Dòng sự kiện:

Làm gì để giúp con vượt qua những cơn phản kháng

17:46 28/09/2016
Phản kháng là giai đoạn tất yếu mà trẻ nào cũng bắt buộc phải trải qua trong quá trình phát triển về tâm lí, cảm xúc, ý thức cái tôi cá nhân.

Muôn kiểu phản kháng của trẻ

Chị Phạm Thị H. 26 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) có con trai 18 tháng tuổi chia sẻ: "Cháu còn nhỏ, chưa biết nói nên chưa thể diễn đạt được mong muốn của mình. Ở tuổi của cháu rất hay tò mò với những điều mới lạ, đặc biệt là rất thích thú với việc sờ mó vào ổ điện. Khi bị bố mẹ cấm không cho sờ linh tinh thì cháu lăn ra khóc rồi ăn vạ đủ các kiểu. Mỗi lần như vậy, chị tỏ thái độ kiên quyết và dứt khoát, chị cũng dặn bác giúp việc là đánh vào tay cho cháu biết là nguy hiểm, rồi dần dần cháu cũng ý thức được đó là “vùng cấm” không được phép chơi”.

Anh Bùi Văn H. 34 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) có bé trai 2 tuổi cho biết: “Con trai anh rất thích nghịch nước, hở ra tí là vào xả nước lênh láng hết nhà tắm hoặc thấy nước ở đâu thì cứ lao đầu tới. Nhiều lúc anh cũng bất lực trước sự nghịch ngợm thái quá của con, nên nhà anh thường cất nước cao hơn so với tầm tay của con hoặc chốt cửa nhà tắm lại. Lúc đầu vợ chồng anh tỏ ra nghiêm khắc, cấm đoán con nhưng càng cấm con lại càng nghịch”.

Chị Nguyễn Thị P. 27 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) có cô con gái gần 3 tuổi tâm sự: “Con gái chị vốn là cô bé ngoan ngoãn, biết vâng lời người lớn, bảo gì con làm đấy. Tuy nhiên, dạo gần đây con bỗng trở nên ngang bướng, thích làm trái ý người khác… Điển hình, có một hôm cùng con đi siêu thị con nhất quyết đòi mua bằng được món đồ chơi con yêu thích, nhưng vì là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc nên tôi không đồng ý và cố gắng giải thích cho con hiểu. Nhưng con bắt đầu lăn ra ăn vạ, khóc lóc mặc kệ tôi thỏa thuận thế nào cháu cũng không chịu, sau gần 30 phút hai mẹ con hành hạ nhau, tôi đành nhờ cô nhân viên bán hàng can thiệp thì cháu mới chịu đổi sang món đồ chơi khác”.

Phản kháng là giai đoạn tất yếu mà trẻ nào cũng bắt buộc phải đi qua - Ảnh minh họa: Internet

"Mặc kệ nó"

Chị Nguyễn Thị Thu, một người có thời gian sinh sống học tập và nghiên cứu tâm lí trẻ ở Nhật Bản chia sẻ: "Phản kháng là giai đoạn tất yếu mà trẻ nào cũng bắt buộc phải đi qua trong quá trình phát triển về tâm lí, cảm xúc, ý thức cái tôi cá nhân. Đó cũng là dấu hiệu để chứng tỏ sự khẳng định cái tôi của trẻ đang hình thành nên việc cha mẹ tiếp cận ra sao có ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và tâm sinh lí sau này của trẻ.

Dấu hiệu đầu tiên của thời kỳ phản kháng chính là khi trẻ bước vào tầm 10 -11 tháng tuổi, không thích cái gì là trẻ sẽ cầm đồ vứt đi, bị ba mẹ giằng lấy đồ không cho chơi là khóc ăn vạ. Vì sao thế? Vì giai đoạn này sự tự ý thức, cũng như hạt mầm thể hiện cái tôi đang bắt đầu hình thành và phát triển.

Tiếp nhận mong muốn của trẻ để giảm bớt cơn phản kháng - Ảnh minh họa: Internet

Chị Thu cũng đưa ra những lời khuyên vô cùng bổ ích để phụ huynh xử trí trước những cơn phản kháng của trẻ.

Tiếp nhận mong muốn. Chị cho biết: “Trẻ ở giai đoạn này nhiều khi do vốn từ hạn chế nên bé không biết diễn tả mong muốn của mình một cách trọn vẹn để người khác hiểu. Hơn nữa tiếp nhận mong muốn còn có tác dụng to lớn đó là nuôi dưỡng cái tôi lớn lên khỏe mạnh. Trẻ càng được cha mẹ tiếp nhận nhu cầu chiều chuộng một cách hợp lí thì càng có một tâm hồn phát triển khỏe khắn, càng có tự tin. Vì trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương dạt dào từ cha mẹ. 

Phải dứt khoát, quyết đoán với con: Cái nào chiều theo nhu cầu thì chiều trẻ, nhưng cái nào không được, cái nào vi phạm vào khung giới hạn cho phép thì cha mẹ hãy thể hiện thái độ cương quyết dứt khoát để cho trẻ hiểu. Thông qua cách xử lí như vậy trẻ cũng sẽ học được cách điều chỉnh sự mong muốn của bản thân để phù hợp với cha mẹ và sau này là với người khác. Đó cũng là một bài học về sự tiết chế, biết trước biết sau. Đồng thời nó cũng giúp cả cha mẹ điều chỉnh cảm xúc hay sự bực bội của mình, tránh tình trạng lúc nào cũng cứ phải gồng mình chiều theo mong muốn của con. 

"Mặc kệ nó": Khi không còn cách nào khác dù đã mềm mỏng, đã cứng rắn rồi thì mặc kệ nó là chiêu hữu hiệu. Vì đó là cách để trẻ được ở một mình, bình tĩnh lại, rồi tự mình điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân. Nên cha mẹ để "mặc kệ nó" cho đến khi nó tự khỏi, hoặc mặc kệ nó trong vòng 5-10 phút chính là cho trẻ cơ hội để trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân đó.

Ngoài ra, chị Thu cũng chia sẻ thêm khi trẻ phản kháng trước những lời nói của người lớn thì lảng sang chuyện khác để đánh lạc hướng cũng là một cách để “trị” con rất hiệu quả.

Theo PNO

Nguồn: Gia đình Việt Nam