Dòng sự kiện:

Minh Trang, Trung Nghĩa điểm danh 3 lỗi sai bố mẹ thường mắc khi kỷ luật con

19:13 26/01/2018
Bố mẹ cần phân biệt được 'kỷ luật' và 'trừng phạt' trước khi đưa ra hình thức xử lý lỗi sai của bé.

Mục đích của việc dạy dỗ hay kỷ luật là giúp trẻ hạn chế những hành vi sai. Tuy vậy, nếu áp dụng kỷ luật sai phương pháp, bé có thể phản ứng tiêu cực bằng cách "xù lông", thực hiện hình phạt đối phó hoặc trở nên lì lợm, ương bướng hơn. Xuất hiện trong buổi thảo luận về chủ đề Kỷ luật tích cực diễn ra chiều ngày 25/1 tại Hà Nội, MC Minh Trang, BTV Trung Nghĩa và Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Bích Hà (Bác sĩ bệnh viện E) đã chỉ ra những lỗi sai cơ bản bố mẹ thường mắc phải trong việc kỷ luật con.

MC Minh Trang là hot mom được nhiều 'mẹ bỉm sữa' yêu thích.

1. Kỷ luật con trước mặt mọi người

BTV Trung Nghĩa, bố của cặp sinh đôi Ga và Bon, từng phạt con úp mặt vào tường ngay tại trung tâm thương mại. Khi một trong hai bé bị phạt, bé còn lại tỏ thái độ "hả hê", thậm chí thêm lời: "Ba phạt anh Ga đi!", "Ba ơi, bắt em Bon úp mặt vào tường"... Ông bố nổi tiếng gọi việc kỷ luật con ở chốn đông người là "công chúng hóa lỗi của trẻ", có thể khiến bé phản ứng tiêu cực như "xù lông" với bố mẹ, miễn cưỡng thực hiện hình phạt hoặc trở nên ương bướng hơn.

Sự việc kể trên đặt ra cho BTV Trung Nghĩa câu hỏi nên hay không nên phạt con trước mặt bạn bè, người thân hoặc thậm chí là những em nhỏ kém tuổi bé. Thay vì sử dụng biện pháp mạnh, có giải pháp để bé hợp tác với tâm trạng tích cực.

2. Không phân biệt được trừng phạt và kỷ luật

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hà cho rằng nhiều bậc phụ huynh đang nhầm lẫn giữa "kỷ luật" và "sự trừng phạt". Trong tiếng latin, kỷ luật có nghĩa là "learning" (học tập). Bố mẹ áp dụng kỷ luật để giúp con nhận lỗi và sửa lỗi, chứ không phải trừng phạt. Khi trẻ làm vỡ chiếc cốc, thay vì quát nạt, các bậc phụ huynh hãy từ tốn hỏi con: "Tại sao con làm vỡ chiếc cốc?", "Con nên cầm/đặt chiếc cốc thế nào để không bị vỡ ở lần sau?".

Theo bác sĩ Hà, việc phụ huynh trừng phạt nghiêm khắc có thể khiến con rơi vào tâm lý sợ hãi, thậm chí phát sinh thói quen nói dối khi mắc lỗi. Để áp dụng kỷ luật hiệu quả, bố mẹ cần quan sát mọi biểu hiện của con, hiểu rõ tâm lý, tính cách của từng bé để có phương án dạy dỗ phù hợp.

MC Trung Nghĩa cho biết thêm, việc trừng phạt con giúp bố mẹ chấm dứt hành động sai của bé ngay lập tức, nhưng không có hiệu quả lâu dài vì bé sẽ "nhờn đòn" hoặc phụ huynh phải liên tục tăng mức độ nặng của hình phạt. Những lúc cặp sinh đôi Ga, Bon không nghe lời, anh hay kể cho con về những tấm gương gần gũi với các bé. Buổi tối trước khi đi ngủ, Trung Nghĩa rủ con: "Có ai muốn đi đánh răng sạch giống chị Daisy không nào?" (Daisy 5 tuổi, là con gái lớn của MC Minh Trang. Bé từng xuất hiện trong video livestream hướng dẫn đánh răng được phát trên trang cá nhân của mẹ). Ga và Bon hâm mộ chị Daisy nên nhanh chóng chạy đi lấy bàn chải rồi tự vệ sinh cá nhân mà không cần bố giục giã. 

BTV Trung Nghĩa có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy cặp song sinh Ga, Bon.

3. Đưa ra hình thức kỷ luật nhưng không thực thi

Hai con gái của MC Minh Trang, Daisy và Bơ, chưa có thói quen dọn dẹp sau khi chơi dù được mẹ nhắc nhở. Bà mẹ nổi tiếng nói: "Nếu các con không thu dọn, mẹ sẽ mang đồ chơi bỏ vào thùng rác hoặc mang tặng các bạn". Vậy nhưng, buổi sáng thức dậy, các con của Minh Trang vẫn thấy đồ chơi không bị mất. Hiểu là mẹ chỉ "dọa", Daisy và Bơ tiếp tục không dọn dẹp đồ đạc mỗi khi chơi xong.

BTV Trung Nghĩa xử lý tình huống này bằng cách "nói là làm". Anh tuân thủ mọi lời hứa với Ga, Bon và kiên quyết thực hiện những hình thức kỷ luật đã đưa ra. Ở nhà, ông bố hai con sắm riêng những chiếc kệ đựng đồ chơi bằng inox được quy định sẵn ngăn nào đựng máy bay, ngăn nào để lego... Sau khi chơi, Trung Nghĩa đứng "giám sát" các con thu dọn đồ chơi xong mới cho các bé chuyển sang hoạt động khác. Nhiều lần, cặp song sinh mất cả tiếng đồng hồ mới kết thúc việc dọn dẹp nhưng anh chấp nhận chờ đợi để rèn cho con thói quen tốt.

Mỗi lần mua đồ chơi, Trung Nghĩa cho các con tự lựa chọn món đồ chơi của mình để bé có trách nhiệm giữ gìn và thu dọn sau khi chơi.

Một điều bố mẹ cần lưu ý trước khi kỷ luật trẻ:

Nhiều khi bố mẹ yêu cầu con thay đổi, phạt con vì những lỗi khiến bố mẹ cảm thấy khó chịu, không hợp mắt chứ không hẳn vì lỗi đó có tác động tiêu cực. Vì vậy, lần tới, trước khi bố mẹ định nhắc nhở hay kỷ luật, phạt con, hãy cân nhắc đến các yếu tố sau:

1. Hành vi đó có gây ảnh hưởng đến người khác không?

2. Hành vi đó có để lại hậu quả đáng kể với sự phát triển của trẻ không? 

Nếu 1 trong 2 câu trả lời là "Có", bạn hãy kỷ luật. Còn nếu không, hãy dừng lại.

Theo Ngôi sao