Dòng sự kiện:

Học ngay 12 cách dạy con kiểu Nhật khiến "cả thế giới ngưỡng mộ"

Theo Marrybaby
19:02 19/02/2018
Dạy con kiểu Nhật cần bắt đầu từ sớm, ngay giai đoạn mang thai và sơ sinh bởi bất kỳ đứa trẻ nào mới chào đời cũng như nhau. Sự khác biệt chính là do cách cha mẹ nuôi dạy. Giai đoạn mẫu giáo cũng rất quan trọng để hoàn thiện nhân cách nền tảng của bé.

Người Nhật không tốn quá nhiều thời gian dạy con giai đoạn bé bắt đầu đi học tiểu học bởi trước đó chính cách dạy con kiểu Nhật nổi tiếng thế giới đã giúp bố mẹ uốn nắn bé theo “đường ray” nhân cách của xã hội. Bé có thể tự ý thức được về việc học cũng như tính cách cá nhân của mình.

Đất nước Nhật Bản vốn được cả thế giới ngưỡng mộ bởi phương pháp giáo dục rất riêng và hiệu quả. Nền giáo giục của đất nước Mặt Trời mọc này luôn đề cao tính tự giác của mỗi cá nhân, cho nên từ bé trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục phải luôn dựa vào bản thân mình, sống tự lập và có trách nhiệm.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, người Nhật luôn có cách giáo dục riêng

12 điều người Nhật dạy con khiến “cả thế giới ngưỡng mộ”

Nếu bỏ lỡ giai đoạn sơ sinh thì thời điểm con đang lớn cha mẹ vẫn có thể áp dụng cách dạy con đã được người Nhật đúc kết dưới đây:

Học giỏi thông minh không quan trọng bằng nhân cách tốt, trung thực và có tình

Môi trường sống và học tập rất quan trọng vì người Nhật luôn cố gắng dọn đến nơi tốt hơn nếu có thể

Thương con nhưng quyết không nuông chiều. Biếng ăn thì cứ nhịn. Kêu thì cứ kêu. Cha mẹ thường không can thiệp vào những chuyện nhỏ nhặt này. Vì không biết tuyệt thực là gì, đói trẻ sẽ ăn. Tuyệt đối không bắt ép, không quát mắng hay cằn nhằn. Ăn là việc nghiêm túc, phải đúng giờ, không bạ đâu ngồi đấy.

Phải tôn trọng, tế nhị và ứng xử thông mình. Cho con tự quyết các vấn đề của mình.

Phải dạy con trung thực bằng cách chính cha mẹ không được nói dối trong nhà và ngoài đời.

Nếu con đang làm việc gì không ảnh hưởng tới người nào, vô hại, không nguy hiểm thì không nên can thiệp.

Khi con lên 5 tuổi, nên dạy con cách tiêu tiền. Mẹ cha có thể cho bé tiền lẻ tiêu vặt và kiểm soát chuyện chi tiêu.

Phải dạy con biết dũng cảm, biết chịu trách nhiệm về những việc bản thân làm. Dạy con biết chờ đợi. Dạy về nghĩa và tình. Cuộc sống cho và nhận là hai chiều. Người hạnh phúc là người thường nhận ít và cho đi rất nhiều. Ở trường học phải kỷ luật, ôn tồn không được đánh bạn trước. Nhưng nếu có ai đánh con vẫn có thể phòng vệ hoặc đánh trả nếu cần, không mách cô hay kêu la. Lúc về nhà nếu không muốn có thể giữ im lặng.

Thất bại là việc bình thường. Ngã ở đâu thì tự đứng dậy không chờ ai tới nâng đỡ.

Trẻ con hay ốm vặt, đây là chuyện không đáng lo. Ngay cả chuyện con ra nắng hay dầm mưa suốt ngày cũng bình thường. Cứ để trẻ thoải mái tiếp xúc với thiên nhiên. Nhờ vậy trẻ sẽ cứng cáp hơn.

Học không nhất thiết cứ cầm sách ê a. Học là chơi là nghịch là la hét ầm nhà.

Bố mẹ luôn phải dành thời gian chơi với con dù bận rộn như thế nào. Các trò chơi thơ ngây nhưng con thích, con cười. Tiếng cười rất quan trọng giúp con đứng vững giữa đời đầy bão giông.

Những cuốn sách dạy con kiểu Nhật cha mẹ nên đọc

Chọn lựa những cuốn sách dạy con hay sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức giúp mẹ hiểu rõ hơn suy nghĩ, mong muốn của trẻ, từ đó đưa ra những phương pháp và chỉ dẫn cụ thể, phù hợp, giúp trẻ phát triển tốt nhất.

Người Nhật truyền cảm hứng cho con

Đây là cuốn sách của thầy giáo Nishimura Hajime sẽ giúp phụ huynh cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong việc nuôi dạy con khi đi học.

Học cách người Nhật truyền cảm hứng cho con, mẹ sẽ thấy thực sự muốn mang cảm hứng đến với con mình

“Việc được bố mẹ khen ngợi, dù chỉ là điều rất nhỏ, sẽ làm cho “ham muốn được công nhận” thỏa mãn, từ đó sẽ cho trẻ sự tự tin. Chúng ta có thể khen ngợi trẻ nhiều việc, từ nấu ăn, giúp mẹ làm việc nhà cho đến các việc trên trường, ở câu lạc bộ (1), học nhạc piano, học bơi, tham gia thi đấu bóng chày, bóng đá hay khen các sở thích của trẻ như đọc sách, vẽ tranh. Điều quan trọng ở đây là quan tâm, khen ngợi trẻ cả những việc không phải là học. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự tin, giúp nảy sinh ham muốn học hơn. Việc khen ngợi sẽ kích thích thêm tính tò mò, tăng sự tự tin, hỗ trợ để trẻ có hứng thú trong mọi việc”. (Trích, Cách Người Nhật Truyền Cảm Hứng Cho Con).

Yêu thương không cấm đoán

Yêu Thương Không Cấm Đoán của Ohmae Kenichi là một trong những cuốn sách nuôi dạy con vô cùng hay và thú vị.

Có bao nhiêu cha mẹ Việt không la mắng, than phiền khi con trẻ mải chơi game hơn học? Có mấy phụ huynh không quá đề cao, coi trọng về thứ hạng và điểm số của con ở trường? Có mấy ai đồng ý việc con cái của mình cúp học giữa chừng?… Tuy môi trường ở Nhật khác với Việt Nam nhưng chí ít khi đọc cuốn sách này sẽ giúp bạn tìm ra tiếng nói chung với con trẻ, hiểu và tôn trọng những sở thích của con, dạy con nên làm như thế nào để “vươn lên bằng năng lực của chính mình” hay nói cách khác là trao “năng lực sinh tồn” cho trẻ…

Dạy con kiểu Nhật muốn thành công hoặc đặt được như mong đợi của cha mẹ ban đầu cần sự kiên trì. Kiên trì trong cách nuôi và đồng hành cùng bé trong suốt những năm tháng đầu đời tới tuổi trưởng thành.

Nguồn: Gia đình Việt Nam