Dòng sự kiện:

Hướng dẫn dành cho cha mẹ khi con bị rối loạn vận động

22:17 24/07/2015
Bé không mấy hứng thú thậm chí tỏ ra thờ ơ với các trò vận động như chơi với bóng, chơi ôtô, xe máy hoặc tô vẽ màu... là các biểu hiện của rối loạn kỹ năng vận động.

Biểu hiện của trẻ bị rối loạn kỹ năng vận động

Bé khó khăn khi vẽ, chọn màu hay sắp xếp bố cục một bức tranh đơn giản. Bé lúng túng khi vận dụng các kỹ năng đá, bắt, ném khi chơi bóng.

Với bé 3 tuổi: Bé không thể tự mình lên xuống cầu thang nếu không có sự hỗ trợ của bạn.

Với bé 4 tuổi: Bé không biết cách ném một quả bóng nhựa, không biết đi xe đạp 3 bánh.

Với bé 5 tuổi: Bé không biết cách mặc chính xác những bộ quần áo đơn giản, khó khăn khi tự bé đánh răng hay rửa tay.

Hướng dẫn dành cho cha mẹ

Bạn hãy thường xuyên khuyến khích và hướng dẫn để bé có thể hình thành và phát triển các kỹ năng vận động một cách tốt nhất.

Một số hoạt động rèn luyện các kỹ năng vận động thô cho trẻ

Tập thể dục

Bố mẹ nên cùng tập thể dục với bé. Hầu hết trẻ mới tập đi chỉ phải học cách đi và chạy và cần luyện tập nhiều lần. Hãy dắt bé đi trên nhiều bề mặt khác nhau như cỏ, sỏi hoặc cát để rèn luyện và cải thiện các kỹ năng giữ thăng bằng trong cơ thể. Cho bé tập leo cầu thang với sự giúp đỡ của bạn.

Leo trèo là một bài tập rất tốt để kích thích ý thức thiên một bên người của trẻ (thuận bên trái hoặc bên phải). Hãy cho bé chơi với một quả bóng lớn bằng cách thao tác: đá quả bóng lần lượt bằng hai chân, chụp bóng, ném bóng, lăn bóng…

Âm nhạc

Bật nhạc lên cùng nhảy múa với bé. Những bài hát có vận động tay chân là cách thức sáng tạo để trẻ nâng cao kỹ năng vận động thô. Hoặc có thể cho bé xem các đoạn phim ca nhạc thiếu nhi để bé bắt chước theo các hành động. Tập cho bé đi nhấc cao đầu gối như thể đang đi diễu hành giống các chú bộ đội.

Chơi trò chơi

Có rất nhiều trò chơi phát triển kỹ năng vận động thô như trò đuổi bắt, trốn tìm… Các trò chơi này rất đơn giản và năng động mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng thích chơi. Khi bé lớn hơn một chút hãy tập cho bé chơi trò nhảy cóc, nhảy dây… Các hoạt động này không chỉ góp phần rèn luyện kỹ năng vận động thô mà còn giúp trẻ tăng cường các kỹ năng xã hội.

Giả bộ

Một trò chơi thú vị để chơi cùng bé là trò “Bạn là con vật gì?” Trò này sẽ giúp con vận động và sử dụng nhiều nhóm cơ. Yêu cầu bé bắt chước chuyển động của nhiều con vật khác nhau. Ví dụ như: bò như rắn, nhảy như ếch, đi lạch bạch như vịt, leo trèo như khỉ… Ngoài việc giúp các cơ của bé thêm linh hoạt, các bài tập này còn kích thích trí tưởng tượng của bé phát triển.

Tô màu

Các đứa trẻ thường rất thích tô màu. Cho bé một quyển sách tô màu và bút chì màu. Cho bé nằm ra sàn nhà để tô để tập cho hông và vai thêm cứng cáp. Hoặc có thể treo giấy tô màu lên giá vẽ để bé ngồi trên đầu gối và tô màu. Để tô màu, trẻ cần nâng mông lên khỏi gót chân, cho nên sẽ tập cách giữ cân bằng cho cơ hông.

Làm việc nhà

Cho bé cơ hội giúp đỡ bạn bằng những việc vặt trong nhà: phủi bụi, xếp quần áo, làm vườn…với các kiểu vận động và tư thế khác nhau. Bé sẽ càng phát triển kỹ năng vận động thô và trở nên ‘trưởng thành’ hơn khi biết giúp mẹ làm việc nhà.

Đồ chơi khối lắp ráp

Có nhiều cách chơi bằng các khối lắp ráp: chồng lên, tháo xuống, xếp thành hàng dài để bé bước qua hoặc lăn bóng làm rơi các tòa tháp… Bạn có thể nghĩ ra bất cứ trò chơi nào bạn thích để chơi cùng bé miễn sao thông qua các trò chơi này bé có thể vận động tay chân và rèn luyện các kỹ năng vận động thô.

Giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động tinh

Khi bạn làm bánh hoặc nấu ăn, thử cho trẻ tập sử dụng dụng cụ xay tiêu, cốc đo nguyên liệu, dụng cụ vét bột hoặc muỗng canh.

Mặc đồ, thay đồ cho búp bê.

Nhồi bột thành các hình thù khác nhau, sau đó nướng thành bánh.

Dùng phấn vẽ lên bảng chuẩn bị sẵn.

Chơi đổ nước vào bồn tắm hoặc hồ bơi trẻ em bằng ly hay gáo múc nước nhỏ

Chơi với đất sét, có thể cho trẻ dùng dụng cụ cắt và đúc khuôn sẽ vui hơn.

Dùng cọ tập vẽ để vận động ngón tay.

Chơi nhạc cụ như đánh trống, đàn piano đồ chơi hoặc đàn ghi-ta.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin