Dòng sự kiện:

Làm thế nào khi con yêu hàng xóm hơn em ruột?

08:01 14/06/2017
Nhiều phụ huynh nhận ra sai lầm của bản thân nhưng lại cho rằng mình khó có thể sửa chữa hoặc thực hiện được do không có thời gian.

Thường thì người lớn có nhiều áp lực, cứ thế vô hình ngấm sâu, len lỏi trong từng ngóc ngách của cảm xúc, tâm lí để trở thành những thái độ, hành vi không mong muốn để đến khi họ không hiểu mình vô tình hay cố ý, cứ thế mà đối xử với con một cách mất cân bằng, thậm chí mất phương hướng. Nhiều phụ huynh nhận ra sai lầm của bản thân nhưng lại cho rằng mình khó có thể sửa chữa hoặc thực hiện được do không có thời gian, do về nhà phải chăm cho con ăn uống, học hành hoặc không thể quyết liệt được vì do ông bà can thiệp… Có quá nhiều lý do để họ sửa chữa hoặc kiên trì giải thích, hướng cho con cái đến với sự nhìn nhận đúng.

Chị Mai có hai cô con gái, đứa lớn lên 10, đứa bé lên 5, chúng không được hòa thuận cho lắm. Điều này khiến chị Mai khá phiền não, nhiều lúc còn cảm thấy tủi thân vì không biết tại sao con mình lại quý hàng xóm hơn cả em ruột.

Bé Vy, con gái cả của chị Mai thường không thích chơi với bé Ly, cô em út. Mỗi khi Ly đến gần chị hoặc cố gắng trò chuyện với chị đều bị chị quát đi ra chỗ khác. Nếu bé Ly muốn chơi cùng thì bị chị giằng đồ chơi, không cho đụng đến. Bất cứ câu hỏi ngây thơ nào của Ly cũng bị chị Vy bắt bẻ, hỏi vặn hoặc bĩu môi, tỏ thái độ khó chịu. Trong khi đó, Vy sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với một cô bé hàng xóm, mọi yêu cầu của cô bạn hàng xóm đều được Vy chiều theo và hai cô bé chơi với nhau rất thân thiết.

Chứng kiến đứa con út mà mình rất mực yêu thương bị “ghẻ lạnh”, chị Mai cảm thấy rất tức giận với Vy. Nhiều lần thấy Vy bắt nạt em, chị Mai đã gào lên: “Đối xử với em mình còn không bằng người dưng nước lã, con không có tình máu mủ ruột thịt à?”. Thế nhưng Vy dường như không cần hiểu, cô bé nhìn mẹ bằng ánh mắt căm giận, như thể muốn nói: “Mẹ sai rồi”. Thái độ câm lặng nhưng bướng bỉnh đến mức đáng sợ của Vy càng khiến chị Mai khó chịu, sự bất lực khiến chị nổi điên, chị vớ được cái gì là lấy đánh Vy luôn.

Những hành động vừa mắng vừa đánh con của chị Mai đích thực là sự “bất lực” trong việc dạy con “biết yêu thương” mà chị không thể nào hóa giải được. Cuối cùng, chị Mai phải đăng ký một lớp ”kỹ năng dạy trẻ” để mong tìm được giải pháp.

Học được vài buổi, chị Mai mới nhận ra rằng, dạy con không khó đến thế, chỉ đơn giản là “hiểu” chúng mà thôi. Chị đã phải trả lời các câu hỏi mà ngay chính bản thân chị không bao giờ đặt ra như: Tại sao từ khi sinh đứa bé, chị hay cáu với đứa lớn? tại sao mọi điều đứa bé đòi hỏi đều được đáp ứng, kể cả những việc gây thiệt thòi cho đứa lớn? Tại sao mỗi khi tức giận, chị lại trút bực dọc lên trẻ? Trả lời được tất cả những câu hỏi này, chị Mai cuối cùng cũng tìm ra được đáp án.

Nguồn: Gia đình Việt Nam