Dòng sự kiện:

Muốn làm bạn tâm giao của con ba mẹ hãy tránh 4 điều cấm kị này

Theo Phụ nữ Việt Nam
07:30 05/03/2017
Không giữ bí mật, hay 'lên lớp', từ chối lắng nghe con tâm sự, nổi giận trước điều con chia sẻ... sẽ khiến cha mẹ không thể là bạn tâm giao của con.

Người mẹ đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe con gái 14 tuổi của mình tâm sự rằng cô bé đã từ chối một buổi hẹn hò với cậu bạn mà cô bé rất thích, vì cậu ta không trực tiếp mời cô bé mà lại chuyển lời qua một người bạn khác.

Người mẹ nghĩ rằng điều đó cho thấy cô bé đã chững chạc hơn và chị muốn chia sẻ với chồng về điều đó. Nghĩ là làm, tối hôm ấy, chị đã kể với chồng về hành động của con gái trong niềm hoan hỉ, tự hào. Rất tiếc là lúc đó, cô con gái của họ, không hiểu vô tình hay cố ý, đã nghe thấy cuộc trò chuyện giữa cha mẹ. Và hôm sau, người mẹ nhận được tin nhắn của con với nội dung “Con đã muốn rằng bí mật đó chỉ có con và mẹ biết. Giờ thì con không biết là sau này con có thể tiếp tục tin tưởng vào mẹ nữa hay không”.

Rất khó để có thể làm cho trẻ, đặc biệt là trẻ ở tuổi vị thành niên, cởi mở và chia sẻ với cha mẹ về những gì chúng đang nghĩ. Đôi khi chính cha mẹ lại là những người vi phạm các nguyên tắc trong giao tiếp với con khiến trẻ mất niềm tin vào cha mẹ. Người mẹ ở câu chuyện trên đã mắc một sai lầm điển hình mà các bậc cha mẹ hay phạm phải, đó là “phản bội” lòng tin của con gái.

Muốn làm bạn với con, bố mẹ không được "phản bội" lòng tin của con trẻ. Sau đây là 4 sai lầm mà cha mẹ cần tránh nếu muốn trở thành bạn tâm giao của con:

Không giữ bí mật

“Chia sẻ áp lực nuôi dạy con cái với một ai đó là điều cần thiết, vì mỗi phụ huynh đều cần có sự hỗ trợ để làm tốt vai trò của mình”, ông Daniel Buccino, một nhân viên xã hội đến từ Mỹ, khẳng định. “Tuy nhiên, tiết lộ với người khác toàn bộ bí mật mà con chia sẻ với mình là một điều hoàn toàn không nên”.

Trẻ cần cảm thấy yên tâm về những bí mật mà chúng kể với cha mẹ, đặc biệt là những bí mật về chuyện tình cảm, chuyện hẹn hò, những băn khoăn về vóc dáng hoặc tất cả những gì khiến chúng cảm thấy xấu hổ. Vì thế, hãy tránh làm mất lòng tin ở trẻ bằng cách biết giữ bí mật điều cần giữ. Nếu đã đã trót phạm sai lầm thì hãy thành thực xin lỗi con và không bao giờ để xảy ra điều tương tự nữa.

Hay “lên lớp”

“Cậu ấy đề nghị con trở thành bạn gái của cậu ấy”, một cô con gái 15 tuổi tâm sự với mẹ. Con vừa nói hết câu, người mẹ ngay lập tức đã giảng giải một tràng về chuyện yêu đương ở tuổi của con. “Sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ đó là họ luôn muốn biến những phút giây chuyện trò cùng con cái thành các giờ “lên lớp”, TS Anthony E. Wolf, nhà tâm lý học trẻ em của Mỹ, cho biết. “Điều đó sẽ khiến con trẻ từ bỏ ý định chia sẻ với cha mẹ về bất kỳ điều gì chúng nghĩ trong tương lai”. Điều trẻ cần đôi khi chỉ đơn giản là sự lắng nghe từ phía cha mẹ.

Từ chối lắng nghe

“Bố mẹ cháu không có thời gian - đó là những than thở thường gặp nhất đối với nhiều đứa trẻ”, TS Vicki Panaccione, nhà tâm lý học lâm sàng trẻ em ở Florida, Mỹ, kể. “Khi chúng ta không chịu dừng việc mình đang làm để lắng nghe trẻ nói thì điều đó sẽ khiến trẻ thấy rằng nó không phải là mối quan tâm hàng đầu đối với cha mẹ”. Kết quả là trẻ sẽ không bao giờ tìm đến cha mẹ để chia sẻ nữa.

Vì thế, nếu không thể lắng nghe con ngay lập tức thì hãy hẹn con cùng trò chuyện khi bạn đã xong việc. Khi con bạn đang trong tình trạng vô cùng căng thẳng hoặc tức giận thì hãy dừng mọi việc lại và dành thời gian cho con. “Hãy nhớ rằng mỗi giây phút bên con đều vô cùng quan trọng đối với cả bạn và con”, TS Wolf khẳng định.

Nổi giận trước điều con chia sẻ

Nếu con làm hoặc nói điều gì đó khiến bạn phật ý thì bạn rất dễ mất bình tĩnh và nóng giận với con. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng “trong sâu thẳm trái tim, trẻ không bao giờ muốn làm phật lòng cha mẹ”, TS Roni Cohen-Sandler, nhà tâm lý học Mỹ, nhấn mạnh. Vì thế, hãy cố gắng tránh những lời nói hoặc phản ứng khiến con dần trở nên “khép lòng” đối với bạn.

“Nếu thấy mình đang khó kiểm soát cảm xúc (cơn nóng giận, bực mình…) trước những gì con chia sẻ thì hãy nói với con rằng cha/mẹ cần suy nghĩ thêm về điều đó và tạm dừng cuộc trò chuyện lại và hãy quay trở lại câu chuyện khi bạn đã bình tĩnh hơn. Còn nếu bạn đã trót phản ứng thái quá thì hãy tìm cách sửa sai. Trẻ biết rằng cha mẹ không phải là hoàn hảo và việc bạn thừa nhận sai lầm của mình sẽ làm tăng uy tín của bạn đối với con”, TS Wolf tư vấn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam