Dòng sự kiện:

Khi con gái nói “muốn lấy bố”, cha mẹ đừng chỉ cười trừ

18:26 31/07/2015
Khi nghe con gái nói: “Con muốn lấy bố”, nhiều cha mẹ chắc chẳn chỉ cười coi như xong chuyện, cho rằng trẻ con chưa hiểu biết nên nói như vậy. Sự thực có phải như vậy?

Trong từ điển tâm lý học có giải thích về hiện tượng trẻ quấn bố: “Trẻ quấn bố” chính là sự phức hợp về tình cảm gần gũi, thân thiết với bố và xa lánh, chống lại, thậm chí có con gái có mong muốn thay thế vị trí của mẹ.

Đây là một vướng mắc tâm lý thường xuất hiện ở các bé gái từ 3-6 tuổi, do giai đoạn này, khả năng phân biệt và điều phối cảm xúc của trẻ chưa cao, các em lại không nhận được sự yêu thương, quan tâm, giáo dục đúng mức.

Trẻ ở giai đoạn 3-6 tuổi bắt đầu chú ý đến sự khác biệt về giới và nảy sinh sự hiếu kỳ. Trong giai đoạn này thường thấy con trai quấn mẹ hơn, con gái quấn bố hơn. Các chuyên gia cho rằng đây là khuynh hướng tình cảm khác giới bản năng thông thường, do tình trạng mẹ hay gần gũi yêu thương con trai, bố hay gần gũi con gái gây nên.

Chỉ cần để ý chút bạn có thể phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của con gái quấn bố. Ví dụ có bé mang đồ của bố đến nhà trẻ và ôm khư khư kể cả lúc ăn, ngủ, học.

Cha mẹ phải làm sao?

Trước tiên bố nên dứt khoát nhưng khéo léo giãn khoảng cách giữa hai bố con. Chẳng hạn bố có thể mượn cớ đi công tác hoặc công việc bận rộn để giảm bớt thời gian rảnh rỗi ở nhà. Khi có thời cơ thích hợp, bố có thể răn dạy, phê bình để con có những nhận thức nhất định về cách giáo dục của một ông bố nghiêm khắc.

Đồng thời người mẹ cần phải thường xuyên gần gũi, quan tâm, vỗ về để bù đắp tình cảm lưu luyến bố của con gái, dần dần làm sâu sắc thêm tình cảm của mẹ con. Và cuối cùng là đảo ngược lại vai trò của hai bố mẹ, từ “bố hiền mẹ nghiêm” trở thành “bố nghiêm, mẹ hiền”.

Cần căn cứ tưng trường hợp cụ thể để có phương pháp khác nhau. Trên thực tế, việc hình thành cho trẻ tâm lý khỏe mạnh đòi hỏi cả bố và mẹ đều phải cùng thống nhất trong phương pháp giáo dục.

Các chuyên gia khuyên rằng tình yêu của mẹ giúp trẻ học được cách yêu thương và quan tâm đến người khác, là cơ sở phát triển tình cảm cho trẻ. Còn tình yêu của bố lại có lợi cho sự phát triển về thái độ ứng xử và nhân cách của trẻ. Bởi vậy trẻ luôn cần song song tình yêu của cả bố và mẹ.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin