Dòng sự kiện:

'Hậu trường' gian nan của gia đình 4 con "trứng gà trứng vịt", 3 nhóc sinh ba

02:29 29/06/2016
Ở tuổi 25, bà mẹ Nguyễn Thị Hồng Thúy (Gia Lai) đã có đến 4 nhóc tì, bé Hoàng Long 4 tuổi và 3 nhóc sinh ba: Khánh An, Khánh Hà, Khánh Linh 2 tuổi.
Nhìn những đứa trẻ “trứng gà trứng vịt” đáng yêu, lanh lợi, nhiều bà mẹ đều thích thú pha chút ghen tị, nhưng “hậu trường” của gia đình này thì gian nan đến mức, không phải ai cũng đủ can đảm vượt qua.


Sau 5 năm kết hôn, gia đình anh chị Văn Thanh - Hồng Thúy đã có đến 4 nhóc tì, trong đó 3 bé sinh ba.  Suýt mất mạng vì “của trời cho” 

Hồng Thúy nhớ lại, ngày biết tin có thai lần hai, cô… buồn lắm, vì khi đó con trai còn quá nhỏ, kinh tếgia đình chưa đâu vào đâu, nghĩ đến cảnh không biết lấy gì nuôi tụi nhỏ, Thúy chảy nước mắt, nhưng nghĩ rằng con đến với mình là “của trời cho”, hai vợ chồng vẫn quyết tâm giữ. Đi khám lúc thai 1 tháng tuổi, khi bác sĩ cho biết là thai đôi, hai vợ chồng Thúy sốc đến mức không thể tin vào tai mình. Rồi đến tháng thứ 3 thai kỳ, khi siêu âm, bác sĩ khám đi khám lại và có vẻ ngạc nhiên lắm, rồi sau một lúc im lặng đã thông báo: “Em ơi, bên này có 2 bé nè, thêm 1 bé bên kia nữa là thai 3 nha em”. Thúy cười bảo, lúc đó, cảm giác “kinh khủng” y như trời giáng, không thể tưởng tượng nổi làm sao có thể mang vác các con trong 9 tháng 10 ngày, lo lắng bụng mình không đủ chỗ chứa, rồi sợ sợ con sinh ra lại bị này bị kia, sau đó lại cuống lên, phải ăn uống thế nào để con khỏe. 
Quá nhiều điều lo lắng, sợ hãi, Thúy đã khóc rất nhiều, nhưng có chồng bên cạnh động viên, an ủi, người mẹ trẻ cũng yên tâm phần nào. Bà ngoại bé Hoàng Long cũng quyết định đưa bé về chăm sóc để con gái yên tâm dưỡng thai. Thằng bé còn nhỏ quá, cứ khóc đòi mẹ suốt, Thúy chỉ biết đứng ngoài cửa nhìn con mà khóc…
Bé Hoàng Long được bà ngoại đón về nuôi đã gần 3 năm nay.
Rồi thai kỳ đầy sóng gió cũng trôi qua yên ổn. Đến tuần thai 32, bác sĩ yêu cầu người mẹ trẻ nhập viện, sẵn sàng mổ bắt thai, nhưng Thúy “lì” nhất định không muốn mổ con sớm. Tuần thai thứ 35, tháng 9/2014, Thúy đột ngột bị liệt dây thần kinh số 7, phải châm cứu. 2 ngày sau, khó chịu trong người và tức lưng, cô vội vàng nhập viện. 
Bà mẹ 4 con nhớ lại: “Lúc đó, da bụng mình mỏng tới mức chỉ cần móng tay sượt qua cũng có thể rách da luôn. Hai vợ chồng chở nhau vào viện, chẳng ai nghĩ rằng mình sắp sinh con, nên chẳng mang theo đồ đạc gì của các con cả. Bác sĩ yêu cầu khám thì khi đó, mình đã mở 6 phân rồi, chuẩn bị sinh thường. Lúc đó, mình lo lắng kinh khủng, nhưng dặn lòng không khóc, tự bảo mình phải cố lên, vì đã mang các con trải qua bao vất vả, giờ sắp được gặp các con rồi. Chồng mình cũng cuống cả lên nhưng vẫn nắm chặt tay vợ động viên. Mình vào phòng sinh, chồng ở bên ngoài, khi cánh cửa đóng lại là lúc “cuộc chiến” bắt đầu. 

Ba nhóc sinh ba khi mới lọt lòng mẹ bằng phương pháp sinh thường.
Khi bé đầu lọt lòng, mình hơi mệt những vẫn ổn, bác sĩ ồ lên: “Sao em bé to thế?” làm mình vừa vui vừa buồn cười. Lúc này, mẹ ruột mình mới kịp đến bệnh viện. Đến bé thứ hai, mình rặn cũng hơi khó, nhưng vẫn an toàn. Lần này, bác sĩ lại bảo: “Ồ, em bé có cái bớt trên mặt to quá!”. 

Sinh bé thứ hai xong, mình được cho “nghỉ giữa hiệp” 5 phút để uống nước rồi tiếp tục sinh bé út. Mọi sự đang bình thường, bỗng dưng huyết áp mình bị tăng cao đột ngột, đầu mình đau như muốn nổ tung ra. Cả ê-kíp đỡ đẻ lo lắng, vội vàng đem cho chồng mình một tờ giấy với nội dung, nếu mẹ con mình có vấn đề gì ngoài ý muốn, gia đình sẽ tự chịu trách nhiệm, bảo chồng mình ký vào. Trong phòng sinh, bác sĩ tiêm cho mình thuốc hạ huyết áp, toàn thân nóng ran, đầu vẫn đau, và mình hiểu, mình và bé út đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp. 

Chị Thúy đã suýt phải trả giá bằng tính mạng khi sinh ba thiên thần nhỏ này.
Nhưng rồi tất cả cũng qua. Mình và cả 3 em bé đã vượt cạn an toàn. Mình đã bật khóc trong niềm hạnh phúc, được ôm con cái ôm con đầu tiên, được nắm tay các con sau bao tháng ngày mẹ mệt mỏi. Các bé nặng 2,7 kg, 2,2 kg và 2,1 kg, sức khỏe ổn định nên không bé nào phải nằm lồng kính cả. Bốn mẹ con mình xuất viện ngay hôm sau”. 
Những chuỗi ngày “đầu bù tóc rối”, vất vả nhân ba
Quá trình mang thai, sinh con gian nan là thế, nhưng mọi “cuộc chiến” chỉ thực sự bắt đầu từ khi 3 nhóc chào đời. Ông bà nội của 4 nhóc tì đã già, nên gần như việc chăm sóc mẹ và các bé do hai vợ chồng Thúy tự xoay sở. Bé lớn vẫn ở bên ngoại, do ông bà ngoại chăm sóc, chồng Thúy lui cui cơm nước, nâng giấc chăm sóc vợ, giặt giũ quần áo cho các con. Những ngày đầu tiên, 3 bé rất ngoan, chỉ bú mẹ rồi ngủ. Thúy chia sẻ, vì sinh ba nên việc cho con bú cũng khá khó khăn. Khi cho con bú, Thúy hai tay ôm hai nhóc, còn một bé phải đợi. Đến tối, ba nhóc sinh ba no sữa, lăn ra ngủ ngon lành, nên mẹ cũng đỡ mệt. 
Một ngày loay hoay với ba đứa trẻ đầy những chuyện cười ra nước mắt.
Đến khi con lớn dần, việc chăm sóc một lúc nhu cầu của 3 đứa trẻ dần khiến người mẹ trẻ bị căng thẳng và kiệt sức. Thúy tâm sự: “Mình stress khủng khiếp. Chỉ tính riêng chuyện ăn uống và đi vệ sinh của các con thôi là đã muốn nổi điên rồi, loay hoay một hồi là hết ngày luôn. Khi mấy nhóc bắt đầu ăn cháo, bà ngoại ở gần đó phải “cứu viện”, nấu sẵn để ông ngoại đem lên, mình chỉ việc cho ăn thôi, nhưng khó mà cho cả ba nhóc ăn cùng một lúc được. Tụi nhỏ hiếu động, mải chơi và lười ăn nữa, nên mình phải tách riêng con ra, tới đứa nào cho đứa đó ăn, còn bé còn lại thì phải… nhốt riêng. Năn nỉ, la hét một hồi, nhiều khi mình quên luôn là đã cho bé nào ăn, bé nào chưa được ăn nữa. 
Chuyện đi vệ sinh cũng dễ thành chiến tranh, nhất là có khi một nhóc vừa ị, vừa rửa dọn vừa phải “đối phó” với một nhóc đu chân khóc nhè đòi bế, tới khi sạch sẽ thì lại đến nhóc khác ị, mẹ chưa kịp phát hiện thì bé đã “bĩnh” ra đầy quần áo, tay chân. 

"Hậu trường" của những giây phút đáng yêu của tụi nhóc đầy những gian nan.
Khóc nhè, ăn vạ tập thể là chuyện thường ngày, nhưng kinh khủng nhất là có lần ba đứa nhập viện cùng lúc. Ba nhóc cùng sốt, ho sù sụ, có lẽ vì dị ứng lông chó ở nhà nội, trong đó có một nhóc bị lên cơn co giật, tím tái hết cả người, hai đứa kia thì khóc nhè, đòi ăn, đòi bú… Hai vợ chồng mình xoay sở chóng cả mặt, có lúc con khóc nhiều, mẹ căng thẳng quá cũng khóc theo. Đến khi ba nhóc được 10 tháng, mình mất sữa, và từ đó, các con chuyển qua ăn sữa công thức. Mẹ lại luyện cho các bé tự cầm bình uống, luyện ngủ đêm. 
Được hơn 1 tuổi, ba nhóc đi học mẫu giáo, mẹ “nhàn” hơn một chút vào ban ngày, nhưng buổi sáng xoay sở đút ăn, chuẩn bị đồ đi học, chiều đón về rồi tắm giặt, cơm nước… cũng đuối. Giờ hơn 2 tuổi thì lại nảy sinh ra trò đứa này chọc đứa kia, khóc la um xùm rồi mách mẹ… Nhiều khi, mình nghĩ mình chưa nổi khùng là may (cười)”

Ba nhóc được mẹ luyện "tự xử" bình sữa từ 10 tháng tuổi.
Chăm sóc các con vất vả đã đành, người mẹ trẻ bảo, cô còn xót xa vì thương cậu con trai lớn sớm phải xa ba mẹ. Cả gia đình 6 người, thi thoảng mới có dịp gặp gỡ, đi chơi cùng nhau. Từ khi mẹ mang bầu 4 tháng, cu cậu được bà ngoại đón về nuôi, và giờ vẫn do ông bà chăm sóc, phần vì khó chăm sóc được cả bốn nhóc, phần vì kinh tế gia đình Thúy còn bấp bênh. Chồng Thúy làm thợ sơn, công việc chẳng được mấy tiền, Thúy cũng chưa tìm được việc ổn định, chỉ tranh thủ những lúc rỗi việc, không phải trông con để đi làm móng tay chân dạo. Cô chia sẻ thật lòng, mỗi tháng, tiền ăn uống, tiền bỉm sữa của ba nhóc sinh ba đã đủ khiến vợ chồng cô trăm bề vất vả. Thậm chí, tiền học mẫu giáo của ba nhóc (3 triệu/tháng) cũng khó đóng được cả “cục”, mà mỗi ngày, Thúy đi làm, cố kiếm được 100.000 đồng để đóng tiền hằng ngày cho cô giáo.
Sau tất cả là đong đầy hạnh phúc
Đằng sau những nỗi vất vả trăm bề của gia đình đông con, Thúy bảo, có những hạnh phúc riêng, như sự bù đắp dành cho gia đình cô. Nhắc đến chồng, cô xúc động bảo, anh rất yêu thương vợ con, một tay chăm sóc vợ những ngày mang thai, ở cữ. Còn bé Hoàng Long, hiếu động và lém lỉnh, mới đầu về ngoại cũng khóc vì phải xa ba mẹ, nhưng dần dần, hiểu được nỗi vất vả của mẹ, cu cậu rất ngoan. Đặc biệt, cậu nhóc rất thương các em và ra dáng anh hai, thấy món gì hay, cái gì ngon cũng để dành cho em. Đặc biệt, từ khi các em ra đời, cậu nhóc chỉ gặp em được vài lần nhưng luôn nhận ra từng em, không nhầm lẫn bao giờ. 

Bốn anh em rất yêu thương, quấn quýt nhau.
Đặc biệt, niềm an ủi lớn nhất của người mẹ 4 con này là nhìn thấy ba bé sinh ba lớn lên, hiếu động, lanh lợi từng ngày. “Nhà con đàn, nên tụi nhỏ tự bảo nhau lớn hay sao ấy. 10 tháng, ba đứa đã tự bắt chước nhau tập đi. Tới giờ thì nói nhiều lắm rồi, nói cả câu dài, đọc thơ, hát hò các kiểu. Cũng có khi, tụi nhóc đánh nhau, cắn nhau rồi mách mẹ, mách ba, nhưng chỉ vài phút là yên. Giờ mấy đứa biết ăn cơm hết rồi, cái gì cũng ăn được, tới bữa cơm là mỗi đứa một chén ngồi ăn, mẹ cũng đỡ cực hơn trước.  
Hồi ba đứa còn nhỏ, khi tụi nhỏ khóc đòi mẹ, mình có thể ẵm hai tay ba đứa ngon lành, nhưng giờ lớn lắm, chạy nhanh lắm rồi, mẹ không ẵm nổi hai đứa một lúc nữa. May mà mình sinh ba được ba công chúa, đứa nào cũng tình cảm, nũng nịu lắm. Nhiều khi mẹ đi làm về mệt, giả bộ bị đau đầu, ba đứa sán lại ôm hôn mẹ, xoa xoa, cảm giác ấy bình yên không gì sánh được!
25 tuổi, có 4 đứa con, kinh tế gia đình còn nhiều vất vả, với mình, nhiều khi thấy khó khăn và bế tắc chuyện cơm áo gạo tiền. Nhưng nghĩ lại, 5 năm kết hôn, thành quả lớn nhất của gia đình mình là 4 đứa con lanh lẹ, ngoan ngoãn, khỏe mạnh, đó chẳng phải là “tài sản” giá trị nhất hay sao?” - Thúy trầm tư bảo.
 
Những giây phút ngọt ngào"đốn tim" mọi bà mẹ trên đời.
Theo Trí thức trẻ