Dòng sự kiện:

Mẹ bầu Việt ở Nhật chia sẻ kinh nghiệm khám thai

19:29 26/01/2017
Sản phụ ở Nhật được hỗ trợ khoảng 84 triệu đồng khi sinh em bé.

Chị Thúy mặc trang phục truyền thống của cô dâu Nhật để chụp ảnh cưới. Ảnh: Yui's Living Japan.

17 năm sống, học tập và làm việc ở Nhật, chị Phương Thúy bén duyên cùng một chàng trai người bản địa kém 5 tuổi. Chuyện tình đẹp như mơ của anh chị được cộng đồng người Việt ở Nhật biết tới và ngưỡng mộ. Chị Thúy là phiên dịch, đồng thời là admin trang về cuộc sống, văn hóa Nhật (Yui's Living Japan). Chị đang mang thai 6 tháng và háo hức mong chờ đứa con đầu lòng chào đời. Vợ chồng chị Thúy hiện sống ở thành phố Osaka.

Từng có thời gian dài sống ở xứ sở hoa anh đào, chị Thúy hiểu rõ văn hóa cũng như lối sống của người bản xứ. Những bài chia sẻ trên trang cá nhân về giáo dục, việc làm, du học, cư trú và cả người Nhật của chị luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Việt ở Nhật. Sắp làm mẹ, chị ghi lại những thông tin cần thiết dưới dạng nhật ký "mang thai ở Nhật" để hướng dẫn cho những ai cần. 

Chị Thúy cho hay ở Nhật, mang thai và sinh nở không phải bệnh tật nên các bà bầu không được dùng bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm sẽ có chế độ hỗ trợ sản phụ số tiền 42 man (khoảng 84 triệu đồng). Tùy vào bệnh viện hay dịch vụ sử dụng, sản phụ có thể phải đóng thêm 10-20 man (20-40 triệu đồng), ngoài số tiền trên hoặc có thể dư ra. Ngay cả khi sản phụ về nước sinh em bé và trở lại Nhật, họ vẫn nhận được hỗ trợ này.

Theo chị Thúy, tới phòng khám phụ khoa, hãy nói với lễ tân "hình như tôi có bầu" để bác sĩ biết trước và khám cho nhanh. Từ tuần thứ 5 trở đi, sản phụ có thể thấy túi thai, tuần thứ 6 là thấy tim thai. Tuy nhiên cũng có người tới tuần thứ 7-8 mới thấy tim thai.

"Bác sĩ sẽ cho bạn xem hình siêu âm và báo ngày dự sinh. Nếu nơi khám không có thiết bị hỗ trợ khi sinhbạn có thể nhờ bác sĩ giới thiệu tới bệnh viện tổng hợp hay bệnh viện tư nhân. Họ sẽ viết giấy giới thiệu ghi tình trạng bầu bí của bạn để khi chuyển viện không phải khám lại từ đầu. Chuyển tới bệnh viện lớn, tiền khám thai định kỳ của sản phụ đều được miễn phí", chị Thúy chia sẻ.

Vợ chồng chị Thúy thăm nhiều địa điểm nổi tiếng của Việt Nam trong một lần về thăm gia đình. Ảnh: Yui's Living Japan.

Bà bầu đi khám trực tiếp ở bệnh viện có thể đặt luôn lịch sinh. Sau khi khám thấy tim thai, bác sĩ sẽ yêu cầu sản phụ lấy sổ tay sức khỏe mẹ con (hay sổ tay mẹ con). Nếu thai đôi, họ sẽ nhận hai quyển, thai 3 sẽ là 3 quyển. Một số nơi yêu cầu giấy chứng nhận có bầu của phòng khám rồi mới phát sổ. Khi đi lấy sổ tay mẹ con, sản phụ cần trình thẻ my number (gồm tất cả thông tin của người đó) và thẻ lưu trú (nếu mang quốc tịch nước ngoài) để xác minh thông tin cá nhân.

Để nhận sổ tay mẹ con, bà bầu phải ra ủy ban quận khai báo mang thai. Người ở quận sẽ chúc mừng rồi kiểm tra thẻ my number, thẻ lưu trú.

"Trường hợp của tôi mang quốc tịch Nhật nên tôi trình thẻ my number và bằng lái xe. Sau đó, tôi điền thông tin vào đơn khai mang bầu và nhận một loạt giấy tờ hướng dẫn khi mang thai, trong đó có 3 quyển sổ quan trọng: Sổ tay mẹ con, sổ tay kiểm tra sức khỏe của mẹ và sổ tay tiêm chủng của con", chị Thúy giải thích.

Sổ tay mẹ con để theo dõi tình hình sức khỏe của mẹ và sự trưởng thành của em bé tới trước khi bé vào lớp 1. Sổ tay kiểm tra sức khỏe của mẹ có 14 phiếu hỗ trợ chi phí khám thai. Khi đi khám thai mang theo phiếu này bà bầu sẽ không mất phí hoặc có thể phải trả thêm tùy địa phương hay chỗ khám. Sổ tay tiêm chủng của con hướng dẫn các thời kỳ tiêm chủng cho bé.

Chị Thúy khuyên sổ số 1 và 2 nên luôn mang theo mình để đề phòng xảy ra việc không may hoặc khi đi du lịch... Ngoài ra, mẹ bầu còn nhận được các giấy hướng dẫn lớp học cho bố, mẹ như học về dinh dưỡng, răng miệng, sinh đẻ và cách chăm sóc em bé.

Sản phụ cũng được tặng móc hình mẹ và bé với chữ "trong bụng có em bé" để đeo vào túi xách. Khi đi phương tiện công cộng như tàu, xe bus, họ được ngồi hàng ghế ưu tiên hoặc được nhường ghế.

"Mỗi lần đi siêu thị, tôi đều được mang hộ giỏ đồ, đi hàng quán cũng được nhân viên chạy ra tận nơi mở cửa cho và trao đồ tận tay. Có lần cô kia mãi lúc cuối mới để ý móc hình mẹ con của tôi và xin lỗi rối rít rồi chúc đi đường cẩn thận", chị Thúy kể.

Đơn khai mang bầu sẽ được giữ ở quận cho tới khi em bé sinh ra. Trong đơn viết họ tên, tình trạng sức khỏe, nhóm máu của bố mẹ và ngày dự sinh em bé. Tiếp đến, chuyên viên chăm sóc sức khỏe sẽ phỏng vấn bà bầu.

Lần đó, chuyên viên sức khỏe chúc mừng chị có thai rồi hướng dẫn khoanh vào tờ tham khảo ý kiến. Tờ này gồm những câu hỏi như sản phụ có lo lắng khi mang bầu, lo kinh tế, lo thai nhi hay có ai tâm sự, chia sẻ không... Nếu chuyển nhà ra khỏi tỉnh hoặc thành phố đang sống, sản phụ phải ra quận trả lại sổ tay khám sức khỏe của mẹ (có phiếu hỗ trợ) để sang quận mới xin sổ mới vì mỗi nơi có tiền hỗ trợ khám thai khác nhau.

Lần khám đầu tiên sau khi nhận sổ, mẹ bầu sẽ được thử máu để biết nhóm máu, lượng đường trong máu, thiếu máu, viêm gan B, C, ung thư tử cung, HIV, giang mai, dị ứng gì, huyết áp, cân nặng hay thử nước tiểu... Các lần khám sau sẽ chỉ có thử nước tiểu, đo huyết áp, cân nặng. Tới tháng thứ 7 và 10, họ sẽ được làm xét nghiệm máu lần nữa. Tùy chỗ khám, sản phụ sẽ được đo vòng bụng, có nơi từ tuần 20 hoặc sớm hơn.

Chị Thúy khoe hiện mang bầu 6 tháng và tăng 3 kg, mức tăng cân nặng tiêu chuẩn ở Nhật. Ảnh: Yui's Living Japan.

Tại Nhật, phụ nữ mang thai sẽ đi thăm khám ở các mốc cơ bản. Từ tuần thứ 8-23, khám một tháng/lần; từ tuần 24-35, khám một tháng hai lần; từ tuần 36-39, khám một tuần một lần. Trước đó, tùy vào tình hình sức khỏe mỗi người và theo chỉ dẫn của bác sĩ mà sản phụ sẽ khám một tuần/lần hay hai tuần/lần.

"Tôi đi khám vào tuần thứ 5 và tuần thứ 7, chi phí khoảng 2.000 yên/lần (400.000 đồng) vì có bảo hiểm. Sau khi nhận sổ tay mẹ con, tức là đã có chứng nhận bà bầu, có phiếu hỗ trợ khám nên tôi được miễn phí, có lần chỉ phải trả 200-300 yên (40.000-60.000 đồng). Tuy nhiên, nếu bạn phải làm các xét nghiệm khác hay muốn kê đơn thuốc ngoài khám cơ bản sẽ phải trả thêm tiền", chị Thúy cho hay.

Nếu có thắc mắc về khám tiền sinh để biết thai nhi có bị bệnh đao hay dị tật bẩm sinh không, chị Thúy khuyên các mẹ bầu hãy hỏi luôn bác sĩ.

Theo Ngôi sao

Nguồn: Gia đình Việt Nam