Dòng sự kiện:

Lễ cúng ông Công ông Táo vào mấy giờ là đẹp nhất?

16:18 31/01/2016
Theo quan niệm dân gian thì phải hoàn thành lễ cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.

Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà. Ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình.

Lễ cúng ngày 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng nghi lễ.

Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên.

Theo truyền thống của người Việt Nam, lễ cúng ông Công ông Táo thường được tiến hành từ chiều 22, hoặc sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, muộn nhất là 12h ngày 23.

Thời gian đẹp nhất để cúng ông Táo là 8 giờ đến 10 giờ sáng.

Nếu gia chủ vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp.

Theo quan niệm dân gian thì phải cúng trước giờ này ông Táo mới kịp lên thiên đình. Nếu sau đó mới cáo lễ tiễn đưa ông Táo về Trời, ông Táo sẽ không nhận được lễ vật thành tâm của gia chủ.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá đưa ông Táo lên chầu trời.

Ở miền Trung, người dân thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta có thể làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo quân.

Riêng đối với gia đình có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc.

Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như gà cồ.

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam