Dòng sự kiện:

Lý do cha mẹ vẫn nên áp dụng `thiết quân luật` để dạy con

Theo Người đưa tin
07:18 02/06/2018
Theo nhiều bậc cha mẹ, phương pháp dạy bảo con cái nhẹ nhàng hay dùng "thiết quân luật" còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh cho rằng nên dùng biện pháp mạnh để dạy con.
Các cụ xưa có câu “thương cho roi cho vọt” và coi đây như một phương pháp giáo dục con trẻ hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện đại, việc dùng "thiết quân luật" để giáo dục con nên hay không cũng là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh căng thẳng.

Trước nhiều câu chuyện bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, rồi cha mẹ trút cơn giận lên người trẻ vì những lý do không thỏa đáng. PV báo Người Đưa Tin cũng đã lắng nghe những trải lòng của các ông bố, bà mẹ về phương pháp giáo dục con như thế nào là hợp lý.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Thuyết (Bạc Liêu) bày tỏ: “Cá nhân tôi nghĩ trẻ con mà hư thì người lớn nên dạy từ từ chứ không nên đánh con.  Tôi thường quan sát và thấy nếu như dùng roi vọt sẽ khiến trẻ lỳ đòn, không còn sợ nữa. Phương pháp giáo dục con tốt nhất là nên dọa cho con sợ, động viên và khen thưởng kịp thời thì con trẻ sẽ ngoan, tiến bộ hơn”.

"Thiết quân luật" với con nhỏ liệu đã là giải pháp tối ưu?

Trùng ý kiến với anh Nguyễn Văn Thuyết, anh Hà Anh Mến cũng cho rằng: “Bây giờ phương pháp giáo dục con cái khác ngày xưa rất nhiều. Tôi còn nhớ ngày nhỏ tôi cũng bị đánh nhiều, chân tay tím tái vết roi vọt, có lần bị đánh đến hoảng loạn tinh thần. Thế nhưng, ngày nay bản thân tôi là một người cha cũng đã nhận thức được cách dạy con không dùng roi vọt, tôi chỉ cầm roi để dọa con thôi. Như thế trẻ sẽ không bị rạn đòn hay ám ảnh về đòn roi”.

Trước câu hỏi trên, trao đổi với PV, chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội) hiện đang công tác tại một công ty bất động sản bày tỏ: “Công việc của tôi khá bận rộn, thường xuyên phải tiếp đối tác. Tôi cũng có một con trai được 5 tuổi nhưng bé khá bướng bỉnh. Bé hay mè nheo, đòi mua cái này mua cái kia hoặc khóc lóc. Những lúc đi làm về mệt tôi không còn sức mà quát con nữa, thay vào đó có dùng roi doạ con.

Nhiều ông bố bà mẹ thường bảo không dùng roi vọt với con, tôi nghĩ rằng đó chỉ là lời nói thôi, còn trong thực tế thì tôi nghĩ khó nhà nào có thể thực hiện được.

Theo tôi, nên dùng roi vọt cho con sợ thì được, nhưng đến mức đánh đập thì không nên. Việc đánh con trong hoàn cảnh nào cũng phải vận dụng đúng, tránh gây ra những tổn thương trong lòng trẻ”.

Còn chị Phạm Thị Hải Hà (Hà Nội) cũng kể câu chuyện của mình: “Ngày còn nhỏ, tôi bị ăn đòn suốt vì khi đó tôi nghịch ngợm như con trai. Bố mẹ tôi nói không nổi nên mỗi lần làm sai là ông bắt tôi kéo ống quần lên, ông quật thật mạnh vào hai chân nhưng chỉ đánh đúng một cái. Hồi đó bị đánh là bạn gần nhà đã nghe được rồi, hôm sau đi rêu rao khắp xóm thế là tôi xấu hổ không dám tái phạm nữa.

Bây giờ, khi đã là mẹ rồi tôi mới hiểu được lòng bố mẹ, bố mẹ đánh mình cũng chỉ muốn tốt cho mình mà thôi. Nên bây giờ, trong nhà tôi vẫn còn một chiếc roi nhỏ để quản lý các con, cứ bé nào làm sai là tôi sẽ mang roi ra doạ cho con nhớ lần sau không vi phạm. Khi tôi kể phương pháp giáo dục của tôi, mọi người cũng nói thời buổi này ai còn dùng roi vọt nữa, nhưng cá nhân tôi cho rằng vẫn nên dùng roi trong những tình huống con hư mà không thể nói suông bắng miệng được”.

Vậy còn các vị phụ huynh khác, các vị sẽ dạy con theo phương pháp nào?

Nguồn: Gia đình Việt Nam