Dòng sự kiện:

Mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu nên và không nên làm điều này

21:17 15/11/2016
Mang thai 3 tháng đầu là giai đoạn rất quan trọng quyết định đến sự an toàn và khỏe mạnh của thai nhi. Mẹ bầu ở 3 tháng đầu thai kỳ cần lưu ý những việc nên và không nên làm dưới đây.

Ngay khi đón nhận tin vui, mẹ bầu nên chuẩn bị cho mình những kiến thức mang thai, đặc biệt cần chú ý nhất trong giai đoạn 3 tháng đầu để thai nhi được khỏe mạnh, an toàn.


Những điều mẹ nên làm khi mang thai 3 tháng đầu

Khám thai đầy đủ

Ngay khi phát hiện thấy "2 vạch" là bạn nên đến bác sĩ để được xét nghiệm, kiểm tra và tư vấn những điều cần thiết trong thai kì. Bác sĩ cũng sẽ đưa ra thời gian hẹn khám để kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa cùng những lời khuyên về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tốt nhất.

Thực hiện những xét nghiệm khi mang thai thích hợp

Nhiều bài kiểm tra, xét nghiệm có thể cho bạn thêm thông tin về những rủi ro về nhiễm sắc thể và dị tật bẩm sinh, tuy vậy, không phải xét nghiệm nào cũng cần thiết. Bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi quyết định chọn hình thức kiểm tra cho mình.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng khi mang bầu

3 tháng đầu là bước “đệm đàn” cho sự hình thành và phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Chính vì thế, mẹ cần phải cực kì cẩn thận trong chế độ ăn uống. Mẹ hãy tham khảo Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu ở 3 tháng đầu thai kỳ và Những thực phẩm mẹ bầu cần ăn trong 3 tháng đầu thai để bé thông minh, khỏe mạnh.

Mẹ bầu cần uống nhiều nước

Trong suốt quá trình mang thai, bạn cần uống từ 1.4 – 1.9 lít chất lỏng mỗi ngày, cộng thêm với 0.2 lít nước mỗi giờ khi phải vận động nhẹ.

Uống bổ sung vitamin khi mang thai

Axit folic à một trong những dưỡng chất cần thiết nhất trong các viên đa vitamin này dành cho bà bầu, nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các bà mẹ mang thai 3 tháng đầu: làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Tăng cân từ từ

Rất nhiều bà bầu mắc sai lầm là phải ăn uống thật nhiều, "ăn cho 2 người" và khiến cân nặng tăng quá nhanh khi vừa bầu bí. Thực ra, trong 3 tháng đầu mang thai, bạn chỉ nên tăng khoảng 1 - 2kg là đủ. Việc tăng cân quá nhiều, quá nhanh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

Đối phó với cơn ốm nghén

80% bà bầu đều phải đương đầu với chứng ốm nghén khi mang thai. Vì vậy mẹ hãy chuẩn bị sẵn tâm lý và tham khảo các cách giảm ốm nghén hiệu quả.

Mua đồ lót mới

Áo và quần lót cho bà bầu có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng thoải mái đấy.

Nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn

Sự thay đổi nội tiết tố để tạo môi trường phù hợp cho bào thai song song với việc cơ thể mẹ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi. Buồn nôn, mệt mỏi,... là các triệu chứng phổ biến mà đôi khi có thể khiến mẹ bầu bị kiệt sức. Vậy nên hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, ngủ đủ giấc và giữ tâm lý thoải mái để cơ thể có điều kiện phục hồi.

Tập luyện nhẹ nhàng

Nếu không gặp vấn đề gì về sức khỏe, mẹ bầu vẫn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng, đơn giản để ngừa đau lưng và tăng cường sức khỏe, tăng khả năng chịu đựng và giúp cơ thể chuẩn bị cho những thay đổi về thể chất, hỗ trợ quá trình sinh nở.

