Dòng sự kiện:

Hướng dẫn mẹ cách xử lý nhanh khi trẻ uống nhầm hóa chất

Mai Nguyên (Tổng hợp)
08:01 25/05/2017
Đã có rất nhiều trường hợp trẻ ăn uống nhầm dị vật, hóa chất như xăng, dầu, các hóa chất có tính ăn mòn, thuốc tẩy rửa,… dẫn đến tử vong.

Khi trẻ uống nhầm một số hóa chất như sơn, xăng dầu, axit,...sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Nếu nặng có thể gây suy đa phủ tạng, bỏng niêm mạc tiêu hóa và có nguy cơ tử vong cao nếu mẹ không biết sơ cứu cũng như đưa đến bệnh viện không kịp thời.

Trẻ bị ngộ độc hóa chất cần được sơ cứu đúng cách để tránh hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Cách xử lý khi uống nhầm xăng, axit, chất tẩy rửa

Đây là các chất có tính ăn mòn mạnh vì vậy tuyệt đối không được gây nôn. Làm vậy sẽ khiến hóa chất tràn vào khí quản lần nữa, càng tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Các hơi hóa chất xâm nhập thực quản khiến nạn nhân dễ bị viêm phổi.

Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.

Cách xử lý khi trẻ uống nhầm thuốc diệt cỏ

Đối với trường hợp này lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau đó cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.

Cách xử lý khi trẻ uống nhầm thuốc

Nếu nạn nhân còn tỉnh thì nhanh chóng gây nôn, đồng thời cho uống nhiều nước ấm rồi gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Trong trường hợp nạn nhân hôn mê, co giật thì không gây nôn mà gọi cấp cứu đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện.

Để phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm hóa chất cần để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Tốt nhất là để ở những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được. Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như như Lavie, trà C2… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Tránh tái sử dụng những chai nhựa màu, vỏ đục, khó quan sát màu sắc của chất bên trong để đựng hóa chất. Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất. Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.

Nguồn: Gia đình Việt Nam