Dòng sự kiện:

Mẹ bỉm khóc ròng vì phương pháp đắp tỏi chữa ho cho bé

Về phương pháp đắp tỏi chữa ho cho bé, bác sĩ cảnh báo trẻ đắp tỏi bị bỏng da là còn nhẹ. Có những ca nặng có thể gây chín thịt và làm ảnh hưởng đến các chức năng của hai chân.

Cận cảnh vết phồng rộp do bị bỏng tỏi của con gái chị L.

Mới đây, những lời cảnh tỉnh của một bà mẹ có con nhỏ bị bỏng nặng vì phương pháp dân gian dùng tỏi chữa ho đã gây xôn xao cộng đồng mạng.

Theo chia sẻ của chị L. (Hà Nội), nạn nhân của phương pháp chữa bỏng vẫn được nhiều người tin rằng hiệu quả ngay thức khắc là bé Cỏ - con gái gần 7 tháng tuổi của chị. 

Mấy ngày trước bé bị nhiễm lạnh nên húng hắng ho, mũi dãi chảy. Sau đó bà vú trông bé đã tự ý giã tỏi và đắp vào chân bé để chữa bệnh mà bố mẹ không hay biết. Sự việc chỉ được chị L. phát hiện khi buổi đêm ngủ cứ thấy con quấy khóc không chịu bú, nằm không chịu nằm, bế mà cứ ưỡn người lên và chỉ chịu bế vắt lên vai.

"Mình tưởng con nóng nên cởi bộ body suit ra, soi đèn xem con có đau ở đâu không thì tá hỏa phát hiện ra hai vết phồng rộp lớn ở chân con. Lúc đầu mình còn tưởng kiến ba khoang cắn nhưng kiểm tra cả người con không thấy gì, soi khắp màn khắp giường cũng không thấy con kiến nào.

Kiểm tra lại bộ body con mặc thì có hai vết ố nước ở đúng phần chân. Gọi điện hỏi bà vú thì bà bảo có đắp tỏi nhưng đắp một tí. Một lúc sau có vết đỏ thôi, bé cũng quấy khóc nhưng bà chủ quan" - chị L. nhớ lại.

Ngay sau đó, vợ chồng chị L. đã tức tốc bế con gái tới bệnh viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết bé bị bỏng sâu phần da dưới lòng bàn chân, phải chích phần nước phồng rộp và đắp thuốc.

Mẹ bỉm khóc ròng vì phương pháp đắp tỏi chữa ho cho bé
Bé Cỏ bị bỏng sâu phần da dưới lòng bàn chân, phải chích phần nước phồng rộp và đắp thuốc​

Chia sẻ với Đời sống Plus, chị L. cho biết: "Hôm đầu nhìn con đau rát, quấy khóc mà thương đứt ruột. Mình biết nhiều mẹ bỉm sữa thường rất tin tưởng và truyền tai nhau cách chữa bệnh dân gian như đắp tỏi vào lòng bàn chân rồi dán Salonpas để trị ho cho bé nên đã viết bài chia sẻ với mọi người". 

"Bác sĩ khám cho bé Cỏ đã phải lắc đầu ngán ngẩm vì thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị bỏng do tỏi nhưng các mẹ bỉm sữa vẫn áp dụng, gây nguy hiểm cho con. Bác sĩ cũng cảnh báo đắp tỏi bị phỏng da là còn nhẹ. Có những ca nặng có thể gây chín thịt và làm ảnh hưởng đến các chức năng của hai chi" - chị L. chia sẻ thêm.

"Mùa này bé húng hắng ho mà vẫn chơi, ăn và ngủ tốt thì chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể khi có vi khuẩn xâm nhập vào. Thường thì chị chỉ theo dõi tại nhà, nghe tiếng ho của con để xem xét tình hình thôi. Nếu thấy ho nặng tiếng thì đưa đi bệnh viện khám để điều trị theo bác sĩ chứ đừng tự ý áp dụng mấy mẹo chữa bệnh truyền miệng, rất nguy hiểm cho con" - chị L. dành lời khuyên cho các mẹ.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, thông tin lan truyền đắp tỏi tươi chữa ho cho trẻ là sai lầm và rất nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ, da vẫn mỏng, nếu đắp tỏi trực tiếp lên da, thời gian quá lâu, bị bịt kín có thể gây rát bỏng, viêm da và nổi bọng nước, nặng có thể bị phỏng da.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo, khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách, tránh chữa bệnh theo truyền miệng, tự chữa bệnh qua mạng cho con để rồi nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con trẻ.

Nguồn: Gia đình Việt Nam