Dòng sự kiện:

Không hài lòng với giáo viên: Phụ huynh nên làm gì?

15:00 29/02/2016
Đôi khi, bạn nghe thấy con mình phàn nàn rằng ở trường con bị đối xử bất công hay nhiều vấn đề khác có thể khiến bạn ngay lập tức “nóng máu”. Tuy nhiên tìm đến giáo viên hay Hiệu trưởng để đối chất với thái độ thù địch không phải là một việc làm khôn ngoan.

Báo The Guardian mới đây đã có một bài viết phân tích về những điều mà các bậc phụ huynh nên và không nên làm từ góc nhìn của một giáo viên người Anh.

Một người bạn làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng từng cho tôi lời khuyên rằng: nếu muốn phàn nàn về bữa ăn hay chất lượng phục vụ của nhà hàng thì cứ chờ tới lúc ăn xong đã. Nếu tỏ ra khó chịu trước khi đồ ăn được bưng ra thì ai mà biết được bọn họ có “trả thù” bằng cách…nhổ nước bọt hay làm gì đó kinh khủng với đĩa đồ ăn của chúng ta hay không?

Có nên nóng giận khi không hài lòng với giáo viên của con?

Tôi cảm thấy đây là một trong những lời khuyên chí lý nhất mà bản thân từng được nghe, và theo tôi điều này cũng hoàn toàn đúng khi áp dụng cho mối quan hệ phụ huynh- nhà trường. Chỉ khác là, thời gian con cái bạn học ở trường thì dài hơn nhiều so với một bữa ăn ở nhà hàng. Vậy nên bất kể bạn có tức giận đến đâu, hãy suy nghĩ kỹ trước khi lao đến trường của con cùng cơn thịnh nộ. Điều này có thể sẽ khiến bạn hối hận về sau.

Dưới đây là một số lời khuyên của tôi về việc nên làm gì trước khi quyết định thể hiện thái độ không hài lòng với giáo viên, nhà trường của con.

Thứ nhất, suy nghĩ thật thông suốt trước khi hành động.

Bạn không nên cáu gắt hay phàn nàn. Bất kể vì lí do gì, thái độ tiêu cực chỉ khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Các giáo viên có thể cảm thấy tự ái hay bị xúc phạm và trút giận lên đầu con bạn. Cách tốt nhất là cố gắng bày tỏ quan điểm của mình một cách nhẹ nhàng, sử dụng lý lẽ và thái độ cương quyết.

Thứ hai, bạn có đang tức giận vô lý?

Một vài bậc phụ huynh thường quên mất rằng con mình không phải là đứa trẻ duy nhất ở trường. Những lời phàn nàn kiểu như tại sao con gái tôi không được đóng vai chính trong vở kịch Giáng sinh hay con trai tôi không được làm đội trưởng đội bóng đá thường chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì. Con bạn giỏi nhưng những học sinh khác cũng giỏi không kém và các nhà trường cần phải lựa chọn một cách công bằng. Đừng biến mình trở thành một phụ huynh vô lý và kiêu ngạo thái quá.

Thứ ba, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề

Có rất nhiều tình huống không mong muốn có thể xảy ra trong cuộc sống, và đương nhiên, trường học cũng vậy. Chẳng hạn, khi thấy bài tập về nhà của cô con gái không được chấm điểm, rõ ràng bạn cần phải thắc mắc, nhưng không cần thiết phải tỏ ra bức xúc ngay. Có thể tình cờ cây bút đỏ của giáo viên bị hết mực, hoặc nhà trường mới đổi sang chế độ báo điểm online. Hãy lắng nghe lời giải thích từ phía giáo viên trước khi tranh luận.

Thứ tư, trẻ em có thể có những lúc vô lý

Nếu đã làm cha mẹ thì hẳn bạn đã từng ít nhất một lần trải qua tình huống: cậu con trai/ cô con gái ngoan ngoãn của bạn sau khi đánh một đứa trẻ hàng xóm hoặc phá hoại món đồ chơi mới mua ngay trước mặt bạn thì quay sang thỏ thẻ với vẻ mặt thiên thần rằng: con có làm gì đâu! Nhìn chung không phải đứa trẻ nào cũng ngay lập tức nhận lỗi về mình, vậy nên có thể bạn sẽ cần phải cân nhắc đúng sai trước khi bênh vực con trước phán quyết của giáo viên. Khó có thể có chuyện cậu bé của bạn ngồi yên trong lớp, hoàn toàn tập trung vào bài giảng, không hề quay ngang quay ngửa chút nào thì mà tự dưng lại bị cô giáo bắt viết bản kiểm điểm.

Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng tất cả những điều trên, bạn vẫn thấy rằng nhà trường và giáo viên đã sai thì đây chính là lúc để phàn nàn. Một số nguyên tắc cần nhớ đó là:

- Nếu là những vấn đề lớn, nên phàn nàn trực tiếp với Hiệu trưởng.

- Không nên nói chuyện qua điện thoại, càng không nên để lại lời nhắn trên điện thoại

- Sử dụng ngôn ngữ lịch sự, phù hợp

- Nếu cảm thấy bức xúc với nhiều vấn đề, có thể ứng cử tham gia vào Hội phụ huynh

Theo Dân trí


TAG