Dòng sự kiện:

Hầu như bé sơ sinh nào cũng mắc bệnh ngoài da này, mẹ đừng xem nhẹ

Với bất kỳ dấu hiệu bệnh nào ở trẻ, mẹ không hiểu đúng và không điều trị kịp thời rất dễ để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhất là các bệnh ngoài da, mẹ thường xem nhẹ, nhưng nếu không xử lý kịp thời thì sẽ có biến chứng nguy hiểm đấy mẹ nhé!

1. Mụn sữa

Nhiều người có thể bất ngờ khi nhìn thấy em bé có những cái mụn có đầu trắng, rất nhỏ, lấm tấm mọc trên má, trán, cằm hoặc thậm chí cả lưng của bé.

Hiện tượng này có thể xuất hiện khi bé vừa sinh ra hoặc ở bé sơ sinh 2 – 4 tuần tuổi.

Thật may là đa số các mụn sữa sẽ hết khi bé được 3 – 4 tháng.

Chưa rõ lý do chính xác gây ra mụn sữa, tuy nhiên lời khuyên của các bác sĩ nhi khoa là dùng xà phòng dịu nhẹ (loại dành riêng cho trẻ) để vệ sinh da cho bé.

Hãy nhớ đừng chà xát da bé quá mạnh, đặc biệt là ở những vùng da có mụn. Mẹ cũng không nên dùng kem dưỡng da vì sản phẩm này làm cho da bé thêm nhờn dầu.

2. Nẻ

Đây là chứng bệnh thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh, độ ẩm không khí thấp.

Các vùng da nẻ thường tập trung trên mặt, nhất là má, môi của bé.

Ngoài việc bôi kem dưỡng ẩm, vaseline mẹ cũng nên chú ý cho bé bú sữa, uống nước, ăn rau củ quả... nhiều hơn để bổ sung độ ẩm cho da từ bên trong.

3. Bệnh thủy đậu

Các nốt mụn đầu tiên sẽ xuất hiện trên mặt, da đầu, lưng... Sau đó mụn thủy đậu sẽ phủ kín cả cơ thể bé.

Bạn sẽ thấy những cái mụn nhỏ màu đỏ nổi lên khắp cơ thể bé một khi bé mắc phải bệnh này.

Sau đó mụn sẽ nhanh chóng phồng lên, chứa đầy dịch trong.

Bệnh thủy đậu là bệnh cực dễ lây, đặc biệt là với những người chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm vắc xin ngừa bệnh này.

Khi bệnh này tiến triển, những chỗ mụn phồng sẽ trở nên ngứa.

Sau 2 tuần, bạn sẽ thấy những mụn nước khô đi, thành sẹo và bong ra khỏi cơ thể khi trẻ khỏi bệnh. Một đứa bé thường có từ 250 – 300 nốt mụn.

Tuy hiện nay xin thủy đậu đã được tiêm miễn phí trên cả nước, nhưng nhiều trẻ do khả năng kháng bệnh kém nên vẫn mắc phải bệnh này.

Khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần lưu ý: nếu trẻ không bị sốt, vẫn có thể cho trẻ tắm hàng ngày. Sau khi tắm cần nhẹ nhàng lau khô da bé bằng khăn mềm.

Nhiều người quan niệm sai lầm rằng cần kiêng tắm khi trẻ bị thủy đậu. Điều này thực ra rất tai hại vì khi da bị bẩn, tình trạng viêm nhiễm càng trầm trọng hơn.

Lá tre, lá kinh giới hay được dùng theo kinh nghiệm dân gian để tắm cho trẻ bị thủy đậu.

4. Viêm da cơ địa (eczema – chàm) 

Đây là bệnh xuất hiện với những vùng phát ban ở trán, da đầu, má.

Những vết này thường đỏ, đau và ngứa. Nếu bé cảm thấy ngứa ngáy và gãi sẽ càng làm cho vùng da bị viêm bị viêm nặng hơn.

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh cũng có thể thấy ở các bé trên 1 đến dưới 6 tuổi. Ở độ tuổi 6 tuổi trở lên, ít bé mắc phải bệnh này.

Nếu thấy bé có các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa đến gặp bác sĩ da liễu để tư vấn.

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi, thuốc uống tùy theo mức độ bệnh của trẻ.

Ngoài ra, các kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.

Cha mẹ bệnh nhân không dùng đồ len dạ mặc trực tiếp, sát vào da của trẻ. Bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ.

Khi giặt quần áo cho trẻ, cha mẹ cũng nên chú ý giặt bằng bột giặt ít gây kích ứng.

5. Bệnh rộp môi

Bệnh này thường xuất hiện ở trẻ mới tập đi (trên dưới 2 tuổi). Trẻ sẽ có những vết phồng rộp ở trên hoặc gần môi. Sau đó vết phồng sẽ to lên, sau vài ngày thì đóng vảy.

Bệnh rộp môi là một bệnh lây, gây ra do virus. Đây là bệnh lây nên bạn cần đảm bảo bản thân và người nhà không hôn, chạm vào vùng da bị ảnh hưởng.

Bạn cũng cần đảm bảo trẻ không chạm tay vào vùng bị bệnh, sau đó dụi mắt. Vì virus hoàn toàn có thể lây sang mắt và khiến trẻ bị một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở mắt.

Với bệnh này, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện bệnh. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cũng như tư vấn các giải pháp phòng chống lây lan của bệnh.

6. Hăm tã

Bé sẽ xuất hiện những vùng da đỏ, hơi sưng xung quanh chỗ đóng tã. Ở những nếp gấp của da như đùi, bụng – hiện tượng sưng đỏ sẽ trầm trọng hơn.

Hiện tượng hăm tã khá phổ biến, đặc biệt vào thời tiết mùa đông, khi cha mẹ, người chăm sóc thường đóng tã cho trẻ 24/24 giờ.

Bệnh này không trầm trọng, nhưng cha mẹ cũng cần phải chú ý mới có thể giúp trẻ nhanh khỏi.

Hiện nay có nhiều loại thuốc mỡ, kem bôi để chữa hăm tã. Nhưng điều quan trọng nhất là cần giữ cho vùng mặc tã của bé luôn khô và sạch.

Bạn cũng có thể xem xét việc để cho bé ngủ mà không đóng tã, mặc quần, nhằm cho vùng da này được thoáng khí.

7. Phát ban do dị ứng thời tiết

Đặc biệt vào cuối đông đầu xuân, khi độ ẩm cao, da trẻ em dễ bị mồ hôi. Đây là điều kiện thuận lợi khiến những mụn phồng màu đỏ sẽ mọc chi chít ở ngực, nách, vai, cổ và vùng bẹn của trẻ.

Dị ứng da do thời tiết có thể dễ dàng điều trị tại nhà. Hãy chọn quần áo cotton rộng, thoáng và đảm bảo thường xuyên thay tã cho trẻ, giữ cho vùng mặc tã sạch và khô.

Cha mẹ có thể dùng phấn rôm (loại dịu nhẹ) để giữ cho da bé khô, sạch. Nếu các triệu chứng không giảm nhẹ sau vài ngày, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

8. Bệnh tay, chân, miệng

Triệu chứng bệnh là một số vết loét giống như vết nứt xuất hiện trên miệng, lòng bàn tay, bàn tay và thậm chí cả mông. Phát ban bắt đầu là những chấm nhỏ màu đỏ và sớm phát triển thành những vết phồng, vết loét.

Mặc dù bệnh này phổ biến ở trẻ trước tuổi đi học, nó có thể xảy ra cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Cha mẹ hãy cẩn thận vì đây là bệnh truyền nhiễm và thường gây ra bởi virus coxsackie.

Thông thường, trẻ em sẽ bình phục sau 10 ngày. Nhưng trong một số ít trường hợp, nó có thể dẫn đến viêm màng não. Sốt, chảy nước dãi liên tục, là một số các triệu chứng khi bệnh trở nặng.

Nếu bạn nhận thấy con có các triệu chứng trên, hãy đưa bé đến bác sĩ.

9. Bệnh mề đay

Bệnh này thường xuất hiện trên mặt, tay cũng như thân mình. Bé sẽ mọc những đám da đỏ, hơi phồng và rất ngứa.

Cha mẹ có thể thấy hầu hết các vết đỏ sẽ đến và đi trong vòng vài ngày. Nếu bé bị mề đay kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần đưa bé đi khám bác sĩ.

Bệnh mề đay thường không lây, tuy nhiên cần có sự can thiệp về thuốc dựa trên tuổi cũng như mức độ mắc bệnh.

Nguồn: Gia đình Việt Nam