Dòng sự kiện:

Lý do nên khuyến khích trẻ đưa ra quyết định riêng của mình

Theo GDTĐ
14:15 11/05/2018
Những đứa trẻ luôn được cha mẹ, hay người lớn quyết định thay thường thụ động khi sau này bước ra cuộc sống. Vì vậy, thay vì luôn quyết định hộ cho trẻ, người lớn nên khuyết khích trẻ biết tự đưa ra những lựa chọn và cách quyết định cho riêng mình.

Lý do trẻ không bạo dạn tự tin

Cùng con tham gia buổi dã ngoại với lớp con trai, chị Tú Mai (khu đô thị Trung Yên, Hà Nội) ngỡ ngàng trước sự năng động bạo dạn của nhiều bạn lớp con mình, khác hẳn sự thiếu tự tin ở cu Nam con trai chị. Trong khi đa phần các bạn đều nhanh nhẹn xếp hàng tìm được ghế của mình, thì chỉ khoảng chục bạn trong đó có con của chị vẫn không biết chọn cho mình chỗ ngồi. Tới khi chị phải nhắc thì cu cậu mới ngồi xuống ghế bên cạnh một bạn cùng lớp.

Chị Tú Mai chia sẻ: Theo sự chỉ dẫn của các anh chị hướng dẫn viên, các con được dẫn đến từng khu vui chơi trong trang trại. Đa phần các con rất hào hứng và phấn khởi tự chọn cho mình những trò chơi mà mình yêu thích thì cu Nam lại ngại ngần. Chị để ý con trai mình thường theo dõi các bạn lựa chọn chơi như thế nào rồi cu cậu mới rụt rè đăng ký.

Nghĩ lại việc nuôi dạy con, chị Mai cũng thấy mình có lỗi trong chuyện này. Hai vợ chồng chị công việc kinh doanh bận rộn, nên ít có thời gian gần gũi thường xuyên chơi với con. Thường thì anh chị chỉ bố trí cho lái xe đưa hai bà cháu và người giúp việc đến địa điểm vui chơi, rồi quay trở lại đón khi hết giờ.

Chính vì vậy con chị thường chỉ chơi những gì bà nội cho phép để an toàn với cháu. Mà tính của mẹ chồng chị thường cẩn thận, lại sạch sẽ nên có một đứa cháu nội thì cưng chiều hết mức... Có lẽ đó là lý do khiến Nam không bạo dạn tự tin ngay cả trong khi vui chơi.

Hãy nghĩ tới hậu quả trước khi hành động

Ngay từ nhỏ, mỗi trẻ đều có thiên hướng với các khí chất riêng trong tính cách. Cha mẹ và người thân có vai trò giúp trẻ kích thích những tố chất nổi trội của chúng. Điều mà phụ huynh cần làm, là nên tập cho các con của mình biết đưa ra những lựa chọn riêng của bản thân, bắt đầu từ những tình huống nhỏ nhất.

Có thể từ việc lựa chọn món ăn khi vào cửa hàng, một món đồ chơi khi mua sắm… Mỗi khi con phân vân, người lớn nên dành cho trẻ một chút thời gian để suy nghĩ trước khi lựa chọn. Điều này sẽ giúp trẻ có điều kiện tập dượt để biết lựa chọn điều mà mình muốn. Đây chính là một kỹ năng quan trọng mà trẻ phải được trang bị và ứng dụng thực tế.

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, Chuyên gia tâm lý về giáo dục sớm cho trẻ em cũng đã chia sẻ quan điểm của mình: Khi trẻ 18 tuổi, trẻ phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định của mình. Tuy nhiên, nếu không cho trẻ được học cách tự ra quyết định từ những việc nhỏ, thì trẻ khó có thể có những quyết định đúng đắn khi bước vào tuổi trưởng thành. Vì vậy, cần cho trẻ có cơ hội tự ra quyết định dần dần.

Điều đó có nghĩa là quyết định của cha mẹ dần dần phải giảm xuống. Các phụ huynh hãy cho con cái mình từng bước được học cách được lựa chọn. Vì lựa chọn chính là một trong những cách tốt nhất để ra quyết định. Người có khả năng ra quyết định là người biết chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định của mình, là người biết cân nhắc lợi hại.

Cha mẹ cần cho trẻ hiểu khi con đã có cách lựa chọn, đã ra quyết định là phải chấp nhận điều đó. Dù trẻ muốn hay không muốn, thậm chí bực bội sau lựa chọn của mình là trẻ đã rút ra được bài học về hậu quả đương nhiên khi mà mình quyết định. Ví dụ khi trẻ đã chọn một món ăn nào, trẻ sẽ không được thay đổi mặc dù sau đó trẻ có thể nhịn đói vì không thích lựa chọn của chính bản thân mình.

Trẻ cần phải hiểu chúng chính là người phải chịu hậu quả, phải tự “dọn dẹp” cho chính việc làm và quyết định của mình. Cho trẻ trải nghiệm đói để hiểu được giá trị của nó. Cho trẻ trải qua đau thương, thất bại nho nhỏ để chúng có thể rút ra bài học kinh nghiệm cá nhân. Hãy nghĩ tới hậu quả trước khi hành động.

Nguồn: Gia đình Việt Nam