Dòng sự kiện:

Hành trình vượt cạn đầy cảm xúc của một bà mẹ Việt

Theo Dân việt
09:08 17/06/2017
Việc mổ đẻ lấy em bé ra khỏi bụng mẹ diễn ra chỉ từ 10 tới 15 phút thế nhưng hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày cho tới khi được nghe tiếng khóc, gặp mặt con lần đầu của người mẹ trẻ tên Hạnh lại khiến những người chứng kiến không khỏi xúc động.

Nước mắt, đau đớn và niềm hạnh phúc vỡ oà là những cảm xúc mà sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh trải qua khi lên bàn mổ, chiến thắng đớn đau để tạo dựng nên "công trình" của đời mình.

Sáng ngày 15/6, sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (1984, Sài Đồng, Long Biên) lên bàn mổ tại khoa sản bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Mặc dù đây là lần thứ 2 chị “vượt cạn” thế nhưng người mẹ trẻ vẫn không khỏi lo lắng và hồi hộp.

Việc mổ đẻ diễn ra rất nhanh, chỉ mất từ 10 - 15 phút thế nhưng để việc phẫu thuật được thành công và an toàn lại cần sự chuẩn bị rất cẩn thận và kỹ càng.

Để thực hiện ca đẻ mổ, các bác sĩ sử dụng phương pháp gây tê màng cứng cho sản phụ. Thuốc được tiêm vào lưng của người mẹ để làm tê dây thần kinh tủy sống (cơ thể sẽ bị tê từ phần ngực đến chân). Đây là phương pháp hiệu quả để giảm đau khi mẹ bầu đang trải qua hành trình vượt cạn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Bá Nha (Trưởng khoa Phụ - Sản, Bệnh viện Bạch Mai) là bác sĩ mổ chính cho biết, sản phụ sẽ được rạch đoạn ngang nhỏ ở bụng, vùng dưới rốn rồi đến các lớp mô, chạm tới tử cung và túi ối, sau đó em bé sẽ được kéo ra. Mọi động tác đều phải nhanh chóng, cẩn thận và chính xác.

9 giờ 14 phút sáng 15/6, bé trai Hoàng Ngọc Nam Anh cất tiếng khóc đầu tiên chào cuộc sống.

Ngay lập tức bé được các nữ hộ sinh vệ sinh mũi, miệng, đo vòng đầu, chiều dài thân, cân nặng cho bé.

Bé được gắn bảng tên để thuận tiện cho việc chăm sóc và di chuyển tránh thất lạc.

Khoảnh khắc hạnh phúc tột cùng của chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh khi ngắm nhìn đứa con trai mới chào đời mạnh khỏe.

Anh Hoàng Ngọc Triệu (33 tuổi, bố bé trai) không giấu nổi sự xúc động khi được nhìn thấy đứa con của mình.

Bé trai sau đó tiếp tục được chuyển tới phòng sau sinh. Tại đây các nữ hộ sinh tắm lần lượt cho các bé dưới vòi nước chảy, tránh tù đọng nước để đảm bảo vệ sinh.

Sau khi tắm xong, các bé sẽ được chăm sóc rốn và được mặc quần áo sạch mà bố mẹ đã chuẩn bị sẵn.

Người ta thường ví sinh nở giống như một cuộc đấu tranh sinh tử vì vậy mỗi em bé khi ra đời đều như một món quà đến từ thiên đường.