Dòng sự kiện:

Mẹ 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam chia sẻ bí quyết giúp con thích viết văn

Phan Hồ Điệp
13:17 05/04/2017
Theo chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam thì có thể con sẽ không viết được những bài văn “như mẫu” nhưng con thích viết là ổn.

Chủ đề 1: Quan sát và ghi chép lại những điều đã quan sát.

Thói quen quan sát nên hình thành cho con từ nhỏ. Hãy biến nó thành một trò chơi. Và bạn có thể chơi cùng con ở bất cứ đâu, bất cứ con đường nào đi cùng nhau.

Sức mạnh của quan sát là biến những thứ rất bình thường trở nên lạ lẫm, mới mẻ.

Bây giờ mình lấy ví dụ về việc quan sát nhé.

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam - Phan Hồ Điệp. Ảnh: FBNV

Bạn đi cùng con vào nhà hàng. Hãy đề nghị: Mẹ và con chơi trò chơi này được không: Con có 3 phút để quan sát tất cả nhà hàng, một cách thật cẩn thận. Nhớ phải quan sát kĩ đó, sẽ có nhiều câu hỏi khó ( kèm theo là một nụ cười bí ẩn).

Rồi, giờ con hãy nhắm mắt lại ( trẻ rất thích trò chơi kiểu “nhắm mắt- mở mắt”) và mẹ sẽ hỏi nhé:

Nhà hàng có mấy cửa sổ?

Cửa sổ màu gì?

Biển tên của nhà hàng ở chỗ nào?

Chung quanh có đông đúc, ồn ào không? Nhà hàng có mở nhạc không? Loại nhạc gì?

Quầy thanh toán tiền đặt ở đâu?

Nhân viên trong nhà hàng có mặc đồng phục không?

Bàn ăn của nhà hàng có khăn trải bàn không? Có đặt sẵn bát đũa lên bàn không?

Con có thấy những tán cây bên ngoài cửa sổ không? Con có biết đó là loại cây gì không?

Màu sắc chủ đạo trên các bức tường của nhà hàng là gì?

Nhà hàng có đông khách không? Có bàn nào có khách đang ăn không?

Bạn cứ để bé trả lời, không cần chính xác cũng được nhưng bé sẽ hình thành thói quen để ý, ghi nhận những sự vật quanh mình.

Phần thưởng cho những câu trả lời này là bé sẽ được gọi món ăn mình thích. Mình tin chắc là bé sẽ rất hứng thú.

Như vậy, chỉ cần trong lúc ngồi chờ đồ ăn đến là bạn đã có một bài học cho con rồi phải không bạn?

Thỉnh thoảng, bạn hãy đổi vai, để trở thành người quan sát và con là người đặt câu hỏi.

Và thật tuyệt nếu như khi về nhà, bạn khuyến khích con viết lại điều mà con đã quan sát được.

Khi đó, con chỉ cần xếp lại các câu trả lời, thêm một vài ý nêu lên tâm trạng của mình, ví như: Có thích nhà hàng đó không? Các món ăn ở đó thế nào? Có muốn quay lại đó thêm một lần nữa không?... Thế là thành một “đoạn văn” không hề tệ rồi.

Nếu bé đang học tiếng Anh, hãy cố gắng viết cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Bạn ơi, hãy biến những điều rất bình thường ở xung quanh thành bài học thú vị cho bé.

Bạn cứ thử bỏ ra ít phút, cùng con tập luyện, cùng con quan sát: một đoạn đường đi, siêu thị, nhà hàng, chợ, bến xe, sân trường, lớp học, khu vui chơi… tất cả đều sẽ trở thành một bài viết đáng yêu.

Viết vui mà, không khó đâu- luôn nói với con như vậy. Bạn sẽ truyền năng lượng tích cực cho con....

Nguồn: Gia đình Việt Nam