu thấy đỡ thì tốt, nếu không đỡ bạn nên đến khám bác sĩ, nếu bạn sốt quá cao hoặc kéo dài, bầu vú ngày càng cương cứng, sữa tắc hoàn toàn, bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho bạn uống. Tránh trường hợp để quá lâu sẽ dẫn đến nhiễm trùng, áp xe. Nên nắm rõ những cách làm thông tuyến sữa ở bà mẹ sau sinh để có kiến thức cũng như có biện pháp cho chính mình một cách hiệu quả nhất.

Nguồn: Gia đình Việt Nam