Dòng sự kiện:

Nhà có anh chị em, đây là cách ứng xử của bố mẹ để các con bớt đánh, cãi nhau

19:48 19/03/2018
Va chạm giữa các con luôn là nỗi lo của các cha mẹ. Dưới đây chuyên gia sẽ chia sẻ cho phụ huynh về những cách ứng xử để hạn chế các trận đánh, cãi nhau giữa các con.

Với các gia đình có từ hai con trở lên, một trong những điều làm cho cha mẹ đau đầu nhất là việc hòa hợp giữa các con. Việc tranh cãi giữa anh chị em trong nhà là chuyện bình thường, nhưng đôi khi nó xuất hiện quá nhiều lại làm cho không khí trong gia đình không thoải mái.

Trả lời cho những thắc mắc trong việc làm thế nào để giảm thiểu các trận đánh, cãi nhau của chị em trong nhà, Aaron Anderson - một nhà văn, diễn giả về các mối quan hệ, một nhà trị liệu, Giám đốc của Phòng Hôn phối và Gia đình ở Denver, Colorado (Mỹ) – đã chia sẻ: Thường thì các bé tham gia rất nhiều các hoạt động ở trường và khi đó bé có thể lựa chọn bạn chơi phù hợp với mình. Tuy nhiên khi ở nhà, các bé rất khó khăn trong việc điều hòa mối quan hệ với các anh chị em vì có thể không hợp tính nhau và không có sự lựa chọn.

Khác biệt về tính cách, không thấu hiểu lẫn nhau có thể dẫn đến sự cạnh tranh giữa anh chị em (Ảnh minh họa)

Với tư cách những người làm cha làm mẹ, điều đương nhiên là ai cũng muốn ngăn cản những trận cãi nhau, sự tranh giành giữa các con trong nhà. Điều đó sẽ giúp cho ngôi nhà yên bình hơn, khuyến khích con bạn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Và nếu bạn có thể làm giảm sự ganh đua ngay từ khi còn nhỏ, khi bé lớn lên mối quan hệ sẽ chuyển biến tích cực. Vì vậy, đây là một số lời khuyên về cách bạn có thể giúp con mình ngừng cạnh tranh với nhau.

Dành những lời khen công khai trước mặt con cái

Tất cả mọi người đều thích nhận được lời khen ngợi. Và khi con bạn nghe thấy bạn khen ngợi về anh chị em, bé sẽ coi đó là một ví dụ về những cách để khen ngợi và yêu thương nhau. Bé có thể cảm thấy hơi ghen tị khi nghe bố mẹ khen ngợi anh chị em nhưng khi bé được khen ngợi, bé sẽ nhận ra rằng sự ghen tỵ là không cần thiết bởi vì bạn yêu quý tất cả các con.

Rất nhiều trường hợp anh chị em trong gia đình đánh, cãi nhau cũng chỉ vì sự ghen tỵ. Hãy chỉ cho trẻ cách vượt qua thái độ ghen tỵ bằng cách khen ngợi tất cả mọi người, trẻ sẽ dần thấy được những điều tốt đẹp về anh chị em của mình.

Khuyến khích các con của bạn hỗ trợ lẫn nhau

Một bé có đồ chơi tốt hơn hoặc một bé bị bỏ lại phía sau và không được nắm tay khi đi chung với mẹ,… có thể chỉ là một chuyện bình thường nhưng lại nuôi dưỡng sự ganh tỵ trong trẻ.

Bạn hoàn toàn có thể xóa bỏ cảm giác đó bằng cách khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động chung và hỗ trợ lẫn nhau. Bạn có thể cho các con cùng nhau đá bóng, chơi trò chơi và cùng nhau ăn mừng chiến thắng của những trò chơi đó. Điều này sẽ giúp cho các bé cảm nhận được sự hỗ trợ từ bố mẹ và các anh chị em trong gia đình là vô cùng tuyệt vời.

Hãy nhớ rằng, không phải tất cả sự cạnh tranh của anh chị em đều là xấu

Mối quan hệ của các anh chị em trong gia đình là bình đẳng và sự cạnh tranh giữa các anh chị em có thể giúp trẻ học được những kỹ năng sống quan trọng như là giải quyết xung đột và chịu đựng. Khi gặp rắc rối trong mối quan hệ của anh chị em, trẻ sẽ phải tìm cách để thương lượng và giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp trẻ có khả năng chịu đựng để có thể tìm ra phương án giải quyết tối ưu.

Đừng cố gắng can thiệp mọi lúc

Bởi vì không phải tất cả các cuộc cãi vã của anh chị em trong gia đình đều là xấu, thế nên không nhất thiết bạn luôn phải can thiệp vào. Trên thực tế, việc bạn không can thiệp có thể giúp con bạn học được cách thương lượng vấn đề mà không cần người hòa giải. Điều này sẽ vô cùng hữu ích cho trẻ khi trẻ gặp các tình huống bất ngờ ở trường, trong khi đi làm hay cả trong cuộc sống hôn nhân sau này. Đồng thời nó cũng sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ áp lực hơn mỗi khi phải đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề cạnh tranh của trẻ.

Sự ganh đua giữa các anh chị em cũng là một phần trong cuộc sống gia đình. Cùng với sự kiên nhẫn và động viên, bạn có thể đưa ra những lời khuyên, nhắc nhở tích cực cho con của bạn về sự tuyệt vời khi có anh chị em trong gia đình.

Theo Helino


TAG