Dòng sự kiện:

Nghệ sĩ Quốc Tuấn: 'Điều quan trọng nhất phải dạy con là sự lạc quan, kiên cường'

16:19 05/01/2017
Gần 40 tuổi mới lập gia đình, chưa kịp tận hưởng niềm vui làm cha đã phải dìu con đi qua bao nhiêu đau đớn cùng cực. Nhưng dù Bôm của anh như thế nào, thì đó vẫn là suối nguồn hạnh phúc của anh...

Căn phòng ngủ của hai cha con Quốc Tuấn có ô cửa sổ rộng. Từ nơi này nhìn vào thành phố mỗi đêm rất đẹp, hệt như khung cảnh Seoul nhìn từ cửa sổ ngôi nhà mà anh thuê trong thời gian chữa bệnh cho Bôm mấy năm về trước, Quốc Tuấn nói vậy. Anh mở đĩa nhạc Jazz, giai điệu Acoustic tràn ngập không gian chẳng rộng chẳng hẹp, vừa bình yên vừa cô đơn. Nhìn Quốc Tuấn chẳng có dáng vẻ gì của một tay chơi, mà hóa ra anh lại là tay chơi có nghề. Thời trẻ, mỗi lần vào Nam diễn, có bao nhiêu tiền cát-sê Quốc Tuấn đổ vào mua đồ âm thanh hết. Anh cũng tự tin là so với bạn bè, nhờ có chút nghề mà mình trả "học phí" thấp nhất cho thú chơi của mình.

Kể từ sau bộ phim Trái tim kiêu hãnh năm 2013, Quốc Tuấn như biến mất khỏi màn ảnh. Hơn 4 năm chưa làm thêm bộ phim nào. 10 năm không xuất hiện với tư cách diễn viên. Hãng phim nơi anh công tác thì nhiều năm qua đã như cỗ máy già cỗi ì ạch mòn xích khô dầu. Tưởng Quốc Tuấn chán nghề, chai nghề rồi. Nhưng anh bảo "Tôi nghĩ phim gì cũng làm, vai gì cũng đóng, bất chấp hết để làm, miễn là kiếm ra tiền thì đấy mới gọi là chai sạn. Còn phim dở bảo tôi đóng thì tôi lăn tăn lắm. Trừ phi làm phim ấy sẽ có rất nhiều tiền mà có thể vì tham tiền thì tôi làm. Tuy vậy vẫn chưa có lúc nào tôi tham tiền đến thế, dù rằng lúc nào tôi cũng rất cần tiền. Tức là tôi vẫn chưa chai sạn."

Tôi tin anh. Bởi nói chuyện với anh, quanh đi quẩn lại vẫn quay về điện ảnh. Và cái "máu nghề" sôi sục lên trong mắt.

Thập niên 90, Quốc Tuấn là ngôi sao truyền hình. Cuốn sổ ghi đời, 12A và 4H, Những người sống bên tôi, Người thổi tù và hàng tổng, Luật đời…, cứ đóng phim nào là "ăn" phim ấy. Nhưng lúc mới nổi, không ít đồng nghiệp bảo Quốc Tuấn "ăn may". Cho đến Những người sống bên tôi thì không ai còn nhắc đến từ "ăn may" nữa. Thời điểm đó, dàn diễn viên toàn trai xinh gái đẹp của Sài Gòn vẫn đang chiếm lĩnh thị trường với: Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh… Nhưng bất ngờ là Quốc Tuấn và Lan Hương lại đoạt giải Nam - Nữ diễn viên truyền hình được yêu thích nhất.

Nhưng cái sự nổi tiếng cũng khiến anh vướng vào bao chuyện cười ra nước mắt. Có lần đang ngồi trong quán thì một nhóm khách nhận ra anh. Người phụ nữ trong nhóm quay sang chào rồi cứ thế trò chuyện, nhìn ngắm. Tới nỗi, người đàn ông đi cùng nổi cơn ghen, bất ngờ quay sang chửi đổng Quốc Tuấn. Cứ thế chửi. Bỗng dưng bị chửi thì cáu quá, nhưng vì mang danh nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ nổi tiếng, chẳng lẽ đi cãi nhau nơi công cộng.

