Dòng sự kiện:

Năm 2018 nắng nóng không kéo dài

Theo VNE
19:35 15/05/2018
So với năm 2017, nắng nóng ở Bắc và Trung Bộ không gay gắt bằng, mỗi đợt ngắn hơn. Trong ba tháng tới, bão không vào đất liền.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), trao đổi với VnExpress về tình hình nắng nóng và mưa bão năm 2018.

- Trung tâm dự báo thế nào về tình hình nắng nóng mùa hè năm 2018?

Nắng nóng năm nay bắt đầu muộn và chưa gay gắt. Thông thường, nắng nóng xuất hiện từ giữa tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Ví dụ ngày 6/5/2003, Hà Nội 40 độ, ngày 1/5/2012 là 39,5 độ, ngày 11/4/2016 nóng 39 độ C.

Từ đầu hè 2018 miền Bắc mới có một đợt nắng nóng vào ngày 7-8/5, Hà Nội trên 38 và đang ở đợt thứ hai (từ ngày 14/5). Đợt hai dự báo kéo dài đến hết tuần, mức nhiệt cao nhất ở miền Bắc là 37-39, một số nơi miền Trung lên 39-40.

Giống như quy luật nhiều năm, tháng 6 và 7 sẽ là cao điểm mùa nắng nóng. Tuy nhiên, mức nhiệt cao nhất năm nay khó vượt ngưỡng năm ngoái (ngày 4/6/2017, Hà Nội nóng trên 42 độ C - cao nhất trong mấy chục năm qua).

Dự báo, năm nay Bắc Bộ chỉ khoảng 38-39, vùng núi như Sơn La, Hòa Bình và những nơi có hiệu ứng đô thị như Hà Nội, có thể nóng 39-40 độ C. Tại miền Trung, một số nơi có thể đạt 41-42 độ C.

- Sẽ có bao nhiêu đợt nắng nóng trong mùa hè?

- Dự báo số đợt nắng nóng không có nhiều ý nghĩa, vì cứ hai ngày liên tiếp được tính là một đợt. Thực tế miền Bắc có đợt kéo dài tới 15 ngày, xét theo tổng số ngày gấp 4-5 lần đợt ngắn.

Năm nay, chúng tôi dự báo các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài. Mỗi đợt ở miền Bắc chỉ 4-6 ngày, ít khả năng xảy ra đợt dài 8 ngày. Ở miền Trung, mỗi đợt sẽ dài 6-8 ngày, ít khả năng nắng nóng trên 10 ngày.

Ông Hoàng Phúc Lâm trao đổi về đặc điểm thời tiết năm 2018. Ảnh: Dương Tâm

- Nguyên nhân nào khiến mùa hè 2018 nắng nóng đến muộn và giảm nhiệt so với hè 2017?

- Hè năm 2017 do chịu tác động của El Nino (nắng nóng, khô hạn), nhiệt độ miền Bắc đạt mức kỷ lục. Từ tháng 8/2017 đến đầu tháng 5/2018, điều kiện khí quyển đại dương ở pha La Nina (mưa bão nhiều), nhiệt độ trung bình thấp hơn bình thường.

Một nguyên nhân khác khiến nắng nóng đến muộn là tháng 4 không khí lạnh vẫn hoạt động đều đặn, mỗi đợt dồn xuống mang theo mưa, nhiệt độ không thể tăng cao. Tại Hà Nội mưa phổ biến 100-140 mm so với trung bình nhiều năm là 70-90 mm; Sơn La phổ biến 100-150 mm so với trung bình nhiều năm là 100-120 mm; Nghệ An 100-150 mm so với trung bình 50-70 mm. Nhiệt độ cao nhất trong suốt tháng 4 dưới 32, ngày cao nhất là 30/4 chỉ 31,5 độ C.

- Bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông được dự báo thế nào, thưa ông?

Mùa bão năm 2018 bắt đầu sớm, trong tháng 1 và 2 mỗi tháng có một cơn bão ở biển Đông. Nguyên nhân là cuối năm 2017 và đầu năm 2018, điều kiện khí quyển đại dương vẫn ở pha La Nina. 

Giữa tháng 5, hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái trung tính nên số cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào đất liền Việt Nam chỉ tương đương trung bình nhiều năm. Tức là tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông khoảng 12-14 cơn. Số lượng bão vào đất liền Việt Nam khoảng 4-6 cơn.

Nhiều khả năng các tháng 5-7 bão chưa vào đất liền mà chủ yếu hoạt động ở bắc biển Đông, khả năng ảnh hưởng tới Việt Nam rất thấp. 

Vào chính mùa bão (tháng 8-10), bão, áp thấp hoạt động nhiều trên biển Đông và vào Việt Nam, ảnh hưởng nhiều hơn đến Trung Bộ, Nam Bộ ít.

Cường độ bão chưa thể dự báo được.

- Nam Trung Bộ đang mùa khô hạn, dự báo bao giờ tình hình mới được cải thiện?

- Nam Trung Bộ, đặc biệt là Ninh Thuận và Bình Thuận đang vào cao điểm của mùa khô hạn, dự báo xuất hiện mực nước thấp lịch sử. Nguyên nhân là trong mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau), khu vực này gần như không mưa.

Trong 2-3 tuần tới, trời không mưa, mực nước tiếp tục giảm.

- Năm ngoái miền núi phía Bắc thiệt hại nặng bởi mưa lũ diện rộng. Năm nay mùa mưa lũ sẽ diễn ra thế nào?

- Lũ tiểu mãn và mùa lũ chính vụ ở Bắc và Trung Bộ có khả năng xuất hiện đúng chu kỳ trung bình, trong đó lũ tiểu mãn xảy ra đúng tiết tiểu mãn (một tuần trước hoặc sau ngày 21/5). 

Đỉnh lũ lớn nhất năm các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức báo động 2-3; hạ lưu ở Hà Nội thấp hơn báo động 1 từ 1 đến 2 mét. Đỉnh lũ năm hệ thống sông Thái Bình cũng tương tự, trong đó đỉnh lũ hạ lưu tại Phả Lại có báo động 1, phổ biến cao hơn năm 2017.

Tại các sông suối nhỏ trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, đỉnh lũ có khả năng vượt mức báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ xảy ra tại nhiều tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc, nhất là phía Tây Bắc Bộ và vùng núi Trung Bộ.

Mưa lũ phần lớn theo mùa bão nên miền Trung sẽ là trọng tâm. Trên các sông ở Tây Nguyên, lũ có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm.

Mùa lũ trên sông Me Kong khả năng tới sớm hơn. Đến cuối tháng 7, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) dao động 2,5-2,7 mét, nguy cơ xảy ra ngập lụt một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long sẽ ở mức báo động 2 và trên báo động 2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10.

Nguồn: Gia đình Việt Nam