Dòng sự kiện:

Lưu ý quan trọng khi chế biến súp lơ xanh cho bé ăn dặm

20:12 08/12/2016
Rất nhiều bà mẹ lựa chọn súp lơ xanh làm thực phẩm ăn dặm cho bé bởi những lợi ích dinh dưỡng tuyệt vời. Tuy nhiên, khi chế biến súp lơ xanh cho bé ăn dặm, mẹ cần lưu ý những điều sau.

Trong súp lơ xanh chứa nhiều vitamin C, vitamin K, vitamin A (từ beta-carotene), các vitamin nhóm B, chất xơ, canxi, chất sắt, axit folic, omega 3, selen, kẽm, đạm thực vật.

Các chất dinh dưỡng trong súp lơ xanh giúp bé phát triển khỏe mạnh trong những năm đầu đời, hấp thu dướng chất tốt nhất, tăng cường hệ miễn dịch. Súp lơ xanh có đặc tính chống dị ứng, giảm thiểu nguy cơ bé mắc bệnh hen suyễn. Thêm súp lơ vào chế độ ăn dặm của bé sẽ giúp bé có sức đề kháng mạnh trong mùa đông. Ngoài ra, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều lơ xanh có thể bảo vệ cơ thể khỏi ung thư và có lợi cho tim và dạ dày.

Khi nào bé có thể ăn súp lơ?

Thời điểm bé làm quen với các loại rau quả là khoảng 6 tháng, vì vậy mẹ có thể cho bé ăn súp lơ từ lúc này. Tuy nhiên lần đầu tiên, mẹ chỉ cho bé ăn một lượng nhỏ súp lơ xanh, sau đó tăng dần lên trong mỗi bữa. Như thế, mẹ có thể theo dõi phản ứng của bé, để nếu bé bị dị ứng hoặc khó tiêu hóa thực phẩm này thì mẹ cũng dễ dàng tìm ra nguyên nhân.

Súp lơ xanh có thể gây đầy bụng vì trong đó chứa một loại đường có tên là raffinose – khi cơ thể không thể tiêu hóa được loại đường này thì khi đi đến ruột, vi khuẩn sẽ lên men đường và thải ra khí metan.

Đối với bé trên 6 tháng tuổi, một chút khí ga có thể không gây khó chịu với bé nhưng đối với bé dưới 6 tháng tuổi thì khí trong bụng có thể khiến bé khóc rất nhiều vì không thể xì ra được.

Vì vậy trước khi dùng súp lơ làm thức ăn thô cho bé, bạn nên xem xét bé có tiền sử về vấn đề tiêu hóa hay không. Nếu có thì các mẹ hãy kiên nhẫn đợi đến khi con tròn 1 tuổi mới thử cho ăn súp lơ.

Cách chế biến súp lơ xanh tốt nhất cho bé ăn dặm

Hấp là cách tốt nhất để giữ lại vitamin có trong súp lơ xanh (khi hấp cách thủy, nhớ chờ nước sôi, bạn mới nên thả súp lơ vào. Đợi thêm một chút thời gian (khi súp lơ đã mềm), bạn mới nên bỏ súp lơ ra khỏi nồi hấp).

Tiếp đến, bạn băm nhuyễn (hoặc xay nhuyễn) súp lơ trước khi trộn vào bột (hoặc cháo) cho bé, tương tự cách bạn trộn các loại rau khác vào bột (hoặc cháo) ăn dặm (tức là khi bột gần chín thì bạn cho súp lơ hấp đã được nghiền nhuyễn vào, đợi bột sôi lại là bạn có thể bắc nồi bột xuống bếp).

Súp lơ xanh sẽ có vị nồng (khó ăn) và bay mất khá nhiều chất dinh dưỡng nếu bạn dùng lò vi sóng hoặc phương pháp luộc để chế biến súp lơ.

Mẹo để làm giảm đầy hơi khi cho bé ăn súp lơ xanh

Mẹ hãy cho vào cháo của bé vài lát gừng tươi vì gừng hỗ trợ rất tốt cho tiêu hóa và giảm khí trong ruột – nhưng cũng phải áp dụng quy tắc sử dụng thức ăn mới cho lần đầu tiên ăn gừng.

Bên cạnh đó, hãy cho bé ăn sữa chua để bổ sung cho ruột bé những vi khuẩn có ích nhằm hỗ trợ tiêu hóa.

Lựa chọn súp lơ cho bé ăn dặm và bảo quản đúng cách

Cách chọn súp lơ: Kích thước của súp lơ sẽ không ảnh hưởng đến mùi vị của chúng, vì vậy bạn không cần quá quan tâm đến kích thước khi chọn súp lơ.

Chú ý tới phần lá bên ngoài càng dày thì các bông cải bên trong càng được bảo vệ tốt, không bị dập nát bởi các yếu tố bên ngoài. Nếu phần lá này màu xanh tươi và cứng, phần bông cải càng tươi ngon và giữ nguyên từng nhánh.

Bảo quản súp lơ bằng cách bỏ súp lơ trong túi nilon và để trong tủ lạnh, với phần thân ở dưới và phần bông cải ở bên trên. Cách đặt súp lơ như vậy sẽ giúp cho phần bông cải không bị dập và tách rời.

Không nên rửa trước khi bảo quản vì như thế sẽ làm súp-lơ nhanh bị thối.

Chú ý: Để món ăn dặm cho bé không nhàm chán, bạn có thể trộn chung súp lơ xanh với các thực phẩm như carrot, bí ngô, khoai tây, khoai lang, lúa gạo, thịt bò, thịt gà, đậu phụ và sữa chua.

Tham khảo thêm 7 món ăn ngon chế biến từ súp lơ xanh cho bé yêu 

Tiểu Vũ

Nguồn: Gia đình Việt Nam