Dòng sự kiện:

Hãy “lôi” con ra khỏi thế giới ảo chồng ơi!

20:15 14/07/2015
Việc trẻ em sử dụng Internet đang ngày càng nhiều, thậm chí có nhiều trường hợp bị điên vì game khiến nhiều bậc phụ huynh khóc dở, mếu dở không biết phải cứu con thế nào.

Một bà mẹ cho biết, con của chị tên Trung (học sinh lớp 8 trường - Hà Nội) trước đây được coi là một học sinh ngoan, học giỏi, biết nghe lời bố mẹ; nhưng một năm trở lại đây, em thường xuyên có biểu hiện lơ đễnh, chểnh mảng trong học tập, sức khoẻ giảm sút và có biểu hiện hung tính trong cách ứng xử. Biểu hiện rõ nhất của con chính là việc thường xuyên cãi lại mẹ khi mẹ yêu cầu không được chơi game. Đã có lúc Trung chửi lại mẹ và có những lời lẽ thô tục như hai người là kẻ thù của nhau. Chị Tâm không biết phải làm gì để kéo con ra khỏi thế giới ảo đầy mê hoặc chỉ biết đau khổ gọi người chồng đã mất của mình "về cứu con chồng ơi" 

Thực trạng sử dụng Internet

Trường hợp nhà chị Tâm chỉ là một trong hàng triệu trẻ em nghiện thế giới ảo một cách mất kiểm soát. Đã có nhiều trường hợp bị điên thậm chí giết người chỉ vì game.

Không thể phủ nhận rằng thành tựu của khoa học hiện đại ngày nay đã mở ra một loạt những ứng dụng về công nghệ thông tin, phục vụ cho đời sống tinh thần của con người. Chỉ cần một cái nháy chuột là người ta có thể thu gọn cả thế giới trong tầm tay, có thể khám phá những miền đất mới, phiêu lưu trong thế giới nội tâm của mình. Ngành khoa học giải trí đã và đang khai thác tìm hiểu chiều sâu nội tâm của con người để đưa ra các ứng dụng và loại hình giải trí nhằm thu hút giới trẻ, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Trong các loại hình giải trí đó, phải kể đến game online, bởi không thể phủ nhận những hiệu quả mà nó mang lại cả về mặt kinh tế lẫn tác dụng giải trí. Bước vào thế giới của game, người ta có cơ hội khám phá nhiều điều kỳ thú mà đôi khi cuộc sống thực không thể mang lại cho họ.


Game mang lại cảm giác tự do, tạo cơ hội cho con người gặt hái thành công từ nhỏ tới lớn, khiến người chơi thích thú khi vượt qua được cạnh tranh, thử thách… Một tác dụng to lớn nữa của game, đó là nó tạo ra hiệu ứng kết nối đám đông, tạo sự hợp tác, thúc đẩy tính sáng tạo và trí tưởng tượng của người chơi.Tác dụng của game to lớn như vậy, nhưng tại sao người ta lại có những nhận định về nó như một tai hoạ khó có thể ngờ tới? Phải chăng những gì game mang lại cho người ta đó là sự tưởng tượng về một thế giới ảo, mà nếu lấn sâu vào đó thì người ta không còn thiết tha gì với đời sống thực – cái duy trì sự tồn tại của họ?

Đi sâu vào thực tế, chúng ta nhận thấy rằng hầu như tất cả mọi người đều say mê game như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Các loại hình game hấp dẫn với bất cứ độ tuổi nào, nó không phụ thuộc vào văn hóa, trình độ học vấn, hay giới tính. Nhưng các nhà sản xuất luôn chú trọng hướng tới các trò chơi mà đối tượng có thời gian sử dụng nhiều nhất, có nhu cầu chơi nhiều nhất… Đó là lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì đây là lứa tuổi có tâm lý tò mò, ưa thích sự khám phá phiêu lưu, mạo hiểm, dễ bắt chước và có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Những nét tâm lý này có cơ hội phát triển khi tham gia game online. Có bạn trẻ mê game đến nỗi quên ăn, quên ngủ, tinh thần, sức khoẻ sa sút, học hành chểnh mảng và luôn thu mình trong đời sống ảo của game online.