Ấy thế mà cũng có lần anh không kiềm chế được. Đang ngồi kí tặng cho các khán giả sau buổi diễn thì một "fan cuồng" bất ngờ lao tới, cắn mạnh vào vai, mặc Quốc Tuấn cố giật tay ra mà không nổi. Cho tới khi nghệ sĩ Đức Trung lao vào giằng người phụ nữ kia ra. Quốc Tuấn giận dữ mắng "đồ điên". Rồi sau ân hận khi "fan cuồng" viết bức tâm thư giải thích lí do cắn anh là vì không biết bày tỏ tình cảm bằng cách nào khiến anh phải nhớ lâu ngoài cách... cắn. Thực tế thì anh nhớ đời. Còn vết cắn qua lớp áo bộ đội dày tím nhức đến vài tuần mới hết.

Thế mà chỉ mấy năm sau, anh bỏ lại tất cả sau lưng.

Chữa bệnh cho con chỉ là một phần lí do. Nguyên nhân chính là bức tranh điện ảnh bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào. Các hãng phim nhà nước lẫn tư nhân đều hoạt động một cách rất cầm chừng. Điển hình như Hãng phim truyện I gần như không hoạt động, Hãng phim truyện Việt Nam thì một năm làm một bộ phim, rồi cũng cất vào kho.

Ít ai biết, một thời gian dài, Quốc Tuấn kiếm sống bằng nghề chơi ghita và hát chính trong một ban nhạc, chuyên đi biểu diễn ở các quán bar, vũ trường. Cũng xé gối quần bò, cũng xâu khuyên tai, hầm hố phong trần như một rocker. Quốc Tuấn kể và khoe vết tích trên tai, "là Lê Khanh xâu cho anh đấy!". Nhưng Quốc Tuấn luôn tự biết mình nghiệp dư trong âm nhạc. Hát mãi, đến khi nhận ra mình nghiệp dư so với các ban nhạc chuyên nghiệp ra đời ngày càng đông thì anh bỏ. Nổi tiếng trên truyền hình được chục năm thì đã kề cận 40. Mà nghề diễn cứ trẻ là "ăn". Thầy già con hát trẻ, không ai thoát ra ngoài xu thế ấy được.

Thấy rõ nhất là ở những kì Liên hoan phim buồn tẻ, 7h30 khai mạc thì 7h15 các nghệ sĩ gạo gội như Trà Giang, Thế Anh, Như Quỳnh đã có mặt đầy đủ. Thế nhưng thảm đỏ vắng hoe vắng hoắt. Hơn tiếng sau, khi các nghệ sĩ già đã yên vị trật tự trong khán phòng thì thảm đỏ bỗng nhiên láo nháo, xôn xao. Những nghệ sĩ trẻ đẹp, dù chưa có đóng góp gì nhiều cho điện ảnh, lấp lánh dập dìu. Các đài truyền hình lao đến, phóng viên lao đến. "Đắng đót vô cùng. Sau này, tôi không muốn tham gia các kì liên hoan phim nữa" - Quốc Tuấn tâm sự.

Rồi cứ nghĩ về cái đêm nhìn người đồng nghiệp mái tóc bạc phơ lăn lộn trên sàn diễn cả đêm để nhận về thu lao chỉ hơn trăm ngàn đồng, Quốc Tuấn tự nhủ "Mình phải đi thôi. Cuộc đời mình không thể như thế này được".

Và anh đi. Quốc Tuấn rời Nhà hát Tuổi trẻ, đi học đạo diễn. Học xong, anh đầu quân về Hãng phim truyện Việt Nam. Trong khi Tất Bình, đạo diễn rất thân thiết với anh, lúc đó đang là Giám đốc Hãng phim truyện I, sẵn sàng tiếp nhận. Nhưng Quốc Tuấn từ chối. "Về làm với anh Bình, tôi sẽ được nhận làm phim ngay. Nhưng nếu thành công đồng nghiệp sẽ cho là do được anh Bình nâng đỡ. Tôi không thích thế. Tôi muốn khẳng định thành công đạt được là do trình độ của chính bản thân mình chứ không dựa vào bất kì sự nâng đỡ của ai cả".

Thực tế, anh đã chứng minh được qua 45 tập phim Trái tim kiêu hãnh. Nhưng đấy là câu chuyện của 8 năm sau. Còn lúc mới về Hãng, chưa kịp làm được bộ phim nào, Quốc Tuấn đã phải rẽ chệch sang con đường khác: 14 năm đằng đẵng giành lại cuộc sống cho Bôm - cậu con trai bé bỏng.

14 năm, không có cung bậc nào của kiếp người mà Quốc Tuấn không trải qua. Những cuộc phẫu thuật liên miên cho con trai lấy đi của anh không biết bao nhiêu sức lực, bao hi vọng lẫn thất vọng, bao bĩ cực lẫn hạnh phúc. Có những đêm triền miên thức trắng để bế con vì con không thở được. Rồi những thời khắc căng thẳng tưởng như có thể vỡ tung khi con phải lên bàn mổ tách nới hộp sọ. Có lúc tưởng là yên tâm khi bàn tay của con được bác sĩ nước ngoài trực tiếp làm phẫu thuật tách ngón, nhưng vài tuần sau tháo bột ra lại nghẹn ngào tức tưởi nâng những ngón tay bé bỏng đã bị dính liền trở lại. Rồi anh quyết định bằng mọi cách phải đưa con ra nước ngoài chữa trị. Lại những ngày tháng triền miên nơi xứ người, nín thở sau mỗi ca mổ, mỗi lần thay băng.

Quốc Tuấn ôm con đi khắp nơi, sang cả Hàn Quốc, Úc, nắm tay con vượt qua hàng chục cuộc đại phẫu, chằng chịt trên khắp cơ thể. Nơi anh chứng kiến con lớn lên từng ngày, trưởng thành từng ngày lại chính là trên bàn mổ. Đứa con trai kiên cường ngày nào bé bỏng trên tay anh đã tự mình mặc áo phẫu thuật lúc nào chẳng hay.

Nhưng trong 14 năm ấy, chưa lúc nào Quốc Tuấn tuyệt vọng buông xuôi. Còn nhớ khi con mới sinh, một bác sĩ vô tâm buông lời "thế này thì nuôi báo cô cả đời thôi", Quốc Tuấn đã giận dữ đáp trả: "Không, cháu sẽ là một người bình thường".

Anh đã bỏ tất cả để thực hiện lời tuyên bố ấy hay đúng hơn là cam kết yêu thương dành cho con. Đó là giúp con trở thành một người bình thường, mà như anh nói "tức là một con người lương thiện và có ích". Quốc Tuấn đặt tên con là Anh Tuấn, với mong muốn cái tên của mình sẽ gánh đỡ cho con những nghiệp chướng phải chịu. Anh từng tự trách mình đã không cho con một hình hài lành lặn.

Gần 40 tuổi mới lập gia đình, chưa kịp tận hưởng niềm vui làm cha đã phải dìu con đi qua bao nhiêu đau đớn cùng cực. Nhưng dù Bôm của anh như thế nào, thì đó vẫn là suối nguồn hạnh phúc của anh. Trừ những lúc con đi học, thời gian còn lại hai bố con luôn ở bên nhau. Anh bảo điều quan trọng nhất phải dạy con chính là sự mạnh mẽ, kiên cường, lạc quan, yêu cuộc sống.

