Dòng sự kiện:

Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì và giúp con vượt qua như thế nào?

17:39 26/06/2016
Theo tiến sỹ Thụy Anh, khủng hoảng tuổi lên 3 là giai đoạn bé nào cũng trải qua, khi bé muốn khẳng định cái “tôi” của mình với thế giới và thể hiện nó bằng sự phản kháng.

 

Chị Diệu Bình, TP. HCM, nói: “Con gái Gin của tôi đang ở độ tuổi bướng bỉnh, thích thể hiện cái tôi nên nhiều khi không nghe lời người lớn. Chỉ riêng việc chọn bộ đầm nào để đi chơi mà cháu cũng khiến cả nhà nhức cả đầu. Vì sao cô bé mới ngày nào ngoan ngoãn mà nay lại luôn chống đối?”. Thực ra, con chị Bình đang trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3.

Để giúp cha mẹ cùng con có trọn niềm vui, tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã có nhiều chia sẻ với các bậc cha mẹ về vấn đề khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ và cách giúp con vượt qua khủng hoảng.

Vì sao khủng hoảng?

Theo tiến sỹ Thụy Anh, khủng hoảng tuổi lên 3 là giai đoạn bé nào cũng trải qua, khi bé muốn khẳng định cái “tôi” của mình với thế giới và thể hiện nó bằng sự phản kháng. Bé muốn tự đi đứng, chạy nhảy, muốn độc lập.

Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là bé bắt đầu biết quan sát mình trong gương, làm điệu trước khi ra ngoài chơi, muốn tự chọn quần áo. Tiếp theo đó, bé gần như luôn nói “không” với người lớn và chỉ làm theo ý mình. Mẹ bảo bé đi ngủ thì bé làm lơ, bảo ăn thì bé phun ra. Dường như bé đang vào lúc ích kỷ hơn bao giờ hết: không nhường nhịn, chia sẻ đồ chơi, thức ăn cho bạn.

Cha mẹ nên xem đây là dấu hiệu tốt, là bước cần thiết để con trẻ phát triển nhận thức và hình thành nhân cách, bắt đầu trở thành cá thể độc lập. Hiểu được quá trình này, bạn có thể đồng hành và cùng con tận hưởng tuổi ấu thơ của bé.

Cùng con tận hưởng tuổi lên ba


Muốn cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3, bạn nên ở cùng phe với bé.

Nói chuyện với con: chị Trương Hoài Anh, nhân viên văn phòng, TP. HCM chia sẻ kinh nghiệm: “Khi con quấy khóc, tôi sẽ ôm con, hát những bài hát ru mà con đã quen thuộc từ nhỏ để con bình tĩnh. Sau đó, tôi nhẹ nhàng hỏi han con để tìm hướng giải thích và giải quyết. Thật ra trẻ con hay người lớn đều mong muốn được đối xử một cách tôn trọng. Do đó, nếu mình bình tĩnh và đủ tinh tế khi hành xử với bé thì mọi chuyện sẽ ổn”.

Chơi với con: Chơi trò do con bày ra, bạn sẽ hiểu được suy nghĩ của con. Chẳng hạn thử chơi đóng vai mẹ – con, khi bạn làm con, con làm mẹ, bạn sẽ hiểu con muốn có bà mẹ như thế nào. Những trò chơi như trốn tìm, rượt bắt cũng dạy cho con cách tuân theo nguyên tắc, hợp tác với người khác.

Gần gũi với thiên nhiên: Đây là người thầy và người bạn lớn của bé. Một chuyến đi ngoài trời, một góc công viên, bãi cát cũng giúp bé bình tâm, gắn bó với người thân hơn là chỉ tập trung xem ti-vi.

Nguồn: Tiếp Thị Gia Đình