Nhiều bậc cha mẹ luôn than phiền rằng không hiểu sao con cái mình lại trở nên thay đổi như vậy, thậm chí họ lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi thấy con càng ngày càng lấn sâu vào thế giới ảo mà bỏ bê tất cả những gì trước đây từng là mục tiêu của chúng. Mọi cách thức từ răn đe đến biện pháp mạnh dường như là vô hiệu hoá đối với những game thủ lứa tuổi thanh thiếu niên. Vậy khi gia đình có con cái đang ở độ tuổi thanh thiếu niên nghiện game online có khó khăn gì?

Việc trẻ em sử dụng Internet đang ngày càng nhiều. Trong 1 nghiên cứu của McAfee (công ty chống virus máy tính), khoảng 80% trẻ em dưới 5 tuổi đã biết sử dụng Internet và 90% trẻ em sử dụng nó trước khi trưởng thành. Nghiên cứu này cũng báo cáo rằng 70% thanh thiếu niên che giấu hành vi truy cập mạng trực tuyến đối với cha mẹ (ví dụ như xóa lịch sử Internet hay giấu diếm để gặp gỡ ai đó mà chúng quen qua mạng). Một nhóm nghiên cứu phương tiện truyền thông báo cáo rằng 1/3 số thanh thiếu niên có quan hệ thân mật với người mà chúng chỉ gặp gỡ qua mạng.

Trẻ có thể thấy không có gì nguy hiểm xảy ra với chúng nhưng thực tế, những nguy hiểm luôn là điều khó lường. Liệu con bạn có biết sẽ phải làm gì nếu chúng thấy thứ mình đang xem có nội dung không phù hợp hoặc nếu có người lạ muốn trò chuyện với chúng? Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet và các thiết bị công nghệ đem lại, nhưng với tâm lý còn non nớt, kinh nghiệm còn ít của trẻ, cha mẹ vẫn cần có sự theo dõi sát sao việc dùng công nghệ của con cái khi còn nhỏ, để trẻ tránh được việc sống trong 1 không gian ảo.

Điều cha mẹ nên làm

Cha mẹ cần phải nhận thức được những gì con cái của họ đang làm trên Internet và nên theo dõi chúng đang dành thời gian với mạng trực tuyến như thế nào. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng Internet và thái độ của trẻ em thay đổi tùy thuộc vào thái độ, sự tham gia và giám sát của cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ hãy chủ động hơn nữa, nhận thức những nguy hiểm, mặt trái của việc sử dụng Internet.

Tham gia các trang mạng xã hội và kiểm soát con bằng cách xem lại lịch sử web, cân nhắc các rủi ro và lợi ích của những trang web bạn muốn chặn. Hãy nghĩ đến độ tuổi, trình độ phát triển, sự tò mò, năng lực công nghệ và hành vi của trẻ cũng như các mối quan hệ bạn bè của chúng.

Suy nghĩ về vị trí của chiếc máy tính trong nhà. Nếu bạn có 1 chiếc máy tính xách tay, hãy lập ra các quy tắc về thời gian và địa điểm có thể sử dụng nó. Nếu con bạn sử dụng điện thoại thông minh, bạn sẽ khó kiểm soát hơn nữa. Do đó, hãy cân nhắc kỹ trước khi có ý định mua smartphone cho con.

Hãy minh bạch và cởi mở với con cái của bạn bằng cách có thể cùng lướt web với nhau. Giáo dục chúng về các trang web mà chúng có thể truy cập.

 Phối hợp với giáo viên và nhà trường về việc bảo vệ con khỏi những tác hại của việc sử dụng Internet. Một số nhà trường có thể chặn nội dung không phù hợp trên máy tính trường học và đưa ra 1 kế hoạch không gian mạng an toàn.

Tất nhiên, cha mẹ không nên kiểm soát 100% không gian riêng tư của con em vì có thể khiến chúng cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng bạn vẫn cần 1 biện pháp khéo léo để kéo con ra khỏi thế giới ảo mà công nghệ đem lại, giúp chúng sống thực hơn, làm được nhiều việc hữu ích hơn.

 Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL