Dòng sự kiện:

'Nắng từ quê mẹ': Món quà cho những người con xa quê

PV
18:51 20/03/2017
Group Người Nhà Quê vừa cho ra mắt các độc giả Việt Nam tập thơ "Nắng từ quê mẹ", là tập thơ chung của 35 tác giả sinh hoạt trong Group với các chủ đề đa dạng nhưng đậm nét văn hoá làng quê.

Đây là một món quà các tác giả, vốn đa phần là những người con xa nhà, gửi tới những người yêu thơ với những tình cảm tha thiết dành cho quê hương.

Ngày 18.3.2017, group Người Nhà Quê đã tổ chức buổi giới thiệu sách và giao lưu với các tác giả tại Trung tâm Văn hoá Đông Tây t(Làng sinh viên Hacinco), số 99 Nguỵ Như Kon Tum, Q. Thanh Xuân, Hà Nội.

Tiếp nối sau buổi ra mắt thành công đó, các thành viên quản trị của group Người Nhà Quê sẽ có các cuộc gặp gỡ giao lưu cùng các thành viên group và độc giả tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Tập thơ gồm 100 bài được cấu trúc thành 5 phần có sự kết nối với nhau: Tuổi thơ, Những ngày tha hương, Trở về, Làng quê và Duyên phận. Các tác giả không đăng chùm thơ của mình liền nhau mà được đưa vào mạch thơ xuyên suốt với một sợi chỉ vô hình giúp cho người đọc sẽ đi qua những dấu mốc trải nghiệm cuộc đời.

"Nắng từ quê mẹ" là một món quà các tác giả, vốn đa phần là những người con xa nhà, gửi tới những người yêu thơ với những tình cảm tha thiết dành cho quê hương.

Nếu ở Tuổi thơ ta có thể gặp những câu thơ trong trẻo về ngày thơ ấu như:

"Thôi chào nhé những bông dâm bụt đỏ

Tuổi ấu thơ mẹ hái dưới hiên nhà"

(Nồng Nàn Phố)

thì ở phần Những ngày tha hương lại là những vần thơ mênh mang nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ ở phương xa. Ví như ta chạm vào nỗi nhớ khi gặp mùi hương lúa chín của Chánh Bùi:

"Con đi suốt cả thời thơ dại

Nên mỗi mùa lúa chín thơm hương

Lại nhớ mẹ lưng còng cấy hái

Da nhuộm bùn và áo pha sương"

Nếu ở phần Trở về là hành trình tìm lại ngày xưa thì Làng quê chính là những gì đang hiện hữu. Ta gặp một Đỗ Hoàng Giang đang thảng thốt tìm khi tất thảy đều đã thay đổi và rồi anh chợt nhận ra:

"Về quê chẳng thấy... ồ không

Về quê là để mình trông thấy mình".

Không chỉ là cảm xúc, ta sẽ được trải nghiệm cuộc sống nông thôn qua những hình ảnh rất đắt giá về cảnh vật, con người, những sinh hoạt hàng ngày nơi ấy:

"Quan Họ mùa này ngọt thắm đôi môi

Trầu cánh phượng đậu trên tay ngà ngọc

Khúc dân ca nào vừa bung ra từ mái tóc

Đôi sợi vương hồn...

anh vén má...

Em say!"

(Thu Trang Bùi)

"Nắng từ quê mẹ" thật ra không phải là cuốn thơ tình bởi cái tình yêu đôi lứa vẫn chỉ là một phần trong những tình cảm khác. Tuy nhiên, Duyên phận là phần đặc sắc nhất và cũng là dấu nhấn cuối cùng cho tập thơ. Không chỉ có hình ảnh, cảm xúc, Duyên phận còn chứa đựng những tư tưởng, triết lý rất nhẹ nhàng của các tác giả. Đặc biệt, những triết lý tôn giáo cũng được đưa vào khéo léo:

"Đức tin có lúc đổi thay.

Người dưng đi khuất cuối mày vẫn trông.

Đêm nay trốn ai biết không?

Đêm nay chú bỏ mùa đông trên chùa"

(Xuân Việt)

Thơ của Người Nhà Quê không mới về thể loại hay ngôn ngữ nhưng vẫn có thể chuyển tải được vẻ đẹp của tứ thơ mộc mạc, lời thơ giản dị, chân chất, nhạc tính du dương. Tập thơ dễ đọc, dễ cảm nhưng không dễ dãi. Đấy là sự chắt lọc của những cảm xúc, suy tư chân thật và được viết ra với một tình cảm gửi gắm tới quê nhà và những người thân yêu nơi làng quê dù còn hay mất.

Group Người Nhà Quê là Group mở trên mạng xã hội Facebook do Bùi Trọng Lịch sáng lập năm 2015 với tôn chỉ kết nối, chia sẻ giữa những người xa quê hương, yêu văn hoá làng quê Việt Nam và muốn tìm hiểu về những giá trị của đời sống sau luỹ tre làng. Group hiện có trên 2 vạn thành viên ở khắp mọi miền đất nước và cả những người Việt Nam ở nước ngoài. Qua gần 2 năm hoạt động, Group đã tổ chức được nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng tích cực không chỉ trên môi trường mạng xã hội mà còn ở ngoài đời sống. 

Nguồn: Gia đình Việt Nam