Dòng sự kiện:

Nghệ thuật kỷ luật con

14:00 31/07/2015
Khi nào nên dùng hình phạt với trẻ và xử lý như thế nào để trẻ ngoan hơn, không tái phạm lại những lỗi đã gặp là một vấn đề nan giải với nhiều phụ huynh khi dạy bảo con.

Tin liên quan

  • Bill Clinton - ông bố tuyệt với nhất nước Mỹ dạy con thế nào?
  • Bà mẹ 8 con chia sẻ 9 kỹ năng sống cần dạy bé trước 6 tuổi
  • Thái Thùy Linh cho con gái “ngủ lang” một mình từ... 5 tháng tuổi
  • Con quá “nghiện” iPad - iPhone, mẹ phải làm sao?
  • Dạy con tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục
Với các bậc cha mẹ, việc kỷ luật con không phải điều dễ dàng. Tuy vậy, yêu thương không đồng nghĩa với chiều chuộng, bạn cần phải học cách kỷ luật để rèn luyện con có nề nếp. Song, cần chú ý một điều là việc dùng đòn roi không bao giờ được khuyến khích mà mọi bố mẹ không nên áp đặt với con mình. Tùy theo tính cách và tâm lý của mỗi đứa trẻ, bố mẹ có thể có rất nhiều cách khác nhau để dạy bảo con và phù hợp với sự trưởng thành của con mình.

1. Hãy nhất quán

Muốn kỷ luật con cái hiệu quả, bố mẹ cần phải nhất quán về những nguyên tắc ứng xử, mong muốn và những quy định. Nếu ngay cả bố mẹ hay người lớn trong nhà còn chưa thống nhất được cách dạy con thì con không biết hành động như thế nào là đúng. Hoặc ngay chính bản thân bố/mẹ cũng lúc vầy lúc khác thì cũng không được. Vì thế các mẹ cần:

 - Thiết lập nguyên tắc ứng xử và tuân theo

 - Nhất quán ngay cả khi ở nơi công cộng

 - Thống nhất hình thức kỷ luật

2. Tôn trọng con

Hãy nhớ rằng con cái của chúng ta đang lớn lên và trong giai đoạn hình thành nhân cách. Do đó, chúng ta phải chấp nhận rằng bé không thể hoàn hảo như chúng ta mong muốn. Và cho dù, bé có làm chúng ta buồn và thất vọng đến mức nào thì con cũng cần tình thương và sự tôn trọng của ba mẹ dành cho mình.

 - Nếu bé có thái độ hay hành xử khiến chúng ta thực sự tức giận, thì cũng khoan nói gì. Hãy tìm nơi để bình tĩnh lại trước đã.

 - Đừng gọi con với những biệt danh xấu, hoặc làm hạ thấp giá trị bản thân của con, hay làm con xấu hổ.

 - Ba mẹ cố tránh những tình huống hành xử không phù hợp.

3. Đồng cảm với con

Đánh giá đúng các vấn đề, cách hành xử của con… để hiểu tại sao bé lại phản ứng như vậy.

 - Giải thích với con về những cảm xúc của bé

 - Cố gắng tìm hiểu tại sao con có những hành xử không tốt

4. Nói rõ mong muốn của bố mẹ

Trẻ nhỏ thường khó phân biệt được đâu là hành vi xấu, đâu là hành vi tốt và hệ quả của những hành vi không đúng là như thế nào.

 - Nếu ba/mẹ muốn áp dụng một hình thức kỷ luật nào đó khi bé làm sai, ba/mẹ hãy chắc chắn rằng đã giải thích và bé đã hiểu.

 - Hãy cùng con liệt kê ra những hành vi tốt và hành vi xấu. Với bé lớn, ba mẹ có thể cho bé tìm hiểu hệ quả của hành vi mà con làm.

 - Ba mẹ cũng nên có những phần thưởng khi bé có biểu hiện tốt.

5. Không độc đoán

Nói rõ mong muốn với con, cùng con đưa ra những giải pháp cho các vấn đề gặp phải nhưng vẫn luôn yêu thương và bày tỏ tình cảm với bé.

Chúng ta không nên trở thành những phụ huynh dễ dãi, để con làm tất cả những điều con muốn vì thương con, và mong rằng các con sẽ có kỷ luật khi lớn lên. Chúng ta cũng biết, trẻ con phải rèn từ nhỏ, khi tính cách con đã được hình thành thì cực kỳ khó thay đổi.

Kỷ luật theo từng giai đoạn

Nuôi dạy con là hành trình đầy thách thức và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Ngay từ thời kỳ sơ sinh, cha mẹ đã có thể đặt ra khuôn khổ phù hợp để luyện cho con khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Một số giai đoạn phát triển đòi hỏi hình thức kỷ luật cao hơn, như khi tập cho bé ăn, đi vệ sinh hay lên giường đi ngủ… Kỷ luật phải được xây dựng trên nền tảng yêu thương, tin cậy, tôn trọng và phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ.

Sơ sinh đến 1 tuổi:

Trẻ nhỏ thường thích ứng tốt với hoạt động quen thuộc, diễn ra theo lịch trình. Lúc này có thể tập cho con thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc.

Khi bé lớn hơn, bạn có thể giúp con học kiểm soát cơn cáu giận bằng cách không bế con ngay khi bé khóc.

Lớn hơn nữa, hãy để con tự ru mình vào giấc ngủ. Điều này giúp bé tự xoa dịu cảm xúc.

1-2 tuổi:

Đây là lúc trẻ bắt đầu thể hiện ý muốn của mình. Bạn cần kiên nhẫn, kỷ luật ở giai đoạn này có thể giúp con tránh được tai nạn và hạn chế những lời nói hay hành động thô bạo.

Vì trẻ chưa đủ lớn để hiểu những lời chỉ dẫn đơn giản, hãy vừa nói vừa minh họa bằng hành động. Ví dụ, nếu bé chạm vào đồ vật dễ vỡ trên giá, hãy nói “Không” với thái độ cương quyết. Sau đó, đưa con sang phòng khác hay cho bé chơi thứ gì khác. Hãy ở bên con để bé không thấy sợ vì bị bỏ rơi.

2 - 3 tuổi:

Giai đoạn này được gọi vui là thời kỳ "hãi hùng bé lên 2". Trẻ vật lộn để dành tự do và nổi cáu khi nhận ra mình bị hạn chế. Điều này có thể dẫn tới những cơn nóng giận khủng khiếp. Một lần nữa, cha mẹ cần bình tĩnh quan sát và đặt ra những khuôn khổ cần thiết.

Các chỉ dẫn đơn giản bằng lời sẽ không đủ mạnh. Sau mỗi lời chỉ dẫn bạn cần đưa con tới chỗ khác hoặc làm mẫu về cách hành xử mong đợi.

3-5 tuổi:

Trẻ đáp ứng tốt với mệnh lệnh cương quyết và việc làm gương. Bé có thể dễ dàng làm theo chỉ dẫn và học theo cách cư xử của cha mẹ, thầy cô. Khen ngợi khi bé làm việc tốt để khuyến khích và củng cố hành vi này.

6-12 tuổi:

Trong giai đoạn này, con bạn trở nên độc lập hơn. Trẻ dành nhiều thời gian cho bạn bè và việc học hành. Cha mẹ có thể giám sát, làm gương và cương quyết khi áp dụng các biện pháp kỷ luật.

Hình thức kỷ luật phù hợp bao gồm cắt hoặc trì hoãn một số quyền lợi (ví dụ không internet hoặc không TV trong một ngày), phạt time-out và áp dụng hệ quả.

Nếu có thể, hệ quả phải "logic" hoặc "trung tính". Ví dụ về hệ quả logic: “Con cư xử như đang rất mệt, vì vậy tối nay con sẽ đi ngủ sớm hơn 30 phút”. Ví dụ về hệ quả trung tính: Cứ để 2 bàn tay bị lạnh một chút nếu con không chịu đeo găng tay (nhưng vẫn mang găng tay bên mình).

Giải thích rõ cho con về nguyên tắc kỷ luật. Nếu trẻ tái phạm, hãy cảnh báo trước về hệ quả logic của sai phạm này trước khi áp dụng.

Giữ sự uy nghiêm với con trẻ, tránh việc nói suông vì điều này khiến trẻ "nhờn". Chẳng hạn, nếu bạn nhắc con đi ngủ sớm nhưng đến giờ con vẫn không lên giường và bạn không có hành động gì thì những lần nhắc nhở tiếp theo sẽ chẳng mấy giá trị.

13-18 tuổi:

Tăng cường trò chuyện, chia sẻ với con. Luôn bên con và sẵn sàng giúp đỡ khi con cần. Cư xử công bằng nhưng kiên định. Không xem nhẹ hay trầm trọng hóa các vấn đề. Tránh "lên lớp" hoặc dự đoán về những điều tồi tệ.

Đưa ra thỏa thuận miệng với con, kiểm tra sát sao việc tuân thủ các giao kèo cơ bản và đặt ra hệ quả logic. Ví dụ, nếu con làm hỏng xe, hệ quả sẽ là con phải bỏ tiền ra sửa. Điều này dạy trẻ biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Lam Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm video:

[mecloud]qIAnPyLcri[/mecloud]