Dòng sự kiện:

Mẹ Việt “ngược đời”: Sao cứ gọi là ăn Tết mà không là chơi Tết?

03:52 10/02/2016
“Gần Tết mình vẫn hay nhận được những lời hỏi thăm: Năm nay ăn Tết to không? Tại sao cứ phải là “ăn” nhỉ?” - chị Thu Hà đặt vấn đề.

Tin liên quan

  • Tôi đã dạy con sống trách nhiệm thế nào?
  • Dạy con cháu thế nào về tục lệ nhận lì xì?
  • Dạy con từ thuở còn thơ: Con khóc, dỗ hay không?
  • Đọc “thư cuối năm” và “nể” cách dạy con của bố mẹ Nhật Nam
Chị Thu Hà là một nhà báo, có hai con đang sống tại TP HCM. Chị kể mình là con gái miền Bắc, làm dâu miền Bắc, nhưng đã từng nếm những cái Tết suốt mùng ngập mặt trong cỗ bàn bát đũa phục vụ cúng kiếng vô cùng phức tạp.

“Đã từng vác bụng bầu đi 2000 cây số về quê ăn Tết, đã từng đứng nấu ăn và ngồi rửa chén gần như từ sáng tới tối.

Đã từng có những ngày tết ở SG, khi 2 con còn nhỏ nhít, người giúp việc về quê, chồng đi tất niên công ty, chúc Tết đối tác, quà Tết cho họ hàng suốt tới tối 30 mới về tới nhà, luôn chỉ đạo từ xa, rằng thì là trái cây phải đủ ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, gà phải tự đặt làm để đầy đủ cả lòng mề, xôi phải tự nấu cho tinh tế, vàng mã phải đúng bộ, cúng kiếng phải lớp lang quy củ, cá chép phải phóng sinh tại sông Sài Gòn chứ không phải thả xuống kênh Nhiêu Lộc!... Trong lúc hai con, một mới đi lẫm chẫm, một mới biết bò...

Nhớ triền miên những ngày Tết, hông bế Sim, tay dắt Xu, đứng nhìn mâm nhậu ngổn ngang bát chén bừa bộn dưới sàn, nhìn đoàn thanh niên trai tráng nhậu xong thản nhiên nổ máy phóng xe đi, chỉ muốn chảy nước mắt...” – chị Thu Hà kể.

Chị tâm sự: “Thế rồi, cái Tết đầu tiên của cuộc sống đơn thân, ở 1 căn gác trọ bé tý khoảng 20 mét vuông, mình ốm vặt vẹo ho mấy tháng liền không khỏi, Xu nằm sốt thiêm thiếp bên cạnh. Ốm buồn là 1 nhẽ, nhưng sợ nhất là ánh mắt đau xót của những người thân tới chúc Tết. Sợ nhất là nhìn thấy mình đang - bất - hạnh trong mắt những người thân.

Ngay Tết sau, tự nhủ sẽ không bao giờ ăn Tết ở nhà khi còn chưa lành vết đau”. Và kể từ đó, chị không đón Tết như xưa mà thường cùng con đi du lịch.

Chị Thu Hà cho rằng, trẻ em thời nay quần áo, ăn uống đâu có thiếu thốn gì, có chăng cái thiếu chỉ là thiếu trải nghiệm. Vậy nên, mỗi chuyến đi có “bão táp” đến mấy chị cũng sẽ thường xuyên cho các con đi, vì “tuổi thơ của con ngắn ngủi lắm!”. Bài viết dưới đây của chị thể hiện quan điểm khá “ngược đời” so với nhiều người về Tết:

Tại sao cứ gọi là ăn Tết mà ko là chơi Tết?

Gần Tết mình vẫn hay nhận được những lời hỏi thăm: Năm nay ăn Tết to không?

Tại sao cứ phải là “ăn” nhỉ?

Tuy rằng chơi Tết nhiều khi không có nhàn hạ gì, nhất là với 2 đứa con nhỏ nhít. Quá mệt ấy chứ. Xu Sim thường ốm, ho, sụt ký sau ngày về. Còn mẹ là tổn hại tiền và "nhan sắc", da đen cháy và mặt đầy mụn, vêu vao cả ra.

Mệt từ khi xếp đồ vào valy. Ví dụ đi biển, là phải có áo tắm, kiếng bơi, áo phao các loại, khăn khố nhiều thứ dùng vào nhiều thời điểm. Có áo lạnh, áo nắng, dép lê, giày, tới kem chống nắng, chống muỗi, tới ngoáy tai, rồi thuốc từ đau bụng tới nhức đầu… 

Cả 3 mẹ con đều say xe nên sẽ có cả cam quýt gừng chống ói, có túi đựng ói, có khăn áo thay giữa đường cho cả mẹ lẫn con… Cả 3 mẹ con khó ngủ, còn phải mang theo vỏ gối, mền quen, rồi thuốc ngủ, Xu Sim còn mang theo cả gấu bông… Ba lô lớn, ba lô nhỏ nhưng thể nào tới khi đụng việc cũng phát hiện ra quên 1 số thứ đáng kể và thừa 1 số đáng kể các thứ khác.

Có chuyến, xe dừng thì quần áo của mẹ cứng đét vì con ói vào rồi khô lại. Có chuyến 2 đứa 2 bên, cứ quay sang đứa này đỡ, chưa kịp lau dọn đã phải quay sang đứa kia, thay khăn thay áo mấy lần.

Giờ thì "lành nghề" rồi. Say hoài chán say rồi! Năm nay lên xe cả 2 đứa cứ cười tươi hơn hớn. Về quê, gặp nhiều nhà, vì con say xe mà không dám cho con đi chơi xa. Tiếc lắm, tôi cứ giục, kệ, say kệ say, đi hoài rồi cũng hết à.

"Đi cả ngày chỉ để nhìn mấy con cá. Đi cả ngày chỉ để nhìn mấy cái cây. Không chán à?" Không! Chán làm sao được. Đi đâu phải chỉ để coi, đi để chơi nữa mà. Tuổi thơ của con ngắn ngủi lắm. Không tranh thủ làm thân với nó đi, rồi tới hồi nó lớn, nó chả kể chuyện học hành, làm ăn, yêu đương, vấp ngã... của nó cho mình nghe nữa thì sao? (Hè hè, có âm mưu hết cả đấy)

Quần áo, ăn uống giờ tụi nhóc đâu có thiếu. Có chăng tụi nó chỉ thiếu trải nghiệm và thiếu… mẹ. Những chuyến đi như thế này, những giờ phút bên nhau là hoàn toàn, là 100%. Mẹ không mắt trước mắt sau lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, check mail, lướt net... như ở nhà. Xu, Sim, 9 tuổi và 7 tuổi nhưng về quê ngoài Bắc tới 10 lần, đi biển, đi leo núi, đi rừng, khám phá hang động... đi suốt. Ba mẹ con ở một căn hộ nhỏ, chạy một cái xe máy xoàng, nhưng tôi luôn tự phong rằng mình đủ giàu có, cả về thời gian và tiền bạc, để cho con những chuyến đi! Bỏ lỡ ối dự án, tiền đi chắc cũng mua được ôtô đấy, nhưng kệ, Xu Sim cần đi chơi với mẹ hơn cần ôtô!

Về quê luôn luôn tuyệt vời, và đi du lịch tới một nơi mới cũng rất hay.

Những lần tới thăm những bản làng nghèo khổ, lạc hậu khủng khiếp trên vùng núi cao, tôi cứ nghĩ phải chăng do họ ít đi quá? Nếu giúp đỡ họ, nên chăng mình thay cho tiền thay cho gạo bằng cách tổ chức những chuyến đi? Biết đâu sau những chuyến đi họ sẽ tự muốn thay đổi tập quán sinh sống?

Túm lại, mọi chuyến đi đều đáng giá. Với Xu Sim, đi để con được choáng ngợp trước đại dương mênh mông... rung động trước một cánh đồng xanh mướt... hồi hộp ná thở trước những rặng núi hùng vĩ... Đi để con biết mùi mặn của mồ hôi, mùi gió ngai ngái trước cơn dông… đi để con biết kết nối với quê hương, kết nối với người lạ, thử những món chưa từng ăn. Đi để con biết cách leo núi, lội ruộng, luồn hang, đốt lửa, nấu cơm, sơ cứu vết thương... Đi để khi trở về con thấy yêu thêm cái nhà nhỏ của mình.

Tại sao người ta phải bỏ cả đống tiền, khổ sở đày ải để leo lên đỉnh Everest? Tại sao người ta phải luyện tập thể lực cả tháng trời rồi đáp máy bay tới VN, mò mẫm trèo đèo lội suối để tới hang Sơn Đoòng? Cảnh đẹp chỉ là một phần. Quan trọng là cái thú vị của quá trình chinh phục và khám phá. Sống là phải được nếm trải cảm giác sung sướng không thể diễn tả của khoảng khắc "A ha, ta đã làm được!". Nó đã lắm . Không ngôn từ nào tả được!

Mấy mùa Tết gần đây nhà mình sắm tết chỉ khoảng vài trăm ngàn. Dọn tủ lạnh và thùng rác thật sạch để có thể đi 10 ngày về không bị bốc mùi. Lên đường!

Những chuyến Đi, luôn luôn tốt hơn! Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn. Dù với ngàn năm văn hóa lúa nước, ông bà mình khá là lười dịch chuyển thì cũng phải công nhận “đi một ngày đàng học một sàng khôn” cơ mà!

Khá nhiều người đồng tình với quan điểm "chơi Tết" khác truyền thống của chị Thu Hà. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người không đồng tình với quan điểm này của chị Thu Hà. Facebook An Nhiên bày tỏ: “Em đồng tình với chị ở cách dạy con, nhưng riêng chuyện Ăn và Chơi tết này thì em không đồng tình lắm.

Tết là dịp tất cả mọi người quây quần tụ họp, ăn uống gặp mặt, đó là tập tục bao đời đã vậy. Mình chơi Tết, cũng không sao, nhưng cái dịp thiêng liêng, tất cả quây quần bên nhau ấy lại lang thang ngoài đường chơi Tết, em nghĩ có hợp lý không? Có Tây hoá 1 cách thái quá không?

Tết là dịp cả nhà sum vầy cơ mà, ừ thì Tết không phải vất vả cỗ bàn mà 1 mình đi chơi thì thích thật đấy, nhưng những giây phút vất vả kia, đổi lại ta được những giờ phút ấm cúng bên gia đình, thế thôi, với em vất vả mấy cũng được. Có những thứ cần thay đổi, nhưng có những thói quen, tập quán đáng quý lâu đời (Tết con cháu về quê thăm cha mẹ ông bà, quây quần ăn Tết) em nghĩ cần được lưu giữ, trân trọng, chứ không phải vì đề cao chủ nghĩa cá nhân mà mai một vậy”.

Hay, Facebook Tường Nguyễn Mạnh chia sẻ: Tuỳ thời điểm mà quyết định "ăn Tết" hay "chơi Tết". Như mình còn bố mẹ già, ốm đau không đi chơi được thì sẽ luôn là về quê "ăn Tết" với các cụ, còn sau này sẽ chuyển sang "chơi Tết" xách balo lên đi du lịch. Nên việc gì cũng có 2 mặt , chớ nhìn "con nhà người ta”. 

Nguyên Vũ

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Xem thêm clip: [mecloud]qbuCCnq6C9[/mecloud]