Dòng sự kiện:

Nếu muốn con cái thành lãnh đạo tài ba trong tương lai, cha mẹ hãy dạy con 8 điều này

Theo caFef
19:10 26/08/2017
Ai chẳng mong muốn con mình sau này thành đạt, nên người, thế nhưng để chuẩn bị trước cho tương lai cha mẹ cần dạy con những thứ cần thiết để chúng phát triển tốt hơn, hòa nhập tốt hơn với tương lai.

Là những bậc làm cha mẹ, chúng ta luôn mong muốn con cái thành đạt. Trách nhiệm nuôi con đã khó, việc giáo dục để con trở thành người lãnh đạo tốt lại càng khó hơn. Có thể nhiều người không nhận ra, nhưng nét đẹp cô cùng đáng quý của việc nuôi dưỡng con cái bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt mà cha mẹ làm mỗi ngày để uốn nắn con trở thành những công dân mà tương lai chúng sẽ trở thành.

Chia sẻ quan điểm này trên Linkedln Pulse, tiến sĩ Travis Bradberry nói “Tất cả chúng ta đều muốn con cái mình trở thành những nhà lãnh đạo. Chúng ta muốn chúng dũng cảm, đam mê và chân thực. Chúng ta muốn những hành động của con truyền cảm hứng cho những người khác để phát huy hết những điều tốt đẹp nhất ở họ”. Vậy, các bậc phụ huynh phải tập trung vào những hành động nào để khơi dậy và định hướng cho con trở thành những lãnh đạo tốt trong tương lai?

Mô hình trí tuệ cảm xúc (EQ)

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) là một khái niệm khá trừu tượng và là “thứ” tồn tại sẵn trong mỗi chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta quản lí các hành vi, những điều hướng phức tạp của Xã hội và chi phối đến các quyết định cá nhân để giúp chúng ta đạt được quả tích cực. Đó cũng là những điều mà trẻ em học được từ việc quan sát từ chính cha mẹ. Giống như một miếng bọt biển vậy, trẻ đặc biệt chú ý đến nhận thức của bạn về cảm xúc, hành vi mà bạn thể hiện để đáp lại các cung bậc cảm xúc và cách bạn phản ứng với những cảm xúc của con.

EQ là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp chúng ta trở thành những người lãnh đạo thành công. Kết quả bài kiểm tra được thực hiện trên 1 triệu người bởi công ty TalentSmart do tiến sĩ Travis Bradberry làm Chủ tịch đã cho thấy, chỉ số EQ là nhân tố ảnh hưởng tới 58% hiệu suất làm việc của một người ở vị trí lãnh đạo.

Tương tự như vậy, 90% các nhà lãnh đạo có thành tích hoạt động cao có đều có chỉ số EQ cao. Thế nhưng, hầu hết chúng ta lại không chú ý đầu tư để làm tăng chỉ số EQ của mình. Chỉ 36% số người được kiểm tra có thể xác định được chính xác cảm xúc thực của mình trong những tình huống cụ thể. Trẻ em phát triển trí tuệ cảm xúc EQ cao sẽ mang những kỹ năng này theo chúng trong giai đoạn trưởng thành để sau đó, trở thành những người lãnh đạo tốt trong sự nghiệp lẫn cuộc sống.

Đừng để bị ám ảnh bởi thành tích

Cha mẹ bị cuốn hút bởi thành tích bởi họ tin rằng điều đó sẽ giúp con cái họ có cơ hội thành công lớn trong tương lai. Tuy nhiên, cứ “ghim lấy” ý tưởng đó có thể khiến con bạn gặp phải một số vấn đề tiêu cực.

Bị ám ảnh bởi thành tích, trẻ sẽ chỉ tập trung để làm sao đạt được giải thưởng này và kết quả nọ mà đôi khi chính bản thân chúng cũng không hiểu hết được ý nghĩa của những điều này. Trẻ sẽ có xu hướng nghĩ rằng, cá nhân mới là quan trọng và rồi sau đó ngỡ ngàng khi phát hiện ra rằng, cuộc sống không phải chỉ tập trung vào các cá nhân và còn phải vì tập thể nữa.

Đừng khen ngợi trẻ quá nhiều

Trẻ cần được khen ngợi để tạo dựng một cảm giác lành mạnh về lòng tự trọng. Trẻ cần tin vào bản thân và phát triển sự tự tin cần thiết để có thể trở thành những lãnh đạo tốt trong tương lai. Nhưng nếu ngợi khen quá nhiều sẽ phản tác dụng đối với chúng. Khi trẻ đang cố gắng làm một nhiệm vụ gì đó, hãy cho chúng thấy bạn tự hào vì niềm đam mê và nỗ lực mà con dành cho nhiệm vụ đó, nhưng đừng “vẽ” chúng thành những siêu sao khi bạn biết rằng điều đó không đúng.

Hãy để trẻ tự trải nghiệm rủi ro lẫn thất bại

Thành công trong kinh doanh và trong cuộc sống được tạo nên từ những rủi ro. Nếu cha mẹ quá bao bọc con cái thì điều đó cũng có nghĩa là họ không để con cái chấp nhận rủi ro và gặt kết quả. Một lãnh đạo không thể chấp nhận rủi ro thích hợp cho tới khi họ hiểu rằng, vị đắng của thất bại luôn song hành với mạo hiểm.

Con đường tới vinh quang được tạo nên từ những thất bại dù lớn hay nhỏ. Nếu che chắn con cái khỏi những thất bại để nâng cao lòng tự trọng của mình thì chính con cái bạn sẽ gặp khó khăn trong việc chấp nhận thất bại cần phải có để có thể thành công trong vai trò lãnh đạo. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được giúp đỡ khi gặp thất bại, chúng cần biết mình được quan tâm và được cha mẹ thấu hiểu những đau khổ của mình khi bị vấp ngã.

Sự hỗ trợ của cha mẹ sẽ là nguồn động viên khuyến khích trẻ tiếp thu thêm kinh nghiệm để vượt qua khó khăn. Sự kiên cường đó sẽ là món quà vô cùng lớn lao mà cha mẹ có thể gieo mầm trong những năm tháng tuổi thơ con trẻ, để chúng vững bước hơn với vai trò lãnh đạo trong tương lai.

Nói không

Quá nuông chiều trẻ chính là cách hạn chế sự phát triển của trẻ thành những lãnh đạo tốt. Bởi một người lãnh đạo giỏi phải có khả năng trì hoãn sự hài lòng và làm việc chăm chỉ hơn cho những điều quan trọng. Trẻ cần phát triển tính kiên nhẫn này. Chúng cũng cần đặt mục tiêu và trải nghiệm niềm vui song hành với siêng năng làm việc hay học tập. Nói “không” với trẻ có thể khiến con thất vọng trong giây lát, nhưng chúng sẽ vượt qua được điều đó và trở nên tốt hơn sau này.

Hãy để trẻ tự giải quyết những vấn đề riêng của mình

Một trong những kỹ năng quan trọng khác để trở thành một lãnh đạo tốt chính là kỹ năng độc lập xử lí các tình huống. Nếu cha mẹ cứ liên tục giải quyết các vấn đề cho trẻ, con sẽ không bao giờ phát triển được tư duy phản biện hay óc suy xét để đứng trên đôi chân của chính mình.

Những đứa trẻ luôn có ai đó lao mình xuống giải cứu và dọn sạch mớ hỗn độn của chúng thì cũng sẽ mang theo tư tưởng phụ thuộc ấy vào cuộc sống của chúng sau này. Các lãnh đạo hành động, nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Hãy để con bạn học được điều đó bằng cách để chúng tự giải quyết những vấn đề riêng của mình.

Lời nói phải đi đôi với hành động

Các nhà lãnh đạo đích thực thường rất rõ ràng và sẵn lòng giúp đỡ. Họ không phải là người hoàn hảo, nhưng họ có được sự tôn trọng bởi họ nói đi đôi với làm. Con cái bạn có thể phát triển được phẩm chất này một cách tự nhiên nếu chúng thấy bố mẹ mình cũng nói tới nơi, làm tới chốn.

Các bậc cha mẹ nên trung thực với con cái, không chỉ với những điều bạn nói và làm mà thành thật với những gì bản thân bạn đang là. Khi nói song hành với hành động, thì tuyên ngôn của bạn mới thuyết phục. Khi trẻ quan sát được điều đó, chúng sẽ tự khắc có những hành động tương tự.

Hãy dạy con tính nhân bản

Bất kể con trẻ có đang tức giận hay ngang ngạnh thế nào trong một thời điểm nào đó, cha mẹ vẫn luôn là người hùng và hình mẫu trong tương lai của trẻ. Điều này có thể khiến bạn muốn che giấu tất cả những lỗi lầm trong quá khứ vì sợ rằng chúng sẽ lặp lại những sai lầm đó. Nhưng trái ngược lại những gì bạn nghĩ, nếu cha mẹ không bao giờ cho con thấy mình từng trải qua những tổn thương, con bạn sẽ hình thành cảm giác tội lỗi với mỗi sai phạm mắc phải, bởi trẻ sẽ cho rằng chỉ có chúng mới mắc những sai lầm khủng khiếp.

Những người lãnh đạo không phải là những người chưa từng mắc sai lầm, thậm chí họ còn mắc sai lầm nhiều hơn ai hết. Nhưng họ nhận khuyết điểm và học từ những khuyết điểm ấy để cải thiện bản thân và trở thành những lãnh đạo tốt. Trẻ sẽ không tiến bộ nếu cứ cảm thấy tội lỗi.

Chúng cần ai đó - một người từng bị tổn thương nhưng đã vượt qua cảm giác ấy, để dạy cho chúng cách khắc phục sai lầm và học hỏi gì từ những sai lầm đã mắc phải. Khi bạn chỉ cho con bạn đã vượt khó khăn thế nào trong quá khứ thì cũng có nghĩa là bạn đang làm điều ấy thêm một lần nữa.

Ai cũng mong muốn nuôi dạy con cái lớn khôn, sống có ích và trở thành những người lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, công việc bộn bề với những gánh nặng của cuộc sống khiến chúng ta nhiều lúc không thể chú tâm vào những điều quan trọng tưởng chừng như nhỏ nhặt này để giáo dục con từ khi còn nhỏ.

Nhưng “ở đâu có ý chí, ở đó sẽ có con đường”! Chúng ta có thể tác động để giúp con trở thành những người lãnh đạo tốt chỉ khi chúng ta cùng kiên trì với mục tiêu ấy. Và còn bởi, với bất kỳ người nào đang thực hiện thiên chức làm cha mẹ đều hiểu rằng, cuộc đời chẳng mấy điều đáng giá để bạn đánh đổi lấy thời gian và sự nỗ lực hơn là nuôi dạy con cái.

Nguồn: Gia đình Việt Nam