Dòng sự kiện:

Mỗi đứa trẻ - một Einstein

Theo PNO
19:10 29/05/2017
Một đứa trẻ yêu cầu người lớn nghiêm túc lắng nghe mình là một chuyện bất thường. Đó phải là trách nhiệm của người lớn, phải biết lắng nghe con, chia sẻ và truyền cảm hứng cho con.

“Trẻ con thì biết gì!”

Khi học về quyền trẻ em, học sinh được đưa đến một xưởng cuốn nhang để trải nghiệm. Sau hai tiếng, bạn nhỏ nào cũng tê mỏi chân tay. Nỗi cực nhọc khiến các em thấm thía: “Bóc lột lao động ở trẻ em phải được bãi bỏ”. Từ đó, chính những học trò này lên tiếng thuyết phục người lớn từ bỏ ngay ý định sử dụng sức lao động trẻ em.

Các em nói: “Không phải cô giáo bảo thế mà chính con đã trải qua chuyện này”… Một học trò nêu phát kiến làm đồ trang sức bán để gây quỹ hỗ trợ bệnh nhi ung thư. Rủ thêm nhiều bạn chung tay thực hiện ý tưởng, nhưng, món trang sức nào làm ra của nhóm cũng… bị chê. Không nản, được giáo viên giúp đỡ, nhóm của cậu đi một vòng các cửa hàng trang sức, xem mẫu mã, chất lượng… Nhóm bắt tay làm lại và thành công.

Hai câu chuyện nói trên nằm trong số hàng ngàn sáng kiến và thành quả của học sinh Trường Riverside (Ahmedabad, Ấn Độ). Xây một con đường, sáng tạo hệ thống nước thải cho thành phố… các học sinh nơi đây khiến thế giới ngạc nhiên bởi nhiều việc làm “không tưởng”. “Trẻ con thì biết gì” - đó là cách người lớn hay “xem thường” trẻ em.

Nhưng, bà Kiran Bir Sethi - sáng lập và là Hiệu trưởng Trường Riverside quả quyết: “Đó là tinh thần “Tôi có thể” ở trẻ, một khả năng tiềm tàng bị bỏ qua. Thực tế, trẻ có thể đưa ra nhiều sáng kiến giúp thay đổi cộng đồng. Trên hết, qua đó trẻ hoàn thiện bản thân”.

Nằm trong top 10 nhà giáo dục thuộc Giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize), bà Kiran còn được biết đến là người sáng lập Design for Change (DFC - sáng tạo để thay đổi, hiện có mặt 50 quốc gia, sức ảnh hưởng 2,2 triệu trẻ em và 65.000 giáo viên) - phong trào lớn nhất thế giới về trẻ em tham gia thay đổi cộng đồng bằng sáng kiến của mình.

Mới đây, tham gia buổi ra mắt DFC Việt Nam (nước thứ 51 gia nhập mạng lưới DFC toàn cầu), bà Kiran đã dành cho báo Phụ Nữ cuộc trò chuyện thú vị.

Phóng viên: Xin bà cho biết về tinh thần của chương trình học “Tôi có thể” 

Bà Kiran Bir Sethi: Là một người mẹ, tôi luôn muốn cho con điều tốt nhất nên tưởng tượng cô giáo cũng sẽ yêu con như thế. Sau ba tháng con đi học, tôi đến gặp cô và hỏi thăm về con. Nhưng, cô nhìn tôi, vẻ mặt khó tả rồi hỏi mã số học sinh của con tôi là gì. Tôi sửng sốt. Thì ra chẳng có câu chuyện nào đằng sau con tôi ngoài một con số khô khan.

Trẻ em không phải thế, không nên được nhìn nhận như thế! Chúng luôn có tiếng nói và câu chuyện của mình. Bạn đã từng nghe rồi đấy, chúng hay nói những câu kiểu như: “Một người bạn của con đang buồn”, “Cái cây này sao lại chết”. Đó là thông điệp của chúng. Nếu được làm gì hay thay đổi điều này, chúng sẽ làm được. 