Anh không bao giờ giấu con trong nhà mà luôn để con sinh hoạt, giao tiếp xã hội bình thường, ai nhìn ngó tò mò là việc của người ta. Thậm chí ai nhìn lâu quá anh con bảo con quay lại chào các cô các chú. Những cuộc họp lớp, tụ tập hội nhóm của bố, con trai anh luôn là một thành viên không thể thiếu. Con tập xe đạp, ngã trầy da, anh vẫn bảo con tự đứng dậy tập tiếp. Anh bảo muốn con có kĩ năng sống, tin rằng mình là một người hoàn toàn bình thường thì trước tiên mình cũng phải đối xử với con như một đứa trẻ hoàn - toàn - bình - thường.

Cũng chỉ mới vài tháng trước đây, Bôm của anh phải thực hiện ca đại phẫu ở hàm. Anh và mẹ Bôm đã tranh cãi gay gắt về việc có nên phẫu thuật tiếp cho Bôm hay không. Vì mới 2 năm trước ca phẫu thuật phức tạp này đã thất bại ở Hàn Quốc. Nhưng anh quyết tâm làm. Phẫu thuật thành công. Bôm tăng vọt lên hơn 60 cân, cao hơn 1m6 ở tuổi 14. Bôm say mê với cây đàn piano, có thể ngồi tập đàn cả 4-5 tiếng đồng hồ. Năm tới, cậu sẽ thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Quốc Tuấn có lẽ chưa bao giờ hồ hởi và rạng rỡ hơn lúc này. Anh bảo mình đang rất hạnh phúc. Nhưng đôi mắt anh vẫn chưa tan vết tích của những đêm mất ngủ.

14 năm, Quốc Tuấn làm đủ nghề để có thể trường chinh cùng con. Anh làm quảng cáo, làm TVC cho các công ty, rồi làm clip hài, dẫn chương trình cho các sự kiện. Và cả diễn hài nữa. "Bạn ngạc nhiên khi tôi diễn hài chứ gì? Tôi làm với anh Lê Hùng 5 số Đời cười rồi mới nghỉ cơ mà. Vai anh trưởng thôn tên Kiên trong Người vác tù và hàng tổng cũng là vai hài đấy chứ. Nhưng kiếm tiền tốt nhất là làm MC cho các sự kiện. Song nói nhiều quá thành nói luyên thuyên, tôi không thích mình dễ dãi với mình như thế. Nên sau này tôi từ chối các lời mời, dù cát-xê cao đến đâu. Mọi người cứ nói đang làm tốt thế tại sao lại nghỉ."

Ngay cả làm phim, Quốc Tuấn cũng giữ quan điểm khác người ấy. Có lúc giám đốc hãng phim gọi lên, mời cùng đạo diễn cái kịch bản đã được duyệt cả chục tỉ đồng để làm. Thế rồi sau khi đọc thì từ chối vì thấy kịch bản có quá nhiều vấn đề. Mà từ chối làm thì đồng nghĩa với từ chối tiền và mất lòng đồng nghiệp.

Ở tuổi 55, Quốc Tuấn vẫn đang ấp ủ ba dự án lớn do chính anh tự tay viết kịch bản. Vẫn đang chờ một cơ hội, chờ một đơn vị đầu tư cho dòng phim phi thương mai. Dĩ nhiên, kiểu phim đúng chất phim truyện mà Quốc Tuấn muốn làm sẽ phải chờ từ lâu đến rất lâu mới có thể tìm được một nhà sản xuất dám chơi nghệ thuật như anh. Nhưng vẻ như anh chẳng có chút nản hay bất mãn nào.

Trong thời gian ấy, Quốc Tuấn vẫn làm những dự án thương mại để kiếm tiền. Nhưng làm gì thì làm, cứ đều đặn 3h30 chiều anh sẽ đi đón con học ở cách nhà chừng 10 cây số. Hai bố con có thể sẽ nán lại ở trường để chơi thể thao rồi mới về nhà. Về nhà, hai bố con lại cùng nhau tập đàn, tập yoga. Nơi ấy, dù dường như trống trải, nhưng bình yên dịu dàng những thanh âm Acoustic và ngọt ngào tươi mát những ly nước ép trái cây được chuẩn bị bởi bàn tay của một người đàn ông yêu con hơn cả chính mình.

Trí thức trẻ

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG