Dòng sự kiện:

Mẹ 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị cho con vào lớp 1

Phan Hồ Điệp
12:55 24/02/2017
Chị Phan Hồ Điệp vừa chia sẻ nhiều điều đang lưu ý và nên tránh với các mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1.

1. Chọn trường:

Theo mình nên suy nghĩ về những vấn đề sau:

- Kinh tế gia đình: Bạn có thế nào, chọn trường phù hợp thế ấy. Cố một chút thì được mà cố nhiều thì không nên. Vì đơn giản là khi bạn ‘cố”, bạn sẽ không thoải mái và con bạn sẽ cảm nhận về điều đó. Chưa kể, lúc nóng giận, bạn sẽ kể lể: Bố/ mẹ vất vả để cho con học trường tử tế, thế mà con học hành chẳng ra sao... Trẻ sẽ thấy áp lực vì điều đó.

- Giao thông: Suy nghĩ xem việc cho con đi lại có bất tiện không, có ảnh hưởng đến sức khỏe của con không?

- Mục tiêu của gia đình: Bạn thích con học kiểu nhẹ nhàng hay học kiểu “nghiêm ngắn”, học kiểu “tự do” hay kiểu “quy củ”?... Bạn nên cân nhắc để quyết định môi trường tư thục hay công lập.

- Những cảm nhận đầu tiên của bạn khi đến trường: Điều này cũng giống như khi bạn đi xem nhà. Cái cảm giác lần đầu tiên bạn bước chân vào nhà bạn thấy ấm áp, thân thiện hay ngột ngạt, bí bách… Cảm nhận của bạn khi đến trường cũng rất quan trọng. Bạn nên tự đặt câu hỏi: Mình có cảm giác vui vẻ, an toàn, yên tâm khi cho con học ở đây không? Và hãy hỏi cảm nhận của con nữa.

- Cố gắng dành thời gian để đứng yên lắng nghe và quan sát những việc nhỏ nhặt, ví dụ cách cô giáo cho các con ra về, giờ chào cờ của trường… Bạn sẽ thấy có phù hợp với những điều mình mong muốn hay không.

Nếu bạn không thể cho con học ngôi trường mà bạn mong muốn vì lí do gì đó, bạn đừng buồn. Trường nào cũng có những học sinh tốt hoặc chưa tốt. Hãy nhớ câu này: Trong một đội bóng tồi, không ai cấm anh trở thành một cầu thủ tài năng.

Chị Phan Hồ Điệp - mẹ của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam.

2. Có nên cho con học trước không:

Mình nghĩ là không. Với lí do như mình đã nói là: Con học trước sẽ tước đi của con sự háo hức với việc học. Và dù có học trước, chỉ sau một học kì, cả lớp sẽ có trình độ ngang ngang nhau.

Nhưng không có nghĩa là học trước là “xấu”. Hãy nói chuyện với bé về điều đó, rằng mẹ rất muốn biết xem con đi học có khác điều con đã học không. Trong những thời gian khác, hãy tận dụng để bé mở rộng kiến thức đã học.

3. Chuẩn bị gì cho con khi vào lớp 1:

- Tâm thế: Điều này quan trọng nhất. Hãy thể hiện rằng, bạn rất mong chờ đến “sự kiện trọng đại” là ngày con vào lớp 1. Hãy nói cho con nghe về nhà trường, về cô giáo, về bạn bè. Và nhớ đi cùng con ngày tựu trường.

- Rèn các kĩ năng tiền học đường: cách cầm sách, cầm bút, cách ngồi học đúng tư thế...

- Chuẩn bị một số quy tắc cho việc đi học: trước khi con vào học khoảng 3 tháng, hãy tạo dựng thói quen con dành ra 20-30p mỗi ngày ngồi vào bàn học. Dạy con cách chào hỏi thầy cô, cách chơi với bạn ( khác với mẫu giáo), dạy con cách xử lí những điều không như mong muốn (khi bị bạn bắt nạt thì làm thế nào), hướng dẫn con cách nêu ý kiến, cách bày tỏ quan điểm…. Những điều này còn quan trọng hơn việc dạy con đọc và viết, mình nghĩ thế.

4. Những điều bố mẹ cần tránh:

- Bình luận không tốt về cô giáo hoặc trường học: Đừng than thở: Thôi, mình không có tiền, mình cho con học trường làng vậy. Hoặc sao cô giáo gì mà chán thế!

- So sánh con với bạn khác: Ôi, con mình còi nhất lớp/ Cả lớp có mỗi con mình biết nói tiếng Anh… Rồi liên tục hỏi con: Bạn bên cạnh con biết đọc chưa? Cô chỉ phát phần thưởng cho con hay cho bạn nào nữa?... Tất cả những điều đó không có lợi cho việc hình thành tính cách của con.

- Răn đe con về việc đi học: Cứ chơi lắm vào đến lúc đi học biết tay/ Vào trường rồi cô giáo “trị” cho, chứ bố mẹ bất lực rồi…

- Quát tháo con mỗi khi học bài.

5. Điều gì là quan trọng:

- Tạo cho con hứng thú học tập, nuôi dưỡng niềm đam mê học tập, tạo dựng cảm giác hạnh phúc khi đến trường của con- điều đó là quan trọng nhất. Việc học là lâu dài, rất lâu dài. Đừng để bé sợ học ngay từ vạch xuất phát.

- Dạy bé một số nguyên tắc của trường học, ví dụ ngồi học ngay ngắn.

- Hãy học cùng con nhưng cố gắng giúp con có khả năng TỰ HỌC, có thói quen mở rộng những điều mình đã học được ở trường học. Không có thời điểm nào tốt hơn lúc bé bắt đầu lớp 1 để cả nhà cùng xây dựng thói quen này. Ví dụ, bé học về vần “ai”, hãy đố nhau tìm từ có chứa vần, đặt câu, hát bài hát chứa tiếng có vần này. Bé sẽ thấy, à, hóa ra học đâu chỉ phải là cuốn sách giáo khoa. Vào thời điểm này, bạn cũng có thể dạy bé làm quen với công nghệ, ví như bé bắt đầu biết viết, có thể hướng dẫn bé tạo những văn bản từ máy tính. Hãy làm “thi vị” việc học bằng việc nhờ bé làm bưu thiếp, làm sổ tay, viết thư, làm thơ… Nói chung chỉ cần dành 20-30 phút mỗi ngày là bạn sẽ có một người bạn chơi chính hiệu trong nhà.

- Đừng ngại nói quan điểm của mình với cô giáo, đừng giữ những “ấm ức: trong lòng: Thực ra các cô cũng chỉ là “người trần mắt thịt”, các cô không phải là siêu nhân nên cũng có nhiều sai sót. Khi bạn thấy cô có những gì chưa thật tốt, bạn nên góp ý một cách nhẹ nhàng và văn minh ( mình hay dùng cách viết thư). Đừng lo vì thế mà cô sẽ “trù”. Còn nếu có chuyện đó thật, hãy tìm cách “đấu tranh” cho con và bạn bè của con một không gian an lành ngay từ ngày đầu đến lớp.

- Cả bố và mẹ cùng gắn bó với ngôi trường của con, lớp học của con. Đối với con trẻ, điều đó là hạnh phúc và niềm hãnh diện. Nhiều ông bố phó thác việc học hành của con cho mẹ đến nỗi không biết con học ở đâu, mình nghĩ là không nên.

- Tạo dựng thói quen trò chuyện với con về trường học, lớp học, bạn bè. Nếu bạn không làm vào thời điểm này, khi con mới đi học, con sẽ dần không có nhu cầu bộc lộ chia sẻ với bố mẹ. Nên hãy hỏi tỉ mỉ, thật tỉ mỉ, hãy đọc những niềm vui trên khuôn mặt con, cả những thất vọng, sự hào hứng, sự mệt mỏi… cẩn thận và chăm chú, bạn nhé.

Nguồn: Gia đình Việt Nam