Dòng sự kiện:

Người chồng sợ vợ và cái Tết đầu tiên được làm "đàn ông" đúng nghĩa

08:10 12/01/2017
Nhìn nét mặt cô ấy rạng rỡ, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, làm gì cũng vừa làm vừa hát khe khẽ, tôi biết rằng mình đã làm đúng.

Chúng tôi kết hôn đã được 5 năm. Cưới xong chúng tôi có ngay bé Thỏ. Đến lúc bé chưa tròn 2 tuổi thì chúng tôi lại “nhỡ” nên đẻ luôn bé Cừu. 5 năm trời bầu bí con nhỏ, Tết nhất với chúng tôi chẳng khác gì ngày thường. Họa chăng là không phải đi làm, nên cả ngày có thể chăm con mà không lo deadline với báo cáo.

Cũng vì con nhỏ mà trong suốt 5 cái Tết đầu tiên, chúng tôi đều về quê nội. Vợ tôi cũng chẳng phàn nàn gì điều đó cả dù hai quê chỉ cách nhau chưa đến 100 cây số. Trước Tết, chúng tôi thu xếp để cả nhà về thăm bố mẹ vợ, hoặc có năm thời tiết không thuận lợi thì chỉ mình tôi về. Cũng vì thế mà khi nghe các chị các cô ở cơ quan sôi sục cả lên chuyện đấu tranh về ngoại ăn Tết tôi chẳng quan tâm, coi như chuyện ở thế giới khác. Đùng một cái…

Tối rằm tháng Chạp năm ngoái, cho con cái đi ngủ xong, vợ rủ tôi vào phòng làm việc nói chuyện. Cứ tưởng sắp “được thưởng”, tôi hí hửng chạy ngay vào phòng. Nhìn vợ ngồi trước bàn làm việc, vẻ mặt nghiêm trang, tôi chột dạ chẳng hiểu vừa gây ra chuyện gì. Cô ấy chậm rãi, nói từng tiếng một, chắc nịch - đây là cách nói chuyện của cô ấy mỗi khi thông điệp muốn gửi đến tôi là “Em - đã - quyết - anh - đừng - có - cãi.”

“5 năm liền từ ngày lấy chồng, rồi sinh con, rồi con nhỏ, chưa năm nào em về quê ăn Tết với bố mẹ cả. Năm nay các con đều cứng cáp cả rồi. Gia đình anh cũng có các anh các chị ở gần cả. Nên năm nay em MUỐN cả nhà mình sẽ về ngoại ăn Tết. 23 tới đây cả nhà mình về thăm ông bà nội, chuẩn bị quà Tết cho ông bà và thưa chuyện luôn. Thế anh định sẽ nói với bố mẹ hay em nói nào?”

Thú thật, tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình huống này. Nhưng vợ nói chẳng sai tí nào. Chưa kể 5 năm qua vợ chu toàn lo Tết nhất cho bố mẹ mình, tôi cũng không nỡ từ chối vợ nên miễn cưỡng đồng ý dù biết ông bà sẽ buồn lắm.

Ngày ông Công ông Táo, cả nhà kéo nhau về nội, thưa chuyện với ông bà. Bố mẹ tôi không vui nhưng cũng chẳng có gì do gì để từ chối nên miễn cưỡng đồng ý, dù sau đó mẹ tôi tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Biết vậy nhưng tôi cũng chẳng biết làm thế nào khác.

28 nghỉ Tết, sáng 29 vợ chồng con cái di cư về ngoại. Để cho ông bà bất ngờ, chúng tôi không báo trước. Khỏi phải nói bố mẹ vợ tôi vui thế nào. Mặc kệ hai chị em bé Thỏ và bé Cừu chơi với lũ gà ngoài sân, vợ tôi vào bếp phụ mẹ cơm nước, tôi cùng bố vợ kê dọn nhà cửa - việc mà về nhà mình chả bao giờ tôi phải động tay. Dọn dẹp, lau chùi rồi thấy chưa ổn lại kê lại đồ đạc, luôn chân luôn tay nhưng thú thực tôi không hề thấy mệt. Một lúc sau thấy mẹ và vợ đi chợ về, mua theo lá dong để gói bánh chưng.

Mẹ vợ bảo: “Bố mẹ định không gói, mua 2 cặp thắp hương thôi. Nhưng chúng mày về đây, mẹ mua đồ về làm cho vui, cho bé Thỏ bé Cừu ngồi nghịch bánh, gói cho chúng nó mấy cái bánh tí hon cho có tí không khí Tết. Mẹ cảm ơn con nhé!” - Tôi cười gượng. Từ lúc bước chân về nhà, không biết bố mẹ vợ cảm ơn tôi mấy lần rồi. Tôi vừa mừng, vừa thương ông bà, vừa cảm thấy có lỗi.

Tôi chợt giật mình nhớ lại những năm trước, cứ Tết đến là vợ tôi lại thẫn thờ, thỉnh thoảng lại nhìn xa xăm, đôi khi đưa tay lên quệt nước mắt. Tôi hỏi thì vợ bảo do khói bếp làm cay mắt. Rồi cứ Tết đến là vợ tôi rất dễ cáu, làm gì không vừa ý, dù chỉ là chuyện nhỏ vợ tôi cũng có thể cáu ầm lên được. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là Tết nhất nhiều việc nên vợ mệt, sinh cáu bẳn. Giờ thì tôi đã hiểu.

Đêm giao thừa, tôi lóng ngóng ngồi phụ bố vợ gói bánh chưng. Vợ tôi và mẹ làm bánh trôi, hai đứa trẻ con tíu tít chạy ra chạy vào, hết cười lại khóc vì trêu nhau. Cả nhà vừa làm, vừa nói chuyện, vừa kể lại những chuyện hồi bé của vợ mà bây giờ tôi mới được nghe kể. Nhìn vợ tôi lúc này đáng yêu như thưở sinh viên, nhí nhảnh như đứa bé được bố mẹ cưng nựng. Đây cũng là Tết đầu tiên tôi được “ra dáng” thằng đàn ông trong nhà, thay bóng điện, quét mạng nhện, kê lại mấy chậu cây cảnh… những việc mà trước đây tôi chưa từng động tay.

Liếc ngang liếc dọc không thấy ai, tôi chạy xuống bếp, ôm vợ từ đằng sau: “Nhìn vợ rạng rỡ thế này xinh hẳn ra ấy vợ ạ. Nhìn em bây giờ hệt như cái cô người yêu cũ của anh cách đây 7,8 năm ấy” - “Người yêu cũ nào?”; - “Thì cái cô người yêu cũ rồi sau bị ế không ma nào rước nên anh rước luôn ấy! Hì, năm sau anh lại đưa vợ về đây với ông bà ngoại nhé!”; -“Không, năm sau mình về nội!” “Cái gì?” - Tôi giật mình hỏi lại, không tin vào tai mình.

Vợ tôi nhỏ nhẹ: “Thì năm nay nhà mình ở đây với ông bà ngoại, năm sau lại ăn Tết với ông bà nội. Cứ mỗi năm ăn Tết một nơi chứ!”. Hôn chụt vào má vợ, tôi biết mình đã hoàn toàn đúng khi đồng ý với đề nghị của vợ. Vợ tôi còn bảo: “Sáng mồng 3 cả nhà mình về ông bà nội nhé, kịp ăn bữa cơm hóa vàng với ông bà với các bác".

Nhìn nét mặt vợ đầy rạng rỡ, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, làm gì cũng vừa làm vừa hát khe khẽ, tôi biết rằng mình chẳng có gì phải lo ngại cái tiếng sợ vợ. Mình đã làm đúng.

Dân Việt

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG