Dòng sự kiện:

Lợi ích bất ngờ từ việc cha mẹ đọc sách cùng con mỗi ngày

21:15 02/12/2016
Với việc đọc sách cùng con mỗi ngày sẽ mang lại lợi ích bất ngờ mà trước nay nhiều cha mẹ cứ nghĩ rằng đây là những việc làm "mất thời gian".

Báo cáo được công bố bởi BS Perri Klass và TS Pamela C.High, gồm phần đánh giá mối liên hệ giữa quá trình lớn lên cùng những cuốn sách và khả năng đọc thành tiếng của trẻ, đồng thời là mối liên hệ giữa sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ và thành công trong học tập sau này.

Đọc sách giúp não phát triển

Nghiên cứu đầu tiên sử dụng “cộng hưởng từ chức năng” để nghiên cứu về hoạt động não ở trẻ từ 3 đến 5 tuổi khi chúng nghe những câu chuyện phù hợp lứa tuổi. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự khác nhau về hoạt động não, phụ thuộc vào mức độ đọc ở nhà của trẻ.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, TS John S.Hutton ở Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati, Hoa Kỳ, ở những trẻ được đọc nhiều, có sự kích hoạt rõ rệt vùng bán cầu đại não trái. Đây là vùng vỏ não liên kết thùy đỉnh - thùy trán - thùy chẩm, là “trung khu liên hợp cảm giác trong não, tích hợp âm thanh và sau đó kích thích thị giác”.

Đọc sách mỗi ngày sẽ giúp não phát triển. Ảnh minh họa

Bán cầu não trái hoạt động tích cực khi một đứa trẻ lớn hơn tự đọc, TS Hutton còn nhận thấy rằng vùng này cũng được kích thích khi một đứa trẻ nhỏ hơn được nghe kể chuyện. Đặc biệt, khi một đứa trẻ tiếp xúc với nhiều sách và đọc nhiều, có sự tăng hoạt rõ rệt ở vùng não thực hiện việc liên hợp thị giác, điều này đúng với cả những trẻ chỉ nghe chuyện mà không được xem tranh.

TS Hutton nhận xét: “Khi những đứa trẻ nghe kể chuyện, chúng tưởng tượng theo góc nhìn trẻ thơ. Ví dụ với câu: “Con ếch nhảy qua cành khô”, trẻ sẽ ngẫm ngợi: “Mình đã từng nhìn thấy ếch và cành cây khô rồi. Khi ếch nhảy qua cành cây khô, trông nó sẽ thế nào ấy nhỉ?”.

Mức độ khác biệt về hoạt động não, gợi ý rằng những đứa trẻ thường xuyên luyện tập phát triển thị giác, như nhìn vào tranh ảnh hay nghe kể chuyện, có thể phát triển những kỹ năng giúp chúng biến hình ảnh và câu chuyện đó thành ngôn ngữ của bản thân sau này. Kỹ năng đó giúp trẻ hiểu vật giống cái gì và tưởng tượng ra hình ảnh, hướng trẻ trở thành người đọc tốt hơn khi lớn lên, bởi giúp phát triển trung khu não thực hiện quá trình hình dung câu chuyện”.

Theo TS Hutton, sách kích thích trí sáng tạo theo cách mà phim hoạt hình và những phương tiện giải trí khác không thể làm được. “Cùng một câu chuyện, nhưng khi chúng ta cho trẻ xem phim, chẳng phải ta đã rút ngắn quá trình sáng tạo của trẻ?”, TS Hutton nói.

Việc lắng nghe lời thoại ở trẻ là quan trọng, và cần từ ai đó cụ thể, chứ không phải từ màn hình ti vi hay điện thoại. Đáng buồn thay, một nghiên cứu ở Kansas đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ ba tuổi trong hoàn cảnh nghèo khó được nghe ít hơn hàng triệu từ so với đứa trẻ cùng tuổi gia cảnh bình thường. Thực tế ở Việt Nam, việc kể chuyện cho con nghe hình như không hề có hoặc rất hiếm ở những gia đình khó khăn.

Đọc cùng trẻ tốt hơn nói chuyện

Việc đọc cho trẻ, đọc cùng trẻ giúp trẻ hiểu ngôn ngữ tốt hơn nhiều so với chỉ nói chuyện đơn thuần. Tạp chí Psychological Science đã công bố một nghiên cứu khác về ngôn ngữ trong sách có tranh minh họa. Họ xem xét những cuốn sách được chọn lọc từ khuyến cáo của thầy cô, những cuốn bán chạy trên mạng bán sách trực tuyến Amazon và những cuốn sách mà cha mẹ hay đọc cho trẻ nghe trước khi ngủ. So sánh ngôn ngữ trong sách với ngôn ngữ thường dùng khi cha mẹ nói chuyện với con cái, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những cuốn sách truyện có tranh chứa nhiều “từ vựng độc đáo” hơn.

Việc đọc cho trẻ, đọc cùng trẻ giúp trẻ hiểu ngôn ngữ tốt hơn nhiều so với chỉ nói chuyện đơn thuần.  Ảnh minh họa

Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà tâm lý học Jessica Montag, trợ lý nghiên cứu ở đại học California, Riverside (Hoa Kỳ) cho biết: “Sách chứa một tập hợp từ đa dạng hơn so với ngôn ngữ nói thông thường. Điều này gợi ý rằng, những đứa trẻ được cha mẹ đọc sách cho nghe có thể hiểu nhiều hơn những từ vựng so với những đứa trẻ không được đọc”.

Việc đọc sách có tranh cho trẻ nhỏ còn giúp não bộ trẻ tập luyện việc tạo dựng hình ảnh liên quan tới từ ngữ, bao gồm cả những câu dài có nhịp điệu phức tạp hơn so với ngôn ngữ nói thông thường.

Theo PNO

Nguồn: Gia đình Việt Nam