Dòng sự kiện:

Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ không phải tướng phú quý mà là dị tật?

07:36 14/08/2017
Theo quan niệm truyền thống, bàn chân bẹt được xem như tướng phú quý và thịnh vượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bàn chân bẹt là một dị tật phổ biến, có thể tác động xấu đến sự phát triển của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Dị tật bàn chân bẹt ảnh hưởng đến khoảng 30% trẻ em ở các nước Châu Á. Trẻ bị chứng bàn chân bẹt thường có xương ở cẳng chân xoay khi đi lại, chạy nhảy. Điều này làm các khớp đầu gối cũng xoay lệch. Bệnh kéo dài từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối. Vì vậy, ba mẹ nên đặc biệt chú ý để sớm phát hiện và giúp bé cưng điều trị kịp thời.

Dị tật bàn chân bẹt không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn dẫn đến nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe bé cưng.

Nhận biết bàn chân bẹt ở trẻ

Với tật bàn chân bẹt ở trẻ, bố mẹ nên sớm nhận biết những dấu hiệu sau đây để nhanh chóng có những biện pháp can thiệp phù hợp.

– Lòng bàn chân của bé yêu không có hình vòm như bình thường

– Bé có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất.

– Khi trẻ di chuyển, bố mẹ có thể dễ nhận thấy chân bé có dấu hiệu biến dạng và nghiêng vào sâu bên trong.

– Khi bé yêu đứng quay mặt về phía bạn, cạnh mắt cá chân bị cong khá nhiều

– Mỗi khi nô đùa hay chạy giỡn, bé thường phàn nàn với bạn về cảm giác đau ở bàn chân, đầu gối hay mắt cá chân.

– Bé không nhanh nhẹn hay tỏ ra vụng về, lúng túng hơn với những bạn đồng lứa khi chạy nhảy hay chơi thể thao.

Các mẹ lưu ý, trẻ dưới 2 tuổi thường sở hữu bàn chân dẹp tự nhiên. Tuy nhiên, bé 3 tuổi trở lên sẽ dần hình thành rõ vòm bàn chân. Nếu trong giao đoạn này, ba mẹ không nhận thấy sự phát triển của vòm chân ở trẻ và bé thường xuyên phàn nàn về việc đau đầu gối, lưng hay bàn chân thì con yêu của bạn có thể đã mắc hội chứng bàn chân dẹp.

Nguyên nhân gây nên hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ

Với việc thường xuyên đi chân đất hay mang dép và xăng đan có đế lót bằng phẳng từ nhỏ là những thói quen xấu gây nên hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ. Một số bé sở hữu gen xương khớp mềm cũng có nguy cơ mắc phải hội chứng bàn chân bẹt. Ngoài ra, trẻ bị béo phì hoặc một số vấn đề liên quan đến thần kinh cũng có nguy cơ bị bàn chân bẹt cao hơn so với những bé khác.

Những biến chứng từ hội chứng bàn chân dẹp

– Khi mắc phải hội chứng bàn chân bẹt, bàn chân của trẻ sẽ không đủ linh hoạt khi chạm đất cùng lúc gót chân sẽ bị vẹo ra phía ngoài, dẫn đến tình trạng chân đổ vào trong làm các khớp gối cũng như khớp cổ chân bị ảnh hường nghiêm trọng. Vì vậy, bé sẽ dễ vấp ngã hay gặp chấn thương khi chạy nhảy hay chơi thể thao.

– Biến dạng hệ xương khớp: Khi cấu trúc bàn chân bị quay sấp quá mức hay gót chân có bị vẹo ra ngoài quá nhiều sẽ làm thay đổi tiêu cực ở toàn bộ trục chi dưới. Điều này sẽ gây ra hiện tượng cẳng chân và đầu gối xoay vào trong khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi khớp gối bị xoay lệnh quá mức sẽ dẫn đến tình trạng đau, viêm hay nghiêm trọng hơn là thoái hoá khớp gối. Đồng thời, sự lệch trục sẽ gây ảnh hướng tiêu cực đến lưng và cổ của trẻ dẫn đến tình trạng biến dạng, vẹo cột sống.

– Hội chứng bàn chân bẹt cũng làm mất đi tính thẩm mỹ trong dáng đi của các thiên thần nhỏ. Bên cạnh đó, những bước chân vận động sẽ trở nên vụng về, không linh hoạt khiến trẻ thiếu tự tin và có thể trở thành dị tật sau này.

Cách điều trị bàn chân bẹt

Nếu nhận thấy một trong những dấu hiệu của hội chứng bàn chân bẹt như đã liệt kê trên, bố mẹ cần đưa ngay con yêu đến khám chuyên khoa. Vì việc chữa trị dị tật này tốt nhất cho trẻ là trong giai đoạn bé từ 2 đến 7 tuổi. Vì lúc này, cấu trúc chân của bé cưng có thể dễ dàng trở về vị trí cân bằng như mong muốn là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ xương sau này của trẻ.

Thông thường, với việc phát hiện và điều trị sớm, các bác sĩ sẽ sử dụng đế giày chỉnh hình y khoa để giúp trẻ phục hồi dị tật này. Điểm đặc biệt của phương pháp này là đế giày sẽ được thiết kế phù hợp với sự phát triển của vòm xương ở chân, giúp khu vực này của trẻ phát triển, định hình đúng tư thế và vị trí.

Nguồn: Gia đình Việt Nam