Dòng sự kiện:

Mẹ cảm cúm khi cho con bú sẽ lây cho trẻ?

09:07 11/01/2017
Mẹ có nên cho con bú khi bị cảm cúm không? Nhiều bà mẹ lo lắng sợ con bú sẽ bị lây cảm cúm từ người mẹ.

Mẹ có nên cho con bú khi bị cảm cúm không?

Cảm cúm là bệnh nhiều người thường gặp, tuy nhiên với các bà mẹ đang cho con bú, nó gây ra nhiều lo lắng. Thực tế, cho con bú khi mẹ bị cảm cúm không đáng lo như nhiều bà mẹ vẫn nghĩ. Dù virut cúm rất dễ lây lan nhưng chúng khó có thể xâm nhập vào sữa mẹ, do đó bệnh cúm cũng không thể lây qua đường sữa mẹ được. Việc cho con bú vẫn tiến hành bình thường, chỉ cần mẹ nhớ kĩ nguyên tắc dưới đây.

Cảm cúm khi cho con bú không thực sự đáng lo nếu mẹ luôn giữ vệ sinh để tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ.

Ngưng cho con bú khi bệnh trở nặng

Nếu mẹ có các triệu chứng cúm nặng như hắt hơi liên tục, ho liên tục, khạc đờm liên tục thì lúc này mẹ cần cách ly với bé một thời gian và nên ngưng cho bé bú trong 2-3 ngày. Sau đó mẹ có thể cho con bú nhưng nên mang khẩu trang, găng tay và lau sạch đầu vú bằng nước ấm trước khi mẹ cho bé bú để tiêu diệt vi khuẩn.

Mẹ cần phải đợi ít nhất 2 tuần mới nên tiếp xúc trực tiếp lại với bé vì lúc này mẹ mới chắc chắn hết bệnh.

Trong các trường hợp mẹ bị nhiễm cúm cùng với các triệu chứng như viêm gan virut, nhiễm virut hecpet, đồng nhiễm với HIV, bị tổn thương điển hình ở đầu vú, thì mẹ cần ngưng hoàn toàn việc cho bé bú. Đồng thời mẹ cũng cân đi khám để có thể xác định bệnh lý và điều trị, tránh lây nhiễm cho bé một số bệnh nguy hiểm khác.

Phòng cúm khi cho con bú

Khi người mẹ bị bệnh cúm, điều quan trọng là tránh làm sao để bé bị phơi nhiễm mầm bệnh càng ít càng tốt.

Người mẹ cần phải tiến hành các bước vệ sinh phòng cúm cẩn thận, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên, ho hoặc nhảy mũi vào khăn (và vứt bỏ sau khi dùng), và đừng quên hạn chế tiếp xúc mặt đối mặt với trẻ. Mẹ cũng cần cân nhắc đeo khẩu trang trong suốt thời gian cho bé bú để tránh ho, nhảy mũi hoặc thở trực tiếp vào mặt của trẻ.

Nếu bạn lo lắng về rủi ro cho trẻ hoặc đang bệnh nặng không thể cho con bú, hãy tự vắt sữa và nhờ người khác giúp cho trẻ bú thay bạn bằng sữa bạn vắt ra.

Ngoài ra, trong trường hợp mẹ đang cho con bú dùng thuốc có chứa kháng histamine (thường dùng trong thuốc trị cúm), nó có thể ảnh hưởng đến trẻ thông qua sữa mẹ. Bạn cũng nên tránh dùng thuốc có kháng histamine. Hãy luôn báo cho bác sĩ biết bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ để bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp cho bạn.

Theo Gia đình Việt Nam


TAG