Dòng sự kiện:

Hè này cho con học gì: Kỹ năng sống, năng khiếu hay tiếng Anh?

19:39 27/06/2016
Hè này cho con học gì? Mùa hè, bố mẹ nên cho con học môn Toán, Tiếng Anh, hay học năng khiếu, kỹ năng sống?

  Hè là những ngày dành cho trẻ sự nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ngày nay do điều kiện kinh tế phát triển cũng như áp lực từ cuộc sống, nhiều bố mẹ vẫn tìm cách cho con học thêm một loại hình giáo dục nào đó như kỹ năng sống, tiếng Anh, năng khiếu nhằm giúp con hoàn thiện bản thân. Xu hướng chung của các lớp học hè này là tạo ra một môi trường thân thiện, hứng thú với trẻ, đáp ứng được yêu cầu học mà chơi, chơi mà học. 

1001 hình thức học hè cho trẻ

-         Kỹ năng sống

Hiện nay, xu hướng học hè được nhiều phụ huynh ở các thành phố lựa chọn là học về kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo, hoạt động văn hóa, thể thao... chứ không bắt con học các môn văn hóa như trước đây.

Các lớp học hè này đều được tổ chức theo hình thức vừa học, vừa chơi, giúp trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng sau một năm học.

Nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh, hiện nay nhiều trung tâm, trường tư thục đều mở các lớp học hè với nhiều nội dung học khác nhau, như: kỹ năng sống, học kỳ quân đội, trại hè khám phá, trại hè khoa học, trại hè ngoại ngữ, hay tổ chức các khóa học bơi, bóng đá, bóng rổ, nấu ăn... với thời gian học và mức giá khác nhau.

Học năng khiếu hè

Rất nhiều bậc phụ huynh bày tỏ quan điểm, vì chưa phát hiện được năng khiếu của con nên cứ cho con học hết tất cả các môn đến khi nào tìm thấy được năng khiếu của con thì tập trung đầu tư cho bé môn đó. Có lẽ vì thế mà cứ đến dịp hè, các trường và trung tâm dạy năng khiếu cho trẻ em lại lâm vào tình cảnh quá tải.

Được biết, hè này, Cung Thiếu nhi Hà Nội chiêu sinh hơn 50 môn học cho thanh, thiếu nhi trong các lĩnh vực nghệ thuật, mỹ thuật, thể dục thể thao… Giám đốc, bà Dương Việt Hà, cho biết các lớp học bán trú ngày hè cho trẻ thực sự quá tải. Khi các trung tâm lớn kín chỗ, nhiều gia đình chuyển hướng, lựa chọn các trung tâm tư nhân có uy tín để gửi gắm con em.

Học ngoại ngữ

Để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho con, các bậc phụ huynh cũng thường tìm lớp học tiếng Anh cho con cái dịp hè. Các gia đình có điều kiện kinh tế thường chọn gửi con tại các trường quốc tế có chương trình Anh Văn hè bán trú. Các chương trình hè ở các trường này chủ yếu là học mà chơi, chơi mà học thông qua đội ngũ giáo viên nước ngoài, giáo viên tiếng Anh, các tình nguyện viên, dành cho cả học sinh trong và ngoài trường.

Một số trung tâm tiếng Anh, trung tâm kỹ năng sống cũng mở các lớp học “xuyên hè”, nhận trẻ từ sáng đến tối, rất phù hợp đối với đối tượng các bậc phụ huynh bận bịu. Các trung tâm này nhận trông trẻ dưới hình thức các lớp học tiếng Anh, học kỹ năng sống, hướng đạo sinh…

3 tháng hè không còn bị coi là “học kỳ 3”

Theo TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc nhiều phụ huynh lựa chọn học kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo, thể thao... cho con trong dịp hè thay vì học các môn văn hóa là điều đáng mừng, để các con có thể phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thể lực. 3 tháng hè không còn bị coi là “học kỳ 3” của học sinh do các em phải học quá nhiều môn văn hóa, mà đã trở về đúng nghĩa là kỳ nghỉ với nhiều hoạt động lý thú sau một năm học.

Theo TS Vũ Thu Hương, thì bố mẹ nên cân nhắc, xem con thiếu gì thì cho trẻ đi học cái đó. Nhiều bố mẹ thường cho con đi học hè các môn Toán, Tiếng Anh..., nhưng không nên vì dễ khiến con quá tải, mệt mỏi, không có tinh thần chuẩn bị cho năm học mới.

Phụ huynh nên cho con bắt đầu với những lớp dạy kỹ năng thoát hiểm, sử dụng các vật dụng trong gia đình, sử dụng đồng tiền ra sao...

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, thì cho rằng việc ép trẻ học hè sẽ “lợi bất cập hại”. Vì thế: “Dịp hè cần tạo điều kiện cho con được vui chơi, thư giãn hợp lý và trải nghiệm cuộc sống. Phụ huynh có thể kết hợp cho con các khóa học ngắn, xen kẽ, nhưng tuyệt đối không tận dụng hè để ép trẻ học nhiều và học trước các môn học ở trường mà đáng lẽ ra phải chính thức vào năm học thì các con mới phải học. Cũng tránh cho trẻ nhỏ đi luyện thi. Thực tế, các em chưa cần tiếp xúc với các áp lực kiểu này”.

Anh Vũ (Tổng hợp)

 Nguồn: Gia đình Việt Nam