Dòng sự kiện:

Nguyên nhân và cách điều trị bệnh lõm ngực ở trẻ em

19:28 28/05/2017
Lõm lồng ngực là một loại biến dạng bẩm sinh ở trẻ nhưng ít cha mẹ để ý. Việc điều trị bệnh nếu không kịp thời có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tâm lý của trẻ sau này.

Nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh lõm ngực

Lõm ngực là một dạng dị tật bẩm sinh. Khi còn nhỏ rất khó phát hiện, nhưng lớn lên sẽ thấy rõ ngực của bệnh nhân ngày càng lõm xuống. Nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu cho thấy cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có một trường hợp bị bệnh này, trong đó tỷ lệ nam/nữ là 3:1. Nguyên nhân bệnh hiện nay chưa xác định rõ, riêng các trường hợp di truyền chiếm khoảng 35-45%.

Đối với trẻ sơ sinh, bệnh khá dễ nhận biết bằng mắt thường. Lồng ngực sẽ lõm vào trong. Tuy nhiên, ở một số trẻ nhỏ, không dễ phát hiện trẻ bị lõm lồng ngực khi trẻ không có các triệu chứng như khó thở, lõm quá sâu.

Một số gia đình cũng không phát hiện được nếu trẻ có thể trạng nhỏ, gầy vì phần lồng ngực trông lõm tương xứng với thể trạng của trẻ.

Bệnh lõm ngực ở trẻ dễ nhận biết bằng mắt thường

Cách điều trị bệnh lõm ngực ở trẻ

Nếu cha mẹ phát hiện trẻ bị lõm lồng ngực muộn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của trẻ khi trưởng thành:

- Phần xương ức của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, xương ức không ở vị trí bình thường mà nằm phía dưới mũi ức bị lõm vào. Trẻ có thể bị lõm về bên phải hoặc bên trái.

- Ngoài ra, khi điều trị lõm lồng ngực, tùy theo mức độ bệnh mà có thể gây đau cho trẻ do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim.

- Một biến chứng khác là tâm lý của trẻ đó là trẻ vẫn cảm thấy tự ti hơn về hình thức bất thường của mình, vì điều này mà có thể chậm phát triển so với bạn bè.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Bảo Luân, khoa Phẫu thuật Lồng Ngực - Mạch Máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết, những bệnh nhân bị lõm ngực như trên thường được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực (phẫu thuật NUSS) để nắn xương phát triển theo hướng mới. Cho đến khi xương phát triển cứng, chắc thì trở lại bệnh viện để mổ lấy thanh nâng ngực ra. Khoảng thời gian chờ thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng phát triển của xương.

"Điều trị lúc trẻ còn nhỏ sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả cao. Lúc này xương của bé mềm và tốc độ phát triển nhanh hơn nên xương vùng ngực bị lõm cũng dễ nắn chỉnh và mau cứng chắc hơn", bác sĩ nói.

Theo Gia đình Việt Nam