Dòng sự kiện:

Làm gì khi con có thói quen ăn vạ?

Theo daycon.com.vn
07:06 10/08/2018
Không ai muốn mình có đứa con hay ăn vạ, nhưng nếu trẻ ăn vạ thì cha, mẹ phải xử lý ra sao? Quát mắng hay chiều theo sở thích của con?

1. Tỏ thái độ “phớt lờ”mọi lúc mọi nơi

Khi trẻ ăn vạ, bố mẹ hãy thử tỏ thái độ “phớt lờ”. Khi phát ra tín hiệu mà không thấy cha mẹ hồi đáp, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình. Nhiều bậc bố mẹ, khi ở nhà đã xử lí hiệu quả cơn ăn vạ của bé bằng cách phớt lờ. Nhưng khi ra ngoài, vì sợ người ngoài nhìn vào sẽ xấu hổ nên tạm dỗ bé bằng việc mua đồ chơi hay bánh kẹo cho “xong chuyện”. Điều này rất không nên. Bởi, bé sẽ nhận ra “điểm yếu” này của bố mẹ. Bé có xu hướng ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người. Vì thế, hãy luôn kiên định thực hiện các phương pháp dạy con cả ở nhà lẫn bên ngoài.

Ảnh: Internet

2. Sắt đá

Bà mẹ có con gái 5 tuổi Hoài Anh, tác giả những cuốn sách dạy con nổi tiếng như “Trái tim của mẹ”, “Nim – những câu chuyện nhỏ”, cho rằng: Muốn “trị” con ăn vạ, bố mẹ phải sắt đá, đôi khi phải bỏ mặc con. Hãy chuẩn bị sẵn tâm lý. Khi trẻ đòi hỏi mà bố mẹ “phớt lờ”. Cũng có thể trẻ sẽ gào thét dai dẳng cả tiếng đồng hồ. Trong tình huống ấy, phải kiên định, dũng cảm, không được sợ tiếng khóc gào của con. Nhất định không được đáp ứng những đòi hỏi vô lý của bé. Chỉ cần nhượng bộ một lần, bé sẽ nghĩ rằng chỉ cần “ăn vạ”, bé sẽ có mọi thứ bé muốn.

3. Nói chuyện với bé khi bình tĩnh

Sau khi bé trở lại bình tĩnh, các mẹ hãy ôm lấy bé thật nhanh. Rồi nói rằng bạn yêu chúng. Bạn hãy giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là không tốt. Tại sao mẹ lại không ủng hộ để bé hiểu được vấn đề. Hãy giúp bé diễn đạt những cảm xúc khó chịu thành lời. Để bé có thể nhận ra rằng thể hiện cảm xúc bằng lời nói rõ ràng là tốt hơn.

4. Bản thân bố mẹ phải “mẫu mực”

Khi con “ăn vạ”, nhiều khi bố mẹ cũng không kìm chế được cảm xúc, dẫn đến la hét, cáu giận. Thậm chí ném đồ đạc. Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu mà con rất dễ noi theo. Thay vì thế, hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy bảo con lúc con “ăn vạ”.

5. Thống nhất cách dạy con

Nên thống nhất giữa các thành viên lớn tuổi trong gia đình về cách dạy trẻ. Tránh tình trạng người phạt, người bênh. Nếu bạn đang cương quyết với bé mà lại có ông bà hay cô dì chú bác xúm vào dỗ dành, mọi kỉ luật của bạn trở thành vô nghĩa. Việc dạy dỗ càng khó khăn hơn.

6. Tránh cơn “ăn vạ” của trẻ trước khi nó bùng nổ

Nếu bạn cảm nhận được cơn cáu kỉnh của bé, hãy “đánh lạc hướng” bằng cách bế bé ra chỗ khác. Đưa cho bé đồ chơi hoặc làm những việc bé không ngờ tới. Nếu phải đưa con đi cùng khi có việc, nơi bé phải ngồi một chỗ đợi, bố mẹ hãy mang theo vài đồ chơi yêu thích của con. Bố mẹ cũng nên căn giờ ăn của con. Tránh để trẻ bị đói. Bởi, sau khi trẻ bắt đầu mè nheo đòi đồ ăn, rất nhanh chóng, điều này sẽ leo thang thành một cơn ăn vạ. Bố mẹ cũng cần nhớ, tránh ăn vạ không có nghĩa là chỉ tương tác với con khi bé ra ngoài. Hãy liên tục trò chuyện với con và giải thích mọi điều. Kết quả là, trẻ sẽ quay lại giao tiếp với bạn khi chúng cảm thấy buồn chán, mệt hay đói mà không cần phải la hét, khóc lóc.

Nếu bạn phải đối mặt với đứa con thường xuyên ăn vạ và cảm thấy mình đã “bất lực”, đừng lo lắng. Tại sao không thử áp dụng vài ý tưởng trên. Hãy nhớ rằng, không bao giờ quá muộn để bắt đầu uốn nắn con.

Nguồn: Gia đình Việt Nam