Dòng sự kiện:

Mẹ lo vì con gái quá ngoan

13:56 29/10/2017
Con học giỏi nhưng chỉ vì ngoan quá mà chị Dương Thùy Minh (Minh Khai, Hà Nội) cảm thấy lo lắng bởi con luôn nghe lời bố mẹ răm rắp, không có tính chủ động trong mọi việc.

Ngồi đợi con ở trung tâm tiếng Anh, giờ ra chơi thấy các bạn trong lớp cũng vui đùa, chạy nhảy, trong khi con gái ngồi im trong lớp, chị Thùy Minh chỉ biết thở dài. Chị Minh cho biết, con gái học lớp 5 học giỏi và rất ngoan. Chỉ có điều, con thụ động trong mọi việc. Đưa con ra ngoài chơi, con không bao giờ dám chạy nhảy cũng như chơi gì, chỉ biết đứng đằng sau mẹ.

Trong mọi công việc, con không biết bắt đầu từ đâu. Làm việc gì con cũng hỏi mẹ. Hay mẹ nhắc làm gì thì con mới  làm. Thậm chí con còn không biết mình thích gì, luôn có câu cửa miệng “gì cũng được ạ”.  Ở lớp, dù học thuộc bài, hiểu bài, con không bao giờ dám phát biểu. Thậm chí, có bạn nào “đổ lỗi” cho con, bị cô giáo phê bình, con cũng chỉ im lặng mà không dám nói lên ý kiến của mình.

Chị Thùy Minh không phủ nhận, việc con thụ động cũng do hậu quả của việc bố mẹ quá bao bọc và làm hộ con mọi việc. Mọi việc của cá nhân con, chị đều phải ra “chỉ thị” và con cứ thế thực hiện theo mệnh lệnh của mẹ, như: Con ăn đi, con tắm đi, con chơi đi, con soạn sách vở đi, con mặc quần áo rét vào…

Trước đây, khi còn bé, con chị cũng nghịch ngợm, thế nhưng sợ con làm hỏng mọi thứ, sợ con làm chậm, làm không đúng nên chị thường cấm con, không cho con làm. Từ đó, mọi việc từ nhỏ đến lớn, chị đều làm hộ con, suy nghĩ hộ con, mọi thứ con phải theo sự sắp đặt của mẹ. Giờ đây, tính ỷ lại, thụ động ăn sâu và trở thành thói quen, tính cách của con

Chị Nguyễn Thị Thu, trường mầm non Tsubaki Việt Nam, cho biết, những đứa trẻ lớn lên theo một lập trình có sẵn, chúng không cần suy nghĩ mình phải làm gì tiếp theo, lâu dần chúng mất đi tính tự chủ, và trở nên thụ động. Khi trưởng thành, chúng “không biết mình nên làm gì”. Bởi cuộc sống của chúng đã được ba mẹ suy nghĩ hộ cho mọi thứ, thi vào đâu, học gì đều phải theo sự sắp đặt của ba mẹ ngay từ khi khi còn nhỏ. 
Chính vì điều đó mà nhiều bạn trẻ đang cảm thấy chán nản vì phải học cái mình không thích, có những bạn ra trường đi làm rồi thấy ngành mình làm không đúng điều mình mong muốn, và có những bạn bế tắc vì chẳng biết mình muốn gì.

Việc rèn cho con tính chủ động rất quan trọng. Theo chị Nguyễn Thị Thu, thay vì chỉ thị, cha mẹ hãy đặt câu hỏi hoặc chờ đợi trẻ tự làm. Khi đón con ở trường, cha mẹ có thể hỏi con: Về đến nhà rồi mình sẽ làm gì đầu tiên con nhỉ? Chào cô giáo rồi mình sẽ làm gì nào?”… Việc đặt câu hỏi giúp trẻ suy nghĩ những việc sẽ phải làm và chủ động làm thay vì chờ bố mẹ ra chỉ thị, mệnh lệnh.

“Nhiều ba mẹ than thở rằng không muốn quát con, ra mệnh lệnh cho con, nhưng trẻ không chịu làm nên phải nhắc nhiều cho con nhớ. Thực tế, việc nhắc nhở nhiều quá lại phản tác dụng, khiến trẻ nhờn với những điều mẹ nhắc. Ba mẹ có thể đặt câu hỏi gợi ý để giúp trẻ nhớ ra như câu chuyện của mình, hoặc tùy tình huống có thể để trẻ được tự do lựa chọn thứ tự mình sẽ làm như “Hôm nay con sẽ làm gì trước?”. Với những trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể cho trẻ tự lên kế hoạch và tự quyết định.

Ba mẹ có thể dùng cách nói ít, chỉ nói 1 lần “Mẹ chỉ nói một lần duy nhất thôi nhé” thì ngược lại trẻ sẽ rất tập trung lắng nghe. Hay khi trẻ không chịu thực hiện thì ba mẹ có thể hỏi câu “Con sẽ làm đến mấy giờ?” để đưa ra mục tiêu rõ ràng cho trẻ thực hiện”, chị Nguyễn Thị Thu mách nước.

Chị Thu cũng cho biết, ngày nay rất nhiều ba mẹ có tâm lí muốn uốn nắn con ngay từ nhỏ, muốn con lớn lên phải là đứa trẻ có quy tắc, thói quen tốt, nên đã can thiệp quá nhiều, chỉ thị con làm theo điều mình nói quá nhiều. Thực tế, con không cần mẹ kè kè ở bên, con chỉ cần mẹ hỗ trợ khi con cần, còn lại hãy cho con khoảng trống để con được tự do và tự mình suy nghĩ.

Theo PNVN