Bà Kiran nói về khả năng “Tôi có thể” của trẻ sau trò chơi xây tháp bong bóng

 Vậy trẻ sẽ bắt đầu “Tôi có thể” như thế nào, thưa bà?

- Trẻ sẽ bắt đầu với bốn bước: *

1- Cảm nhận (trẻ lắng nghe trái tim: quan sát lớp học, nơi mình sống để thấy điều gì làm phiền lòng và điều gì muốn thay đổi. Bước này cho trẻ sự đồng cảm, ý thức rằng tôi ở đây là một phần của cộng đồng); 2 - Tưởng tượng (trẻ nghĩ về thành công với những giải pháp cụ thể. Qua đó trẻ học được biết nhận trách nhiệm, không đổ lỗi, không than phiền); 

3 - Hành động (trẻ tự lên kế hoạch: cần có những gì, chi phí ra sao? Làm cách nào để có tiền, cần bao nhiêu người thực hiện, thời gian bao lâu. Trẻ học được cách giải quyết vấn đề từ đó); 4 - Chia sẻ (trẻ chia sẻ câu chuyện nhằm lan tỏa tinh thần qua buổi chào cờ đầu tuần hoặc một cuộc họp phụ huynh do chính trẻ xây dựng).

Ở Việt Nam, học sinh “hụt hơi” trước áp lực học tập; trong khi ở nhà, tiếng nói của các em không được lắng nghe. Tôi nghĩ sẽ khó để thực hiện tinh thần này...

- Trẻ hay tò mò, thắc mắc càng chứng tỏ năng lực này. Một khi chúng muốn hành động hay thay đổi điều gì, người lớn thường nghĩ “không được đâu”. Tôi khuyên, khi một đứa trẻ nói ra ý tưởng, phát kiến, chúng ta không nên bảo rằng: “Bận lắm!” hoặc nghe một cách qua loa. Hãy dành thời gian lắng nghe chúng nói gì, muốn gì. Hãy khơi gợi trẻ nêu ra các giải pháp bằng những câu hỏi như: “Theo con thì giải quyết chuyện đó thế nào?”.

Như bà thừa nhận, tiếng nói của các em vốn “yếu ớt”. Muốn ai đó lắng nghe hay chú tâm vào phát kiến của mình, trẻ cần làm gì?

- Một đứa trẻ yêu cầu người lớn nghiêm túc lắng nghe mình là một chuyện bất thường. Đó phải là trách nhiệm của người lớn, phải biết lắng nghe con, chia sẻ và truyền cảm hứng cho con.

Trẻ vốn có trí tưởng tượng phong phú, nhưng nếu bận bịu mải miết với những phát kiến rồi thực hiện nó, liệu có khiến kết quả học tập của trẻ bị ảnh hưởng? 

- Chúng ta không nên chú trọng dạy trẻ cái gì, mà dạy như thế nào. Ở trường chúng tôi, khi phát kiến của các em được thực hiện, hành trình đó đã cho các em nhiều bài học áp dụng trong tư duy những môn học khác. Nếu việc học tập diễn ra trong bối cảnh thế giới thực, ranh giới trường học và cuộc sống xóa nhòa; khi đó, trẻ sẽ có một cuộc hành trình về nhận thức.

* Quá tự do theo đuổi giải quyết, thực hiện phát kiến, rồi thành công, liệu các em có... ảo tưởng, tự mãn mà thiếu tôn trọng người khác?

- Tinh thần “Tôi có thể” cho các em bài học sự hoàn thiện nhân cách. Hơn thế, khi kể lại câu chuyện của mình, trẻ hiểu rằng đã góp phần lây lan những giá trị tốt đẹp học được.

* Xin cảm ơn bà! 

Nguồn: Gia đình Việt Nam