Dòng sự kiện:

Làm thế nào để giữ sức khỏe trong những ngày mưa, rét?

Theo GDTĐ
08:00 14/01/2018
Miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh mùa Đông Xuân lại kèm theo mưa lạnh, gió rét khiến sức khỏe người dân giảm sút, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, chăm sóc sức khỏe những ngày này vô cùng quan trọng. Theo đó, ngoài chế độ ăn uống tăng cường dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh, việc giữ ấm cơ thể trong những ngày giá rét cũng quan trọng không kém.


Bệnh mùa Đông Xuân tấn công trẻ nhỏ

Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày vừa qua liên tục tiếp nhận trẻ nhập viện điều trị do thủy đậu. Trẻ mắc bệnh ở mọi lứa tuổi khác nhau, trong đó có nhiều bé chưa đến tuổi tiêm chủng nhưng bị lây bệnh từ người thân trong gia đình.

Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị cho bé mới gần 2 tháng tuổi. Cơ thể còn non nớt, nhỏ bé khiến cơ thể em  nhìn đâu cũng thấy mụn. Do chưa đến tuổi tiêm phòng nên mụn lên rất nhanh, chỉ qua một ngày mụn xuất hiện ở khắp cơ thể.

Trời rét là vậy nhưng gia đình không dám mặc cho bé nhiều quần áo bởi sợ mụn vỡ, lan sang chỗ khác và thỉnh thoảng lại phải cởi ra để bôi thuốc sát khuẩn. Sức đề kháng yếu, mụn mọc khắp người khiến bé bị sốt, lười ăn và quấy khóc. Đây là tình trạng chung của những bé bị thủy đậu được gia đình đưa vào viện điều trị.

Thủy đậu là bệnh thường gặp trong mùa Đông Xuân. Là bệnh truyền nhiễm, lây qua tiếp xúc trực tiếp nên người lớn, trẻ nhỏ đều có thể mắc bệnh.

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy năm 2017, cả nước có gần 39.000 ca mắc. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, thủy đậu là bệnh do virus gây ra nên phần lớn bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, dùng thêm thuốc chống viêm sẽ tự khỏi sau 2 - 3 tuần.

Cũng theo ông Phu, thủy đậu xuất hiện quanh năm nhưng bắt đầu tăng tốc từ tháng 1 và lên tới đỉnh điểm là tháng 3. Tháng cao điểm, cả nước ghi nhận khoảng 8.000 ca mắc, những tháng còn lại giảm xuống còn xấp xỉ 3.000 ca.

Ngoài thủy đậu, bệnh liên quan đến đường hô hấp, huyết áp, tim mạch, vận động cũng thường tái phát trong điều kiện mưa lạnh, gió rét như hiện nay. Trong số bệnh trên,  trẻ nhỏ thường bị viêm đường hô hấp trên (mũi, họng, xoang, thanh quản…).

Đây là cơ quan đầu trên đường hô hấp tiếp xúc trực tiếp với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên.

Ban đầu là cảm lạnh sau đó có thể là viêm mũi họng, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa…

Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus. Bên cạnh yếu tố thời tiết, tùy vào khả năng miễn dịch, độ tuổi mà tình trạng bệnh mỗi người một khác.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Tuổi càng nhỏ nguy cơ mắc bệnh càng lớn, đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, trẻ sau mổ hoặc trẻ sống trong điều kiện vệ sinh môi trường kém.

Lưu ý quan trọng với cả cộng đồng

Dự phòng luôn là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất với mọi người. Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, bác sĩ Dũng cho rằng việc giữ ấm cơ thể vô cùng quan trọng.

Giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ vào mùa Đông là những biện pháp tuy đơn giản nhưng lại giúp chúng ta phòng bệnh hiệu quả.

Mặt khác, cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, duy trì môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người bệnh…

Ngoài ra, hàng ngày nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý,  làm thông thoáng đường thở cho trẻ bằng dụng cụ hút mũi hoặc hướng dẫn trẻ cách xì mũi.

Nếu trẻ ho nhiều, khó thở, ăn kém kèm sốt nên cho trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị sớm tránh biến chứng nặng.

Với người bệnh, việc giữ ấm cơ thể càng quan trọng, đặc biệt với người già, người mắc bệnh tăng huyết áp. Để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ phương tiện chống rét cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú và người dân đến khám bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, các bệnh viện phải đảm bảo nơi khám kín gió. Phòng điều trị cho trẻ nhỏ, người già, phòng đẻ, sau sinh là nơi cần giữ ấm nhất. Nếu có điều kiện, nên bật điều hòa hai chiều để đảm bảo thông thoáng, ấm áp. Nếu không có thể trang bị thêm đèn sưởi ấm.

Tại các bệnh viện như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi, Phụ sản Trung ương… đều tăng cường máy sưởi, đèn sưởi cho khu vực khám bệnh, siêu âm, X quang, lấy máu.

Tại phòng bệnh, bệnh nhân được tăng cường chăn ấm. Với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, phòng Công tác xã hội của bệnh viện hỗ trợ suất ăn miễn phí, chăn ấm cho người nhà để họ có đủ sức khỏe chăm sóc mình và người thân.

Nguồn: Gia đình Việt Nam