Dòng sự kiện:

Nể cô giáo dùng 2 quả táo dạy trẻ em về bạo lực học đường

03:00 28/06/2016
Cô giáo Rosie Dutton đến từ Birmingham, Vương quốc Anh đã dùng táo, một loại quả rất quen thuộc để giáo dục về bạo lực trong trường học cho trẻ em một cách sinh động khiến các học sinh và phụ huynh phải nể phục.

 

 

 

Để giáo dục về bạo lực trong trường học cho trẻ em là một việc làm khó. Nhiều trẻ không hình dung được nạn nhân bị ảnh hưởng như thế nào. Cô giáo Rosie Dutton đến từ Birmingham, Vương quốc Anh đã dùng táo, một loại quả rất quen thuộc để mô tả nó một cách sinh động khiến các học sinh và phụ huynh phải nể phục.

Đoạn chia sẻ về bài giảng cô dạy cho học sinh trên facebook đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Không ai nghĩ là chỉ với những thứ đơn giản như vậy lại tác động tích cực tới mọi người.

Nguyên văn đoạn chia sẻ của cô Rosie Dutton:

Hôm nay, tôi mang 2 quả táo đến lớp học. Nhìn bề ngoài trông chúng rất hoàn hảo và chẳng khác gì nhau. Thế nhưng, các em học sinh không biết rằng trước khi mang đến lớp, tôi đã làm rơi 1 quả rất nhiều lần xuống sàn nhà.

Các em học sinh liên tục đưa ra những lời so sánh về 2 quả táo: đều có màu đỏ, kích thước tương tự nhau, bề ngoài đều rất ngon mắt.

Nhặt quả táo bị rơi nhiều lần, tôi bảo: Tôi không thích quả táo này, màu sắc xấu xí, chiều ngang ngắn ngủn.

Một số học sinh nghi ngờ nhìn tôi, rồi chúng tôi bắt đầu soi xét kỹ hơn nó. Bắt đầu các học sinh cũng đưa ra kết luận: Quả táo có mùi, hình như có sâu bên trong… Duy nhất chỉ một cô bé từ chối câu hỏi của tôi về quả táo đó.


Hình ảnh đối lập khi cắt hai quả táo.

Rồi chúng tôi đặt nó sang một bên, tiếp tục soi xét quả táo còn lại.

Tôi bắt đầu: Quả táo này mới căng mọng làm sao. Các học sinh cũng nhận xét: Màu sắc thật tươi sáng, Trông rất ngon mắt…

Sau đó tôi giơ cả hai quả táo lên, và một lần nữa, chúng tôi nói chuyện về những điểm tương đồng và khác biệt, cho dù so với trước, cả hai quả táo vẫn không thay đổi.

Sau đó tôi cắt quả táo được yêu mến hơn. Các miếng táo rõ ràng là tươi và trông rất ngon ngọt.

Với quả táo còn lại, các miếng táo thật xấu xí với màu đen thâm. Không ai muốn thử ăn nó.

Hóa ra, những gì chúng ta thấy bên trong quả táo: vết bầm tím hay sự trong trẻo chính là những gì xảy ra bên trong mỗi con người khi nhận được phản ứng từ phía người khác.

Khi bị mọi người bắt nạt, nhất là trẻ em, chúng sẽ cảm thấy mọi thứ thật khủng khiếp dù cố gắng không thể hiện điều đó ra ngoài.

Còn với những người được nhận những lời yêu thương, tâm hồn và con người họ thật trong sáng, được nhiều người yêu mến.

Ngoài ra, bạo lực học đường còn có yếu tố tập thể. Như về quả táo, cô giáo là người có sức ảnh hưởng, cô nhận định táo xấu thì lập tức các học sinh cũng thấy như vậy và ngược lại. Điều các em nên học là quan điểm cũng như cách thể hiện chính kiến của mình chứ không chỉ nghe theo ý của người khác.

Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân với các học sinh, tôi bảo tuần qua tôi rất đau khổ vì hành xử của một người khác. Thế nhưng, bề ngoài tôi vẫn mỉm cười, ai cũng tin là tôi ổn. Không ai biết tôi đã cảm thấy tổn thương như thế nào.

Không như những quả táo, chúng ta có thể ngăn chặn những điều này xảy ra. Chúng ta có thể dạy cho trẻ em cách nói chuyện tích cực và không khiến người khác đau khổ. Ngoài ra, chúng nên được hướng dẫn cách bảo vệ nhau, ngăn chặn các hình thức bắt nạt.

Cuối bài viết, cô Rosie Dutton gửi gắm đến các học sinh và phụ huynh: “Ngày càng nhiều sự tổn thương được tạo ra nếu không ai ngăn chặn những bạo lực này. Hãy cùng tạo một thế hệ trẻ em được chăm sóc hơn”.


Bạo lực học đường có thể ngăn chặn nhờ hành vi của tất cả mọi người.

“Dù không xương nhưng cái lưỡi đủ mạnh để phá vỡ một trái tim. Vì vậy, hãy cẩn thận với những lời nói của bạn”.

Nhờ những ví dụ đơn giản, sinh động, học sinh của cô Rosie Dutton được hướng dẫn cách kiềm chế sự căng thẳng của bản thân. Trên tinh thần đồng đội, sự tôn trọng, hỗ trợ đồng đẳng, giải quyết xung đột, lòng tự trọng và sự tự tin, cô đã hướng dẫn học trò cách xử lý các vấn đề nếu rơi vào hoàn cảnh đó hay cách tìm sự hỗ trợ khi cần thiết để vượt qua những bất trắc trong cuộc sống.

Nguồn: Người đưa tin