Chuẩn bị về mặt tài chính

Lên kế hoạch về những chi phí trước và sau khi sinh em bé. Những chi phí đó bao gồm quần áo, thức ăn, tã, đồ chơi và những chi phí này có thể đội lên rất nhanh đấy.

Kiểm tra bảo hiểm y tế

Phải biết được bảo hiểm sẽ chi trả những gì khi bạn mang thai và sinh con và bệnh viện nào thích hợp nhất đối với thẻ bảo hiểm y tế của bạn.

Mang thai 3 tháng đầu - những điều cần tránh

Không tự ý dùng thuốc khi mang thai

Các thành phần của thuốc có thể đi qua nhau thai, "xâm nhập" vào máu của thai nhi và có thể gây những hậu quả khôn lường. Do đó, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, thậm chí là thuốc bổ nếu không được bác sĩ hướng dẫn.

Những thực phẩm không tốt cho thai nhi

Mẹ bầu cần đảm bảo thực phẩm được nấu chín, không ăn đồ sống, tái, hạn chế đồ hộp, thức ăn nhanh và những đồ ăn không có lợi cho bà bầu. Tuyệt đối tránh xa những thực phẩm gây sảy thai.

Tránh xa caffeine, thuốc lá, rượu bia

Thói quen uống quá nhiều cà phê hay các đồ ăn, thức uống nhiều caffeine có thể khiến bà bầu đối mặt với nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu. Do đó, hãy hạn chế tối đa và nếu có thể, cắt bỏ cà phê khỏi thực đơn mỗi ngày là điều tốt nhất mẹ nên làm cho bé.

Trong khi đó, việc hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng khi mang thai, bao gồm cả sảy thai và sinh non.  Bạn cũng nên thoái thác những lời mời liên quan đến đồ uống có cồn trong khoảng thời gian này nhé.

Những hoạt động gây hại cho thai nhi

Trong thai kỳ, bạn cần tránh những hoạt động có thể khiến bạn bị ngã hoặc gây chấn thương bụng. Những bài tập làm tăng thân nhiệt cũng có thể gây hại cho bào thai và không được khuyến cáo.

Tham khảo thêm: 13 hoạt động mẹ cần tránh làm khi mang bầu và 10 việc nhà cấm kỵ của bà bầu

Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm

Phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí ô nhiễm (nhất là trong 3 tháng đầu) sẽ làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật và sinh non.

Căng thẳng

Chán nản, mệt mỏi, stress có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Do đó hãy giữ tinh thần thoải mái nhất có thể, đặc biệt là khi mang thai 3 tháng đầu "đầy biến động" mẹ bầu nhé!

Quan hệ khi mang thai 3 tháng đầu

Trong một số những trường hợp nhất định, bác sĩ có thể đưa lệnh “cấm vận” trong 3 tháng đầu thai kỳ để đảm bảo an toàn cho thai kỳ của bạn

Tắm nước nóng, ngâm bồn nước nóng hoặc xông hơi

Nhiệt độ cao có thể gây mất nước và đe dọa sự an toàn của em bé trong bụng mẹ.

Làm đẹp ở 3 tháng đầu thai kỳ

Mẹ bầu nên tránh nhuộm tóc trong 3 tháng đầu thai kỳ vì đây là giai đoạn thai nhi mới hình thành, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Ngoài ra mẹ cũng nên hạn chế sơn móng tay vì theo một nghiên cứu trẻ em tiếp xúc nhiều với phthalates, hóa chất chứa nhiều trong sơn móng tay thường có chỉ số IQ thấp hơn những đứa trẻ khác.

Trên đây là lưu ý những điều nên và không nên làm cho mẹ mang thai 3 tháng đầu. Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung thêm nhiều kiến thức chăm sóc cho thai nhi phát triển khỏe mạnh tại đây. Khi thấy Những biểu hiện cực nguy hiểm ở 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ để thăm khám. 

Nguyên Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam