Dòng sự kiện:

Kích hoạt trí não trẻ với phương pháp Brainstorming

Chiếc chìa khóa để thành công trong thế giới không ngừng biến động ngày nay là sáng tạo. Phương pháp Brainstorming là một kỹ thuật động não hiệu quả, giúp con bạn khai phá, phát huy triệt để được những ý tưởng sáng tạo trong đầu mình.

Phương pháp Brainstorming được phát triển bởi ông trùm ngành quảng cáo Alex Faickney Osborn, vào năm 1953. Sau khi thất vọng trước sự bất lực của nhân viên trong việc phát triển ý tưởng sáng tạo cho các chiến dịch quảng cáo; ông gom hết nhân viên vào một phòng và thực hiện những buổi động não nhóm; vắt kiệt ý tưởng sáng tạo của từng người.

Kết quả, những ý tưởng sáng tạo không chỉ bùng nổ về số lượng mà còn cả về chất lượng. Osborn cho ra đời phương pháp Brainstorming, không chỉ áp dụng trong các công ty sáng tạo mà còn rất bổ ích trong tư duy hàng ngày của con.

Phương pháp Brainstorming và động não nhóm

Hiểu đơn giản, phương pháp Brainstorming là một buổi trao đổi nhóm nhằm tìm ra nhiều ý tưởng sáng tạo cho cùng một vấn đề. Mọi thành viên trong nhóm sẽ tự do đưa ra hết các ý tưởng của mình. Sau cùng, các ý kiến sẽ được cả nhóm thảo luận, đánh giá. Nhóm sẽ chọn ra ý tưởng tốt nhất để phát triển thành giải pháp trọn vẹn.

Cách tổ chức hoạt động động não nhóm rất đơn giản. Bạn hãy tổ chức một nhóm cho con với bốn, năm người bạn học của con. Nhóm cần một trưởng nhóm và thư ký.

Tất cả các thành viên trong nhóm sẽ quy tụ vào một phòng, mang theo giấy, bút. Trưởng nhóm đưa ra một vấn đề cần giải quyết và yêu cầu tất cả các thành viên trong nhóm viết ra tất cả các ý tưởng trong đầu mình; không cần để tên, trong khoảng thời gian nhất định. Không nhất thiết phải là làm bài tập, các con có thể làm nhà búp bê; lắp ráp lego, viết bài luận xây dựng một thế giới hoàn hảo cần những yếu tố gì…

Vì sao phải viết?

Bởi có những ý tưởng thoáng qua, con sẽ quên ngay nếu không ghi chú lại. Bên cạnh đó, viết còn cho con thời gian suy nghĩ về ý tưởng của mình và không bị ảnh hưởng bởi ý tưởng của những bạn khác. Có thể coi đây là bước động não cá nhân trước khi bước vào động não nhóm trong phương pháp Brainstorming.

Tại sao phải giới hạn thời gian?

Giới hạn này giúp tạo nhanh ý tưởng. Sau một thời gian nhất định, các thành viên sẽ trình bày những ý tưởng của mình. Khi một thành viên nói; các thành viên khác chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là lắng nghe và mở rộng ý tưởng của người nói. Nếu có ý tưởng mở rộng, các con chỉ được phép viết ra giấy và chờ đến lượt phát biểu của mình.

Phuong phap brainstorming hinh anh 1

Càng có nhiều người tham gia thực hành phương pháp Brainstorming, càng có nhiều lối suy nghĩ, góc nhìn, điểm tiếp cận… đa dạng. Nhờ thế càng có cơ hội tạo ra một giải pháp triệt để và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, dù nhóm nhỏ hay lớn; nguyên tắc để một buổi động não nhóm thành công đó là: Không phán xét, phê bình hay bác bỏ. Mọi ý kiến đều được ghi nhận. Vào cuối buổi, khi tất cả các thành viên đã cạn kiệt ý tưởng; chuyển qua bước đánh giá. Việc đánh giá dựa vào nhiều tiêu chí như ưu, nhược điểm; tính hợp lý, khả thi, tính áp dụng thực tế… Thư ký có nhiệm vụ ghi lại những ý tưởng khả thi mà cả nhóm cùng xây dựng.

Hãy khuyến khích những ý tưởng phá cách, mới lạ; thậm chí điên rồ.

Chính từ những ý tưởng điên rồ đó, nhóm tiếp tục gọt giũa và cho ra đời giải pháp sáng tạo. Do đó, bất kể ý tưởng nào xuất hiện trong đầu; dù chỉ là ý tưởng giả định, đều nên được viết ra, nói ra. Một buổi động não nhóm sẽ không chấp nhận ý kiến: “Bạn A vừa nói mất ý kiến của con. Con không có ý kiến nào khác”.

Học nhóm thường là việc của vài học sinh tích cực. Có những bạn vẫn dựa dẫm; chưa phát huy được hết năng lực của mình. Nhóm của con bạn sẽ học hiệu quả nếu biết áp dụng kỹ thuật trên.

Ngoài việc học, phương pháp Brainstorming cũng có thể áp dụng trong các cuộc thảo luận về vấn đề giữa các thành viên trong gia đình. Bạn sẽ thấy con bạn có những ý tưởng bất ngờ. Thời điểm tốt nhất để động não nhóm nên là lúc các thành viên cảm thấy sảng khoái về tinh thần, chưa bị vắt kiệt trí óc. Buổi thảo luận cũng nên quy định không sử dụng điện thoại, máy tính khi đang cùng nhau làm việc.

Động não cá nhân

Con bạn hoàn toàn có thể tự động não một mình; còn gọi là động não cá nhân với phương pháp Brainstorming. Trên thực tế, đôi khi, động não nhóm không đem lại ý tưởng đột phá bằng động não cá nhân; do trong các nhóm thường có những thành viên chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc.

Tuy nhiên, nhược điểm của động não cá nhân là con có thể không phát triển được thành một ý tưởng tuyệt đối do bị chủ quan; không có tầm nhìn rộng lớn từ mọi người.

Để động não cá nhân hiệu quả, con cần tập trung cao độ 100%. Cắt bỏ mọi phiền toái, chọn một nơi thoải mái để ngồi và suy nghĩ. Con nên sử dụng sơ đồ tư duy (mind map) để sắp xếp và phát triển các ý tưởng.

Áp dụng phương pháp Brainstorming thế nào?

Động não cá nhân có thể áp dụng khi con bạn cần giải quyết một vấn đề đơn giản hay cần tạo ra một danh sách các ý tưởng. Các nhiệm vụ học tập hàng ngày, việc lên danh sách ý tưởng tổ chức sinh nhật, đi dã ngoại; xây dựng, trang trí phòng của con… đều dễ dàng áp dụng động não cá nhân.

Với các vấn đề phức tạp, chẳng hạn như lên ý tưởng du lịch cho cả nhà, động não nhóm sẽ cho kết quả khả thi với góc nhìn bao quát, chi tiết hơn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam