Dòng sự kiện:

Sự thực "nghi án" bắt cóc trẻ em tại phố Chùa Bộc và bài học cảnh giác

19:56 23/08/2016
Nhiều người đưa ra lời khuyên phải cẩn thận con em mình, trong khi nhiều người khác đặt ra nghi vấn tại sao hai người bắt cóc lại phải tranh cãi nhau giữa đường...

Mới đây, một người dùng Facebook đã đăng hình ảnh cuộc tranh cãi lên một diễn đàn với nội dung như sau: 

"Có 2 thanh niên cùng nhau nhận là bố của một cháu bé. Cả 2 thanh niên đều rất khả nghi. Lúc đầu tranh nhau nhưng lúc sau lại có dấu hiệu cùng phe với nhau. Rất may khi đó có một bác lái xe 4 bánh dừng đèn đỏ phía sau xuống xe ngăn 2 tên tẩu thoát.

Chủ xe 4 bánh đã rất kiềm chế, rất "cứng" khi kéo dài thời gian đợi công an tới dù bị khiêu khích. Kết quả là tất cả đều lên phường".

Thành viên này cũng không quen nhắn nhủ: "Các bà các mẹ các bố nên quan sát con mình liên tục. Bắt cóc bây giờ lộng hành quá".

Ngay sau khi thông tin bắt cóc trẻ em ở Chùa Bộc được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Đa số người dùng đều tỏ ra hoang mang, lo sợ về tình hình bắt cóc trẻ em ngày càng lộng hành. Tuy nhiên, không ít người cho rằng đây chỉ là sự nhầm lẫn và đặt ra nghi vấn tại sao hai người bắt cóc lại phải tranh cãi nhau giữa đường...

Liên quan đến sự việc bắt cóc trẻ emChùa Bộc vào tối 22/8, trao đổi trên báo Khám phá, ông Thế Anh, phó trưởng công an phường Trung Liệt cho biết, gần 11h đêm 22/8, cảnh sát 113 báo với công an phường về vụ va chạm ở ngã tư Chùa Bộc. Sau đó cảnh sát 113 xác minh, một trong 2 người đàn ông là bố của đứa trẻ. Tuy nhiên, do người bố say rượu nên người đi cùng không muốn cho đèo con sợ gây nguy hiểm cho cháu bé. 

Khi sự việc được làm sáng tỏ, công an 113 đã cho mọi người ra về ngay sau đó chứ hoàn toàn không có chuyện bắt cóc.

Thời gian qua ngày càng nhiều thông tin về các bé trong độ tuổi mầm non, tiểu học bị mất tích, bắt cóc khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng không biết sẽ phải bảo vệ con mình như thế nào trước những hiểm nguy luôn rình rập.

Chia sẻ trên báo VnExpress về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Hội quán các bà mẹ TP HCM, trong những tình huống trên, các bé được giáo dục tốt từ gia đình nên biết cảnh giác khi đối diện với "người lạ mặt". Vẫn có nhiều trường hợp trẻ không được dạy những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân nên để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc như bị bắt cóc, thậm chí xâm hại tình dục...

Bà Thúy cho rằng có những nguyên tắc cơ bản trong việc dạy con tự bảo vệ mà cha mẹ, thầy cô cần lưu ý như sau:

- Thứ nhất, cha mẹ nên khéo léo thảo luận với trẻ về những bài báo phản ánh việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Trên thực tế, một số phụ huynh cho rằng không nên cho trẻ biết về “mảng xám” của cuộc sống quá sớm sợ bé có cái nhìn tiêu cực. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không thể bảo đảm tuyệt đối sẽ luôn ở bên con mỗi khi xảy ra bất trắc. Do vậy, hãy để trẻ tập dần thói quen tự vệ và tự nhận thức vấn đề.

- Thứ hai, dạy trẻ cảnh giác với các tình huống khác thường. Không chỉ với người lạ mà ngay cả với những người bạn thân thiết của gia đình, bạn cũng nên trang bị cho trẻ khả năng nhận biết đâu là những trường hợp cần cảnh giác cao. Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù đó là bạn rất thân của cha mẹ. Thực tế đã có nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà thủ phạm là người thân, bạn bè cha mẹ, hàng xóm…

- Cuối cùng, dạy trẻ tập thói quen ứng phó nhanh, chẳng hạn khi cha mẹ không có nhà, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hay gọi điện cho cha mẹ để thông báo. Khi bị lạc đường, nên gọi điện về cho gia đình hoặc đến các cơ quan công an, trường học nhờ giúp đỡ. Cha mẹ cần lưu số điện thoại, địa chỉ của gia đình vào sổ tay, sách vở và cặp sách của trẻ. Nên dạy các bé từ 6 tuổi trở lên cách sử dụng điện thoại.

Mai Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam