Dòng sự kiện:

Mẹo để con không bức xúc vì bị 'tịch thu' lì xì mà có thêm bài học

Theo Gia đình mới
19:40 27/02/2018
Sau Tết, nhiều bố mẹ trăn trở việc sử dụng lì xì của con thế nào cho hợp lý và không khiến con bức xúc vì bị tịch thu lì xì. Giải pháp dưới đây sẽ giúp cả nhà thoải mái và con cũng trưởng thành không ngờ.

Trên đường, tôi gặp hai mẹ con đang rảo bước. Cậu bé liên tục níu áo mẹ khóc: "Mẹ ơi lì xì của con mà, của con mà...!" khiến mọi người đều chú ý.

Người mẹ trả lời: "Lì xì rơi vào thùng rác rồi, đừng khóc nữa!".

Cậu nhóc càng khóc: "Mẹ nói dối, ở nhà cô Lam mẹ bảo là giữ hết lì xì hộ con, không đưa cho con tiêu còn gì..."

Còn một chuyện hài hước không kém về lì xì. Một nhà kia, mẹ giao hẹn, nếu được mừng 50 nghìn thì mẹ giữ, được 10 nghìn thì cho con tiêu.

Vì vậy, khi được khách mừng 50 nghìn, cậu bé nài nỉ đổi lấy 10 nghìn để mình được dùng.

Vì vậy, sau Tết, việc dùng lì xì của con thế nào cho hợp lý là vấn đề khiến nhiều gia đình quan tâm. Nếu tịch thu lì xì, con sẽ bức xúc vì không được cầm tiền của mình. Ngược lại, nếu để con cầm, cha mẹ sợ con không biết quản lý, tiêu pha lãng phí.

Vậy tại sao trẻ em không thích bị tịch thu lì xì?

Khi một đứa trẻ nhận thức được về tiền bạc, con sẽ không muốn bị bố mẹ giữ lì xì của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng một chút là hoàn toàn thấy dễ hiểu.

Khi đưa con đến nhà người thân chúc Tết, các bác mừng tuổi con và nói: "Mừng tuổi để con chóng lớn nhé! Bác lì xì để con mua bánh kẹo với đồ chơi!.."

Vậy là con rất vui, tưởng tượng sẽ dùng tiền để mua món đồ chơi mình hằng yêu thích. Ai ngờ vừa về đến nhà, mẹ lại bảo lì xì không phải của con, đưa lại cho mẹ.

Chẳng phải nếu là bạn lúc nhỏ, cũng sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí tổn thương sao? Có thể trong đầu con còn nghĩ rằng: "Bố mẹ bắt nạt, lấy lì xì của mình".

Theo tâm lý học, có một thuật ngữ gọi là "Ác cảm mất mát". Ví dụ một người mất 200 nghìn so với nhặt được 200 nghìn biến động tâm trạng mãnh liệt hơn rất nhiều.

Con người vì đánh mất cái mình đã có mà đau khổ, ngay cả khi những món đồ đó bình thường bản thân cũng không dùng đến. Với trẻ em càng như vậy.

Ví dụ có những món đồ chơi em bé bình thường không bao giờ đụng tới. Nhưng đến một ngày nào đó, bạn bảo cho em, chúng sẽ vội vàng không đồng ý, khẳng định đó là đồ chơi của mình.

Việc bị thu lại lì xì cũng giống như vậy, nhất là khi con thậm chí đã vẽ ra cả viễn cảnh sẽ được mua sắm nhiều thứ với khoản tiền này.

Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để lì xì, hoặc tiền tiêu vặt của trẻ chia thành 3 phần. Với cách làm này, không những cha mẹ giúp con cảm thấy được tôn trọng, được cầm lì xì của mình, mà còn giúp con trưởng thành về mọi mặt.

1. Tiết kiệm

Quan điểm về việc tiết kiệm tiền với cha mẹ phương Tây là một điều quan trọng trong cuộc sống. Vì việc tiết kiệm liên quan trực tiếp tới cuộc sống ổn định, gần giống quan điểm "an cư lạc nghiệp" của chúng ta.

Một trường học ở Mỹ có tên gọi Walter Bracken STEAM đã biến một văn phòng thành "Ngân hàng trường học".

Cách hoạt động của nó cũng gần giống như ngân hàng thông thường, nhưng chỉ để phục vụ học sinh của trường. Học sinh có thể gửi tiết kiệm, cả hưởng lãi. Mục đích của trường là bồi dưỡng khả năng quản lý tài chính cho trẻ em từ nhỏ.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có hình thức này, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể trở thành "Ngân hàng" cho con.

Có một trường hợp thú vị là một cô gái khi đóng tiền học ở đại học, đã tự hào khoe tiền học chính là tiền lì xì của mình. Điều này khiến nhiều người kinh ngạc, vì tiền học ở trường của cô không phải là con số nhỏ.

Hóa ra từ nhỏ, bố mẹ đã khuyến khích cô bé tiết kiệm tiền lì xì để sau này dùng đi học. Hiện nay, rất nhiều gia đình Việt Nam cũng đã áp dụng cách làm này với tiền lì xì của con.

Số tiền lì xì của con mỗi năm có thể không quá cao, nhưng đợi đến khi con 18 tuổi, đi học đại học hoặc đủ tuổi tự kiểm soát tiền bạc của mình, đó sẽ là con số không nhỏ.

2. Có kế hoạch chi tiêu

Bên cạnh việc tiết kiệm tiền, việc dạy trẻ cách tiêu tiền cũng hết sức quan trọng. Vì nếu không biết chi tiêu hợp lý, rất dễ dẫn đến những thói quen không mong muốn, lãng phí.

Việc chi tiêu của trẻ cũng phải lên kế hoạch từ đầu. Chẳng hạn số tiền được đưa ra hàng tuần, hàng tháng. Bạn khuyến khích con ghi lại các khoản chi tiêu.

Ghi chi phí cho những lần ăn uống, mua đồ chơi, dụng cụ học tập.Sau đó cha mẹ sẽ cùng xem, cái nào đúng, cái nào không cần thiết để con có định hướng, tránh lãng phí.

Đây cũng là một quá trình luyện tập và rèn luyện lâu dài, giúp con có ý thức về chi tiêu, là điều quan trọng về sau này.

3. Quyên góp từ thiện

Nếu 2 cách dùng lì xì trên giúp con có ý thức về quản lý tài chính, thì yếu tố thứ 3 này sẽ giúp con phát triển nhân cách, có một trái tim ấm áp.

Bố mẹ hãy khuyến khích con trích một phần lì xì của mình để ủng hộ những người khó khăn, hoặc mua vật phẩm cụ thể tặng các bạn khó khăn.

Hiện tại có rất nhiều hình thức làm các công việc thiện nguyện khác nhau mà cha mẹ có thể tham khảo để phù hợp với con cái. Con có thể góp các quỹ bảo vệ môi trường thiên nhiên, hay góp tiền mua thức ăn cho động vật hoang...

Có một câu chuyện giản dị mà ấm áp như thế này. Một em bé khoảng 4 tuổi đang kéo xe đồ chơi của mình trên đường. Một em bé ăn xin tầm 2, 3 tuổi đuổi theo.

Lúc đầu thấy bị đuổi theo như vậy, cậu bé 4 tuổi rất sợ hãi, tưởng em bé kia đuổi theo mình. Sau mọi người mới hiểu em bé chỉ thích xe ô tô đồ chơi.

Về nhà người mẹ đã khuyến khích con trai trích một phần tiền lì xì mua một chiếc xe nhỏ, mới cho em bé.

Với trẻ em dưới 5,6 tuổi, việc tiết kiệm có thể là chủ yếu vì lúc này con chưa có ý thức rõ về việc tiêu tiền. Còn sau đó nên khuyến khích hành vi tiêu tiền và làm thiện nguyện.

Nguồn: Gia đình Việt Nam