Dòng sự kiện:

Muốn con hạnh phúc hơn, hãy để con khóc!

Theo VNM - PL.XH
13:31 19/04/2017
Nếu nói về cảm xúc của một đứa trẻ, một cái kẹo bị cướp mất cũng thảm họa như một vụ đánh bom liều chết ở đâu đó trên thế giới.

1. Cảm xúc của con: Muốn con hạnh phúc hơn, bố mẹ đừng ngăn con khóc!

Những đứa trẻ con luôn giàu cảm xúc. Hạnh phúc với chúng rất đơn giản, và thảm họa cũng thế. Trong suy nghĩ của người lớn, việc một món đồ chơi bị giành mất hay một cái kẹo rơi đâu đó không là gì so với thế giới đầy khủng bố, tội phạm và đói nghèo - nơi những đứa trẻ khác không có nhà ở và đồ ăn.

Tuy nhiên, tâm trí của một đứa trẻ rất ngây thơ và hồn hậu – đó là một mảng trong trẻo mà người lớn chúng ta đã đánh mất từ lâu. Ánh mắt của chúng chưa thể nhìn thấy thế giới đói nghèo và đang bị tàn phá cũng như hàng loạt các tệ nạn, dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi. Ở trong thế giới không bị tổn thương của con trẻ, một món đồ chơi yêu thích bị mất cũng bi thảm như một vụ đánh bom giết người hàng loạt ngoài kia.

Khi người lớn nói với bọn trẻ “Đừng khóc nữa!”, chúng ta đang nói với chúng rằng cảm giác mà chúng đang trải qua là không đúng. Bạn đánh giá cảm xúc của lũ trẻ dựa trên nhận thức của mình và so sánh nó với những thứ mà tâm hồn chúng hoàn toàn không có khả năng năm bắt. Bạn đang gửi đến con thông điệp: “Cảm xúc của con không quan trọng.” Nói với con rằng nó đang khóc “chẳng vì lý do gì”, chỉ khiến con cảm thấy rằng những nỗi buồn mà con đang trải qua không xứng đáng để trào nước mắt.

Khi bắt con phải dừng khóc, bố mẹ đang gửi đi một thông điệp "Cảm xúc của con không quan trọng" (Ảnh: vanhocvatuoitre).

2. Hãy để con được diễn đạt cảm xúc của mình.

Khi còn là một đứa trẻ, ai cũng từng một lần nghe bố hay mẹ nói “Đừng có khóc mãi vì cái điều ngớ ngẩn ấy”, và mặc dù bạn đã hết sức cố gắng để ngăn những giọt nước mắt đang trào ra nhưng câu mắng đó càng khiến bạn khóc nhiều hơn. Bạn khi đó không thể hiểu được câu “Con có nín đi không hay phải để bố cho con một trận” là gì mà chỉ hiểu rằng “mình buồn quá và mình muốn khóc”. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn đã học được cách giấu đi những giọt nước mắt, áp chế cảm xúc của mình. Bạn hiểu được rằng, khi nào thì có thể khóc và khi nào thì không nên.

“Đàn ông thì không được khóc” hay “Chả có gì đáng phải khóc ở đây”…

Khi cha mẹ nói với con phải cảm thấy như thế nào và khi nào thì nên cảm thấy thế, cha mẹ đang dạy con chôn vùi cảm xúc thật sự của mình. Vấn đề của các “bài học” đó là, những cảm xúc bị đàn áp tạo nên một hố sâu không đáy đòi hỏi được bộc lộ trong tuyệt vọng. Cái hố này sẽ tồn tại trong suốt tuổi thơ và tuổi trưởng thành của bọn trẻ. Việc vô hiệu hóa cảm xúc của con cái khiến chúng khó hiểu và bực bội. Buồn bã khi bị chia ít hơn một cái kẹo hay vui mừng quá đỗi khi không phải ngủ trưa đều là những điều mà tâm hồn ngây thơ của một đứa trẻ nhận thức rõ rệt nhất, dù người lớn có thể thấy khó hiểu về điều này.

Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết người lớn đều cảm thấy xấu hổ khi khóc hay tỏ ra xúc động. Tuy nhiên, bản chất tự nhiên của con người là cảm nhận cảm xúc, bao gồm cả tức giận lẫn buồn bã. Có thể chúng ta cho rằng, cảm xúc mình đang có vào thời điểm đó thật ngớ ngẩn nhưng không có nghĩa rằng chúng ta có thể phủ nhận sự thật những gì mình đang cảm thấy, và chỉ có chúng ta mới hiểu được lý do thật sự tại sao ta cảm thấy như thế. Đơn giản, hãy cho phép mình được thả lỏng bản thân trong những cảm xúc thật sự của con người.

Hãy cho phép con bộc lộ cảm xúc thật của bản thân (Ảnh: suckhoetongquat).

Trẻ em khóc ở nơi công cộng ...

Đề nghị con ngừng khóc thường xảy ra ở nơi công cộng. Ở vai trò làm cha mẹ, bạn không muốn bị người ngoài đánh giá rằng bạn không biết dạy con hay không nói được con, thậm chí bạn còn cảm thấy xấu hổ khi tất cả mọi người đều ngoái lại xem điều gì xảy ra với con bạn và chờ đợi bố mẹ chúng xử lý như thế nào.

Thế nhưng, nếu ai đó thấy kì lạ với việc một đứa trẻ đang thể hiện cảm xúc của nó thì chính họ mới là người có vấn đề. Cho phép con mình thể hiện bản thân quan trọng hơn nhiều việc người xa lạ nào đó nghĩ về bạn.

Con trai khóc ...

Đây thật sự không nên là một vấn đề cần tranh luận. Con trai tất nhiên cũng khóc và khoa học đã chứng minh rằng con trai cũng là một con người với đầy đủ các cảm xúc buồn, vui, giận, hờn giống như con gái. Có một câu nói khôn ngoan rằng “Người đàn ông thật sự sẽ khóc”.

Thay vì yêu cầu trẻ ngừng khóc ...

Đầu tiên bạn hãy quỳ gối xuống hoặc ngồi xuống bằng với chiều cao của con. Biểu lộ sự đồng cảm với cảm xúc của con và nói với con rằng bạn hiểu lý do khiến con buồn bã. Giải thích cho con hiểu tại sao con không thể có món đồ chơi mà con thích hoặc tại sao bạn không hài lòng khi con ném đồ lung tung. Điều quan trọng là bạn cần phải nói chuyện với con một cách bình tĩnh, yêu thương và rõ ràng để con có thể hiểu được.

Nếu hiểu được cảm xúc của con, bạn sẽ có một đứa con hạnh phúc hơn và luôn tìm đến với bố mẹ mỗi khi cần chia sẻ (Ảnh: Vietnammoi).

“Con nghe này, mẹ hiểu rằng con buồn vì không được mua kẹo. Mẹ sẽ nói cho biết lý do tại sao mẹ không mua thêm nữa. Kẹo không tốt cho con một chút nào, nó rất ngon nhưng nó có thể làm con đau bụng. Chắc chắn thỉnh thoảng con sẽ vẫn được ăn kẹo nhưng mẹ không muốn con ăn quá nhiều vì mẹ muốn con có một sức khỏe tốt, để chạy nhảy, vui chơi cùng các bạn của con”.

Không thú vị chút nào khi phải nghe những tiếng la hét và khóc lóc, nhưng điều quan trọng nhất là bạn nhận thức được đó không phải là việc “xấu”. Nếu bạn thấy hành động của con không hợp lý, bạn chỉ cần im lặng và kệ con bộc lộ cảm xúc của chúng cho đến khi chúng bình tĩnh lại. Lúc đó, bạn có thể ôm và hỏi xem điều gì đã khiến chúng cư xử như vậy. Nhưng nếu tiếng khóc của con làm bạn căng thẳng, hãy đi ra ngoài hít thở sâu để kiềm chế sự bực bội của mình và quay vào sau.

Không dễ dàng gì để học cách xử lý này. Nó cần có thời gian thực hành, nhưng về lâu dài, bạn sẽ có một đứa con hạnh phúc hơn và không sợ hãi khi tìm đến với bố mẹ mỗi khi chúng cần. Cách tiếp cận này không chỉ giúp xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực, nó còn dạy cho trẻ nhỏ cách giải quyết tình cảm một cách lành mành.

Khóc là một phần của cuộc sống, chúng ta không cần phải giả vờ như không biết điều đó.

Nguồn: Gia đình Việt Nam