Dòng sự kiện:

Mẹ ơi! Con đã về

16:16 03/06/2015
“Suốt thời thơ ấu, tôi chìm trong những cơn ác mộng khiến tôi gào lên trong đêm, hay đôi khi là những cơn mộng du trong nhà. Mẹ nuôi kể rằng những tiếng gào rất kinh sợ, như thể có ai đó đánh tôi. Những cơn ác mộng ấy theo tôi đến tận thời thanh niên” - Stacy Thúy Mederith viết trong nhật ký của mình nhiều năm trước.

Người bác sĩ tâm lý mà Stacy Thúy gặp sau này đã phân tích các giấc mơ của cô, và nói rằng nó chính là tổn thương đến từ hành trình mà đứa trẻ mồ côi Ngô Thị Ngọc Thúy phải trải qua từ Việt Nam cho đến khi trở thành một đứa con nuôi trên đất Mỹ.

Số phận nghiệt ngã của đứa con nuôi Babylift

Thông tin trên báo VnExpress, năm lên 8 tuổi, Stacy Thúy, một trong hàng nghìn đứa trẻ mà Mỹ đưa ra khỏi Sài Gòn cuối chiến tranh Việt Nam, tự sát lần đầu tiên bằng một con dao. 9 năm sau, cô gái trẻ lại cố gắng từ bỏ cuộc sống bằng 100 viên thuốc an thần.

“Tôi ghét Chúa và thực sự mất niềm tin rằng có một ông Chúa trời, ít nhất là một Chúa trời mà tôi có thể yêu và tự hào. Nếu ông có có một kế hoạch cho tôi, thì thật khó để hiểu và tôn trọng kế hoạch ấy. Ông ta ném tôi xuống địa ngục dù tôi có đi bất kỳ đâu”, cô viết, nhiều năm sau lần tự sát không thành.

Stacy Thúy được đưa khỏi Sài Gòn vào tháng 3/1975, là một trong hàng nghìn trẻ em mồ côi đã được đưa đi trong chiến dịch Không vận Trẻ em (Babylift) mà chính phủ và các tổ chức dân sự Mỹ thực hiện. Mẹ Stacy, Ngô Thị Điệp, là một cô gái trẻ miền Tây, đã có mang với một người lính Mỹ, và không thể nuôi nổi cô vì nghèo.

Stacy Thúy khi mới đặt chân đến nước Mỹ.

Tháng 8/1974, bà viết vào một tờ “Cam kết cho con” và gửi lại cô cho một trung tâm nuôi trẻ ở Sài Gòn. Trong tờ đơn ấy có đoạn: “Tôi ưng thuận cho em bé này xuất ngoại từ Việt Nam vì lý do tôi cho nó làm con nuôi những bậc cha mẹ có đầy đủ phương tiện để đảm bảo tương lai cho nó...”.

Nhưng bà Điệp đã nhầm. Bà muốn con mình thoát khỏi sự nghèo khó và chiến tranh - nhưng bóng ma của sự bất hạnh vẫn đeo đuổi Thúy ngay cả khi cô đã sang bên kia bờ đại dương.

Cha nuôi của Stacy Thúy là một cựu phi công từng tham chiến ở Việt Nam. Vợ chồng ông đã có hai đứa con trai, và muốn nhận nuôi một đứa con gái sau hai lần sảy thai. “Có thể lúc đầu ông ấy mang một nguyện ước tốt, thực sự muốn nhận một đứa con gái. Nhưng đôi khi tôi tự hỏi rằng liệu có phải là ông không thể thoát ra khỏi ký ức hậu chiến và đó là lý do ông ta trút sự phẫn uất lên mình”.

Cha và anh nuôi của Stacy đã đánh đập cô suốt cả tuổi thơ; liên tục nói với cô rằng “mày là quỷ dữ, không ai cần mày ở đây”. Cô tự đổ lỗi cho mình: cô tin rằng mình sinh ra là một sai lầm, và không ai mong muốn cô có mặt trên đời này. Và đứa trẻ ngày ấy đã tự tìm cách kết liễu cuộc sống.

Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Stacy bước vào tuổi thiếu niên. Nhà trường phát hiện ra các vụ bạo hành. Các trung tâm xã hội vào cuộc, và điều đó chỉ càng khiến cho những trận đòn thù tăng lên mỗi lần cô gặp cha nuôi. “Tôi trốn thực tại bằng ma túy, âm nhạc, bỏ học và trốn khỏi nhà”, Stacy viết. Bác sĩ nói rằng việc cô sống sót sau 100 viên thuốc an thần ở tuổi 17, là một điều vô lý.

“Tôi còn căm ghét Chúa trời hơn vì đã để tôi sống”, Stacy nghĩ khi ấy.

Stacy không phải đứa trẻ Babylift duy nhất bị bóng ma của cuộc chiến đeo đẳng. Thúy Nguyễn, một người bạn thân của Stacy cũng đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ đen tối cùng cha nuôi. Vì một lý do nào đó, cha mẹ nuôi của Thúy Nguyễn nhận nuôi tới 4 đứa trẻ lai giữa phụ nữ Việt Nam và lính Mỹ da màu, và rồi sau đó, không đủ sức nuôi nấng.

“10 tháng sau khi tôi đến Mỹ, mẹ nuôi tôi chết vì một cơn đau tim ngay trên bàn ăn, trước mặt lũ trẻ chúng tôi. Và chúng tôi được để lại cho một người đàn ông đáng lẽ không bao giờ được phép nuôi trẻ em”.

Cô bắt đầu bị cha nuôi lạm dụng tình dục từ năm 5 tuổi. Ông ta cho Thúy bất kỳ thứ gì cô muốn, và điều đó khiến các anh chị em ghét cô. “Họ cho rằng tôi được nuông chiều, nhưng không bao giờ họ biết cái giá phải trả là gì”.

Thúy Nguyễn đã lớn lên, cũng như Stacy, trong một trạng thái đầy bất cần với cuộc sống - cô từng một lần ngồi tù, và trải qua nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ.

Mẹ ơi! Con đã về

Báo Tuổi trẻ đưa tin, Thúy đã từng muốn trở về Việt Nam nhiều lần. Nhưng vợ chồng cô không khá giả, và họ còn phải lo toan nhiều điều trước mắt hơn là một chuyến đi xa và tốn kém.

“Viết cho mẹ, người đã đưa con đến cuộc sống này: con mong rằng một ngày nào đó chúng ta có thể gặp lại” - Stacy viết năm 2000, khi cô vừa từ chối một lời mời quay lại Việt Nam cùng những trẻ mồ côi khác vì không đủ tiền.

Đến tận năm 2015, đúng 40 năm sau khi cô được “vận chuyển” qua Mỹ, chuyến đi mới được thực hiện. Tháng 3-2015, trước khi lên máy bay về Việt Nam, Stacy gửi hồ sơ về cho ông Lê Cao Tâm, một chuyên gia tìm kiếm thân nhân tại TP.HCM.

“Một bộ hồ sơ hoàn toàn mơ hồ” - chuyên gia Lê Cao Tâm nhận xét về những tài liệu mình nhận được. Chỉ duy nhất tờ cam kết, với số căn cước và quê quán “Phước An” của bà Ngô Thị Điệp, là có thông tin sử dụng được.

Ông Tâm liên hệ với một chuyên gia về bản đồ Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuấn, và nhận được một thông tin không mấy sáng sủa: trước năm 1975, có tới năm địa danh Phước An thuộc năm tỉnh thành khác nhau (hiện nay), gồm Hậu Giang, Trà Vinh, Đắk Lắk, Bình Định và quận 9, TP.HCM cũng có một địa danh “Phước An”.

Không mất nhiều thời gian đắn đo, ông Lê Cao Tâm quyết định thành lập ba đội tìm kiếm, với 12 nhân viên đến ba địa danh “khả nghi” nhất là Đắk Lắk, Hậu Giang và Trà Vinh. Chi phí cho cuộc tìm kiếm đã hiện lên ngay trong đầu: không dưới chín con số.

Hỏi tại sao ông quyết định thực hiện cuộc tìm kiếm tốn kém ấy, khi giữa ông và Stacy chỉ có một lời nhờ, không hề là hợp đồng hay cam kết, ông Tâm chỉ trả lời đại ý việc cần làm thì làm thôi. Cho dù có tìm được, ông cũng không lấy tiền của Stacy.

Stacy Thúy bên mộ mẹ. Ảnh: Tuổi trẻ

Trong suốt hành trình tìm kiếm ấy, Stacy Thúy tiếp cận với một thái độ dè dặt. “Đây là công việc của các anh, và các anh kiếm tiền bằng nghề này - qua thư, cô tâm sự lạnh lùng với cả những phóng viên và ông Tâm, những người đang giúp cô thực hiện cuộc tìm kiếm - Điều này ok thôi, thế giới vận hành như vậy. Nhưng tôi không muốn những hi vọng của mình sụp đổ”.

Stacy tuyên bố rằng ngay cả khi ông Tâm có tìm được thân nhân của mình, cô cũng sẽ không gặp. Cô nói thẳng rằng mình sợ bị cho thông tin giả.

“Chồng tôi sẽ đến đó lấy ADN và chúng tôi sẽ đem nó quay trở về Mỹ. Nếu kiểm tra ADN nói rằng đó là gia đình của tôi, tôi sẽ quay lại”.

40 năm, là quá nhiều hi vọng, và cô không sẵn sàng để đối mặt với rủi ro từ những người xa lạ. Ông Tâm thú thực rằng trong khi ông đổ rất nhiều tiền ra để đi tìm mẹ ruột cho Stacy, chỉ nhận lại những lời ấy ông cũng tự ái.

Nhưng ông cũng tâm sự rằng Stacy đã trở thành một người Mỹ, sẽ không thể hiểu được tại sao việc làm này lại có ý nghĩa đặc biệt với những người Việt Nam.

“Tôi đọc hồ sơ của Stacy mà thấy tội quá. Nghĩ con mình bây giờ bé bỏng thế, mình yêu thương ôm ấp nó còn không đủ, mà giờ nghĩ đến cảnh nó bị cho vào cái hộp, ném lên cái máy bay rồi đưa đi như thế, bị trầm cảm cũng đúng thôi...”.

Cuộc tìm kiếm của ông Tâm tiếp tục đi vào bế tắc. Qua nhiều nguồn tin, ông xác minh được bà Ngô Thị Điệp có cha mẹ tên Ngô Văn Sáu và Nguyễn Thị Ân. Nhưng thông tin vẫn quá mỏng.

Trong những ngày cuối tháng 3-2015, hai đội tìm kiếm của ông không thu được kết quả nào tại Đắk Lắk và Bình Định.

Tại đó, ông đã nhờ chính quyền địa phương phát trên loa phóng thanh của xã suốt nhiều ngày ròng, nhưng không có ai trùng tên với mẹ ruột của Thúy.

Ở vùng Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, địa điểm mà theo ông là “khả nghi” nhất, sau ba ngày tìm kiếm, đoàn của ông Tâm cũng đành bỏ cuộc.

Nhưng run rủi, trên đường họ trở về TP.HCM thì nhận được điện thoại từ một cán bộ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nói họ có thông tin về một người đàn ông tên “Sáu Ân” làm nghề thợ rèn, đã qua đời từ lâu, hiện còn năm đứa con đang sống tại địa phương.

Ông Lê Cao Tâm là một người dày dạn trong lĩnh vực tìm kiếm, và ông mang một tinh thần cảnh giác cao khi “phỏng vấn nhân chứng”: đã từng có những trẻ mồ côi khi quay về đoàn tụ từ nước ngoài, tìm được... hơn một người tự nhận là mẹ ruột.

Ông Tâm liên hệ với ông Ngô Thành Văn, con trai ông Sáu Ân, với lý do “đi tìm bà con trong dòng họ Ngô cho cha mình”. Và thông tin vô cùng quý giá đã xuất hiện: ông Ngô Thành Văn có một người em gái tên Ngô Thị Điệp.

Đi sâu tìm hiểu, ông Văn kể rằng em gái ông, bà Điệp có một đứa con lai với lính Mỹ. Chính ông đã tự tay nuôi nấng nó một thời gian, nhưng đứa bé rất khó nuôi, có những biểu hiện tâm lý không bình thường nên đành gửi lại cho bà Điệp để đưa vào trại trẻ mồ côi...

Như thế là Stacy Thúy đã nhầm: mẹ cô không hề giấu gia đình để đưa cô vào trại trẻ, mà gia đình biết đến sự tồn tại của cô.

Bà Ngô Thị Điệp đã quyết định cho con đi làm con nuôi ở nước ngoài vì hoàn cảnh gia đình khi ấy quá khó khăn. Nhưng sau khi con đi rồi, bà vì nhớ con đã phát điên, phải chữa chạy một thời gian dài.

“Từ ngày mất liên lạc với con cho đến ngày trước khi chết vì bệnh ung thư tử cung cách đây mấy năm, em tôi đã bằng mọi cách không ngừng tìm kiếm con và thèm khát được gặp con một lần trước khi chết để xin lỗi con, vì tạo ra con nhưng không nuôi con” - ông Ngô Thành Văn nói đến đây rồi bật khóc.

Thấy câu chuyện đã đầy đủ cơ sở, đội tìm kiếm quyết định nói rõ mục đích của họ với ông Hai Văn. Ông Văn nói trong nước mắt: “Thật bất hạnh cho em gái của tôi, nếu tìm sớm vài năm có lẽ em tôi sẽ hạnh phúc nơi suối vàng”.

Cuối cùng, ông Tâm đưa ra năm tấm hình của năm đứa trẻ khác nhau, rồi yêu cầu vợ chồng ông Hai Văn nhận diện. Không ai bảo ai, vợ chồng ông cùng chỉ tay vào hình của Stacy: “Đây là cháu tôi”.

Một tuần sau, Stacy cũng đã gục xuống khóc khi đọc đến những dòng này trong báo cáo tìm kiếm của ông Lê Cao Tâm. Con người lý tính trong cô biến mất: Stacy quyết định rằng chính mình sẽ đến gặp gia đình ông Hai Văn.

Cuộc tìm kiếm gian nan cuối cùng đưa đến một nấm mộ. Bà Điệp đã không chờ được ngày gặp lại con gái ruột của mình. Khoảnh khắc đoàn tụ, Stacy quỳ bên mộ mẹ trong nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, cô thắp nhang. Lần đầu tiên trong đời, cô hóa vàng.

“Khói nhang đưa lời của con đến mẹ, còn vàng mã là quà con gửi mẹ” - ông Tâm giải thích bằng thứ tiếng Anh dễ hiểu cho Stacy. Cô càng khóc nấc hơn, ôm chặt đôi dép, kỷ vật cuối cùng mà gia đình còn giữ lại của bà Điệp vào lòng.

Stacy Thúy đã trải qua một tuổi thơ đầy cay đắng trên đất Mỹ. Cha nuôi cô là một cựu phi công đã tham chiến tại Việt Nam, và chính Stacy cũng phải đặt câu hỏi rằng liệu việc nhận nuôi cô có phải chỉ là một sự ăn năn hay không.

Suốt thời bé, cha và anh nuôi liên tục đánh đập cô và tuyên bố rằng “mày là quỷ dữ, không ai cần mày ở đây”.

“Tôi không bao giờ hiểu tại sao. Nhưng những vết sẹo đó sẽ không bao giờ lành” - cô viết. Stacy từng tự sát nhiều lần, và lần đầu tiên là khi cô mới 8 tuổi.

Ngọc Anh (Tổng hợp)