Dòng sự kiện:

Làm bạn với người cũ, tại sao không?

15:00 27/09/2016
Li hôn là một bước chuyển quan trọng trong một mối quan hệ giữa hai người từng chung sống có tên là “vợ - chồng”. Có hai hướng sẽ xảy ra hậu li hôn, một là họ sẽ không nhìn mặt nhau nữa, mỗi người một cuộc sống riêng tư, hai là sẽ cố gắng vì con mà “hòa bình”, chung tay nuôi dạy con cái. Làm thế nào để cư xử bình thường với người cũ là một câu hỏi khó...

Li hôn là điều mà chẳng một cặp vợ chồng nào mong muốn, thế nhưng nó vẫn xảy ra nhan nhản trên thế giới này vì vô vàn lí do. Chúng ta sẽ không bàn đến các nguyên nhân gây ra mâu thuẫn trong hôn nhân nữa, bởi đơn giản bản chất của hôn nhân là sự chịu đựng, đến khi chúng ta không thể vì nhau mà chịu đựng được nữa thì chia tay là điều tất yếu.Ở đây, ta bàn đến chuyện hậu li hôn, vợ chồng cũ có thể làm bạn với nhau được không và nếu được thì nên bắt đầu như thế nào.

Trước khi hòa bình, nên tạm cách xa

Thời kì hậu li hôn luôn là một khoảng thời gian “kinh khủng”, bạn sẽ sống trong một mớ cảm xúc hỗn độn, vừa đau đớn vừa thoải mái, vừa cảm thấy như được giải thoát, lại không thôi lo lắng cho tương lai phía trước. Những cảm giác ấy bạn sẽ phải đấu tranh với chúng hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Lúc này, mọi quyết định liên quan đến người cũ (vợ cũ, chồng cũ) đều được coi là không sáng suốt.

Hãy cứ “gặm nhấm” cảm giác hỗn loạn này, bạn cần cho tâm trí mình nghỉ ngơi sau một thời gian sống trong khủng hoảng hôn nhân. Nếu cần liên lạc với người cũ, hãy gửi tin nhắn hoặc trao đổi những vấn đề tồn đọng một cách ngắn gọn, ôn hòa. Bởi lúc này, đối phương cũng như bạn, họ cần có thời gian để thích nghi và bắt đầu một cuộc sống mới.

 

Tránh trách móc, dằn vặt nhau sau khi đã thống nhất li hôn

Khó ai có thể kìm chế được cơn tức giận và chúng ta thường có xu hướng tung hê tất cả mọi sự lên mạng xã hội như một cách “xả” cơn giận dữ. Điều đó chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân bạn, thậm chí nó càng hằn sâu vào vết thương lòng mà bạn đang mang. Nếu bạn có con chung, làm ơn đừng thóa mạ nhau trên mạng xã hội. Ai đúng ai sai người trong cuộc sẽ tự hiểu, vạch mặt nhau chỉ là con bạn tổn thương và chính bạn trở thành đề tài đàm tiếu của dư luận.

Hãy nhớ rằng lúc này bạn và người cũ đã không còn mối quan hệ hôn nhân, mọi sự cũng đã qua, bạn đã thực sự được giải thoát và họ cũng thế, dằn vặt nhau chẳng thể làm cho cuộc sống của bạn ổn hơn đâu.

Nhìn lại cảm giác thực sự của bản thân với người cũ

Sau khi đã trải qua thời gian im lặng và kìm chế, lúc này bạn nên nhìn lại cảm giác thực sự của bản thân với người cũ. Khoan hãy nghĩ đến việc còn yêu người đó hay không, bởi tình yêu chưa bao giờ là thước đo cho hạnh phúc trong hôn nhân. Nếu như có thì bạn đã chẳng li hôn, đúng không nào? Vậy thì, điều mà bạn cần nhìn nhận lại chính cảm giác tôn trọng về người cũ còn hay mất, bạn muốn tiếp tục mối quan hệ bạn bè với người cũ không? Nếu có, hãy cư xử đúng mực như một người bạn, nếu không, đừng cố ép buộc mình vì con.

Hãy gặp gỡ khi cả hai cảm thấy thoải mái

Khi bạn đã xác định được mình và đối phương đều có thể gặp nhau trao đổi chuyện trò thoải mái thì hãy nên gặp mặt. Câu chuyện hãy xoay quanh con cái và mối quan tâm chung về gia đình hai bên hoặc bạn chung của hai người. Nếu họ không làm gì có lỗi với cuộc hôn nhân của bạn thì nên cư xử với họ thật bình thường như lúc hai bạn còn bên nhau.

 “Xin gọi nhau là cố nhân”

Đừng gợi lại chuyện xưa, đừng ủy mị yếu đuối và muốn chia sẻ cảm xúc với người cũ, đừng cố đặt chân vào cuộc đời họ thêm một lần nữa nếu như họ đã có người mới. Tất cả những điều đã qua, hãy gói ghém và đặt nó vào kho kí ức, chúng ta ai cũng có những phận sự của mình, người đến và đi qua đời ta cũng vậy, còn duyên thì ở lại, hết duyên thì sẽ đi. Là vợ, là chồng của ngày hôm nay, ngày mai đã gọi tên nhau là “vợ cũ, chồng cũ”. Thông thường, những điều đã cũ ta nên giữ làm kỉ niệm, hãy tin rằng một cánh cửa này khi đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra, ta phải kết thúc, ta mới có bắt đầu.

Vì thế, những người đã từng là chồng, là vợ sau khi chia tay, xin hãy gọi nhau là “cố nhân”.

Theo VietNammoi

Nguồn: Gia đình Việt Nam