Dòng sự kiện:

Làm sao tránh bỏng hô hấp do ngạt khói?

Theo GDTĐ
14:00 04/04/2018
Vụ cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, Q.8, TP. HCM) ngoài 13 người thiệt mạng còn có hơn 60 người phải vào các BV Chợ Rẫy, BV Nguyễn Tri Phương, BV Triều An, BV Nhi Đồng 1 cấp cứu vì bỏng hô hấp.

Đây cũng là tình trạng phổ biến của các cư dân sống trong các căn hộ chung cư, nhà cao tầng khi bị hỏa hoạn trong đó không ít người đã bị tử vong vì ngạt khói độc.

Điều trị bỏng hô hấp tại BV 175

Bỏng không nhìn thấy

BS.Từ Quốc Tài - khoa Nội Soi (BV Chợ Rẫy) cho biết, sau khi nhập viện 10 người là nạn nhân của vụ cháy chung đều trong tình trạng hoảng loạn, khó thở dù không bị bỏng bên ngoài da nhưng do hít quá nhiều khói nên đã bị bỏng hô hấp.

Theo BS Tài, gần 100% nạn nhân bị ngộ độc khí CO. Trong đó, một bé 5 tuổi, một người bị bỏng hô hấp nặng được đặt nội khí quản, thở máy, 3 nạn nhân chỉ định nội soi khí quản. Đáng nói hơn, một vài BN dù còn trẻ khỏe nhưng nhập viện trong tình trạng hôn mê bắt buộc ê kíp BS phải đặt ống nội khí quản để trợ giúp hô hấp, sau đó được nội soi phế quản cấp cứu. Tuy nhiên sau khi nội soi, vì khí độc gây bỏng quá nặng các bệnh nhân này vẫn còn hôn mê nên được theo dõi chu đáo.

TS. Nguyễn Như Lâm - Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia lý giải, bỏng đường hô hấp rất nguy hiểm và vì nằm ẩn ở bên trong cơ thể nên khó quan sát, khó điều trị, dễ sinh ra biến chứng.

Theo TS. Lâm, khi nhiệt độ môi trường quá cao như trong đám cháy, con người hít vào cơ thể khí nóng gây tổn thương đường niêm mạc, đường thở gồm từ mũi đến phổi. Đầu tiên là tình trạng bỏng hô hấp gây phù nề, tiết dịch trong đường thở sau đó đường thở chít hẹp lại, ôxy vào cơ thể đang thiếu lại càng thiếu hơn nên càng gây phù nề, đến lúc nào đó sẽ dẫn đến cơ thể bị ngộ độc do thiếu ôxy.

Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng có thể bị ngộ độc các loại khí hình thành trong quá trình cháy như CO và Cyanide, gây tử vong rất nhanh...

Hạn chế hít khói độc CO

Các chuyên gia khuyến cáo, khi hít phải khói chúng ta không nên chủ quan mà cần đi khám vì có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến viêm phổi. Đặc biệt khi có biểu hiện ho, khó thở nhẹ, khạc ra đờm màu đen như bồ hóng, nhức đầu, buồn nôn, thở nhanh, mạch nhanh, thì phải đến viện ngay.

Khác với các căn hộ dưới mặt đất, khi xảy ra sự cố, công tác thoát hiểm của người sống trong các tòa nhà cao tầng khó khăn và nguy hiểm hơn. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, mỗi người cần trang bị những kỹ năng nhất định để bảo vệ mình và người thân.

Thượng úy Lý Hoàng Hướng – Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.7 khuyên, khi có chuông báo cháy, nên đội mũ bảo hiểm loại trùm đầu có kính để thoát ra. Sau đó, cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm bằng cầu thang bộ, lưu ý đóng chặt cửa bảo hộ sau khi thoát ra.

Có thể dùng búa, vật cứng phá bỏ cửa sổ, cửa chính tạo lối thoát hiểm và phá bỏ nhanh tất cả cửa thông hơi đuổi khói. Thoát ra ban công chờ người cứu hoặc xuống cầu thang bộ; dùng khăn ướt che mũi, miệng để cản trở chất độc vào đường hô hấp.

Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, cần dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí.

Trong mọi tình huống, người dân không nên thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Tìm cách di chuyển ra ban công, tầng thượng - nơi thoáng khí nhất có thể. Khi chúng ta xác định được nguyên nhân chính gây tử vong khi có hoả hoạn là khói thì điều cần làm trước tiên khi có cháy, cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào thấp nhất có thể.

Nguồn: Gia đình Việt Nam