Dòng sự kiện:

Người con gái mang “giá trị thực” của tơ tằm đến chốn thành thị

22:37 08/06/2017
Váy áo tơ tằm đã không còn quá xa lạ. Chất liệu này được ưa chuộng bởi tính năng thấm hút mồ hôi, thoáng mát, mềm mại. Nhưng nếu việc ứng dụng chỉ dừng lại ở trang phục, thì có lẽ không đủ ấn tượng để tôi tìm hiểu sâu hơn về tơ tằm.

Lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh chiếc khăn mặt, khăn tắm được dệt từ tơ tự nhiên, màu trắng ngà, óng mượt, thật sự tôi đã không thể rời mắt. Không phải bởi tính sang trọng người ta vẫn gắn liền cho nó, mà bởi sự đơn giản, mộc mạc, thuần khiết, đậm nét truyền thống – điều tôi không thể nhìn thấy trong những sản phẩm công nghiêp đủ sắc màu, mẫu mã dường như đang chi phối thị trường tiêu dùng ngày nay.

Những người kinh doanh trong lĩnh vực phát triển bền vững mà tôi có cơ hội găp gỡ, mỗi người có một cơ duyên, một nguồn cảm hứng riêng với “đứa con tinh thần” của mình, nhưng trong họ đều tựu chung mong muốn mang một “cuộc sống xanh” đến với cộng đồng. Chị Bích Lưu, nhà sáng lập thương hiệu LUALANG – chiếc cầu nối đem những sản phẩm được sáng tạo từ lụa tự nhiên tới cộng đồng người tiêu dùng, là một trong số đó.

Tơ tằm như mối nhân duyên không hẹn trước

Chị Bích Lưu hiện tại là một phóng viên mảng nông nghiệp, công việc đưa chị đến nhiều vùng đất của Tổ Quốc, chứng kiến nhiều đổi thay, cũng mang đến cho chị nhiều cơ hội được tìm hiểu, khám phá những làng nghề thủ công truyền thống của đất nước.

Cơ duyên với tơ tằm đến với chị trong một dịp chị đi làm phim về truyền thống dệt lụa tại vùng Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội – nơi có truyền thống trồng dâu nuôi tằm trong nhiều năm. Chị nhận thấy người dân dần từ bỏ mảnh đất này, ngành nghề này để đến với công việc khác tạo kinh tế hơn. “Chị thấy tiếc cho một nét truyền thống quý giá của đất nước đang dần mai một. Càng đi nhiều chị càng xót xa trước thực trạng các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam hầu hết phải phát triển trong tình trạng cầm chừng, tinh hoa của sản phẩm không được nhiều người biết tới. – Chị Lưu chia sẻ.

Tại đây, chỉ còn duy nhất một người phụ nữ lớn tuổi còn giữ được tình yêu, tâm huyết với tằm, đó là nghệ nhân Phan Thị Thuận – người sinh ra, lớn lên tại vùng đất này và đã gắn bó với nghề tằm trong suốt cuộc đời mình. Qua cô Thuận, chị có cơ hội hiểu hơn về ngành nghề làm vải tơ tằm, từ điều kiện nuôi tằm ra sao để được chất lượng sợi tốt nhất, quy trình tằm nhả tơ, đến cách ươm tơ, xe sợi, dệt lụa… Tất cả đều được thực hiện thủ công, rất đỗi tỉ mỉ.

Tuy nhiên thời điểm đó, trong chị chưa hình thành nên ý tưởng kinh doanh từ vải tằm vì cuộc sống của một phóng viên vốn rất bận rộn. Phải đến môt thời gian sau khi có cơ hội quay lại đây, nghe cô Thuận tâm sự nhiều hơn về cuộc sống khó khăn của những người còn gắn bó với nghề truyền thống, mới thực sự thôi thúc chị.

“Chị không thể quên được lời dặn, lời mời chân thành của cô dạo trước, rằng cô già đã rồi, nhưng nhiều thứ muốn làm mà không làm được nữa, rằng chị có thể hợp tác với cô để mang vải tơ tằm nguyên chất thực sự đến với người dân được không?, để ai ai cũng được sử dụng chúng” – chị Bích Lưu nhớ lại. Có thể nói, lời bộc bạch của người phụ nữ đã đứng tuổi còn quá “nặng tình” với tằm và thứ cảm giác đặc biệt tơ tằm mang lại cho chị đã làm nên mối nhân duyên giữa tằm, giữa cô Thuận và chị bền vững đến ngày hôm nay.

“Khi ấy, cô Thuận có đưa cho chị một tấm vải tơ tẳm về dùng thử kèm lời chia sẻ rằng cô muốn người Việt ai cũng được dùng lụa tơ tằm 100%. Tối hôm đó, chị không thể quên thứ cảm giác nhẹ bẫng, dễ chịu, mềm mại trên làn da của chính mình – cảm giác chị chưa từng thấy trước đây. Chị không ngờ rằng, trong chiếc khăn mỏng tang, nhỏ bé ấy lại có tác dụng tuyệt vời đến làn da như vậy. Thời điểm đó vào tháng 6/2015, khi vấn nạn thực phẩm bẩn, hoá chất đang bưở vây cuộc sống người dân, chị đã nghĩ đến việc tại sao mình không làm điều gì góp phần thay đổi hiện thực đáng buồn này?” – chị Lưu nhớ lại. Ý tưởng giữ lụa dưới hình thức nguyên bản, không nhuộm màu, không hoá chất bắt nguồn từ nỗi lo lắng ấy.

Sau một thời gian sử dụng, chị chia sẻ những cảm nhận của mình về sản phẩm trên mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến tích cực. ”Thời gian đầu chỉ có bạn bè, người thân ủng hộ nhưng dần dần sản phẩm được mọi người chia sẻ rộng rãi hơn. Chị tin rằng sự đặc biệt trong chất lượng sản phẩm là cách thu hút khách hàng hữu hiệu nhất”.

“Lý do chị quyết định kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa tơ tằm không quá lớn lao gì, ngoài cảm tình đặc biệt với tằm thì chị cũng nhìn thấy rằng thị trường đang “cần” mặt hàng này. Chị vừa có thể tạo thêm thu nhập cho bản thân, tạo ra thêm công ăn việc làm cho người nông dân, vừa góp phần giữ gin văn hoá truyền thống, kết nối những sản phẩm thủ công của làng nghề Việt nam đến với người dân thành thị.” – Chị Lưu chia sẻ.

Sự mộc mạc làm nên điều khác biệt

Lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh chiếc khăn mặt, khăn tắm được dệt từ tơ tự nhiên, màu trắng ngà, óng mượt, thật sự tôi đã không thể rời mắt...


“Người ta thường sử dụng vải tơ tằm để may quần áo, nhưng chị thấy lãng phí quá, sao không dùng chất liệu tuyệt vời này một cách thiết thực hơn, mang lại lợi ích trực tiếp cho sức khoẻ, cho làn da, không đơn thuần là sản phẩm làm đẹp bên ngoài như nó vốn đc sử dụng nữa…” – Và bộ sản phẩm khăn mặt, khăn tắm, khăn ủ tóc làm từ 100% tơ tằm nguyên chất được ra đời từ suy nghĩ ấy.

Trong thời gian sản xuất sản phẩm, chị và cô Thuận đã nhận đươc nhiều lời góp ý “Sao sản phẩm lại đơn giản như vậy, sao không thêm màu, thêm hoạ tiết để khách hàng có nhiều sự lựa chọn”. Nhưng ngẫm thấy việc nhuộm màu bắt buộc phải dùng hoá chất hãm màu, có thể gây ảnh hưởng đến da. Mà khách hàng chị hướng tới là những bà mẹ muốn mang đến những gì an toàn nhất cho con của mình, chị quyết định không sử dụng màu nhuộm mà để chúng một màu trắng thuần duy nhất. Chị tin rằng sự đơn giản, thuần tuý, không cầu kỳ, sẽ làm nên sự khác biệt trong dòng sản phẩm của mình.

Chính vì niềm tin đó, cho đến hôm nay, không chỉ nhận được những bà mẹ tin tưởng mua sản phẩm khăn tơ tằm cho con nhỏ, mà còn có rất động những bạn trẻ cũng lựa chọn vải tằm đẻ sử dụng thay vì những sản phẩm công nghiệp khác.

Trong thời gian sắp tới, chị Lưu và nghệ nhân Phan Thị Thuận sẽ tiếp tục dành nhiều công sức để sáng tạo các sản phẩm hữu ích khác từ tơ tằm, hướng tới đối tượng là trẻ em: “Chị hiểu và tin rằng tơ tằm sẽ đem lại những điều tuyệt vời cho các thiên thần nhỏ. Chị và những người nông dân gắn bó với nghề truyền thống sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu quý giá từ thiên nhiên này để sáng tạo ra những sản phẩm mang tính thực tế cao hơn nữa, giá thành phù hợp, đem đến cho người dân mình sản phẩm chất lượng tốt nhất.” !

Theo Hồng Ngọc/ Gia Đình Việt Nam